Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - HOA KỲ

Bắc Kinh bắt bí Mỹ để Hội Đồng Bảo An giảm trừng phạt Bình Nhưỡng

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngày hôm qua, 21/03/2016 đã đồng ý với yêu cầu của Trung Quốc là xóa tên 4 chiếc tàu ra khỏi danh sách cần trừng phạt về tội giúp Bắc Triều Tiên buôn lậu vũ khí. Theo tiết lộ của hãng tin Anh Reuters, Bắc Kinh đã dùng thủ đoạn bắt bí Washington để Mỹ chấp thận việc giảm nhẹ trừng phạt.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power phát biểu nhân cuộc bỏ phiếu về trừng phạt Bắc Triều Tiên ở Hội Đồng Bảo An. Ảnh  2/03/ 2016.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power phát biểu nhân cuộc bỏ phiếu về trừng phạt Bắc Triều Tiên ở Hội Đồng Bảo An. Ảnh 2/03/ 2016. Don EMMERT / AFP
Quảng cáo

Quyết định rút tên đã được khẳng định trong một thông cáo báo chí mà Reuters đọc được trước và theo nhiều nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc, văn kiện này sẽ sớm được Hội Đồng Bảo An công bố.

Theo Reuters, ngày 16/03 vừa qua, Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ giúp đỡ trong việc rút tên 4 chiếc tàu buôn ra khỏi danh sách đen của Liên Hiệp Quốc. Thông tin này được nêu lên trong một điện mật ngoại giao do phái bộ thường trực của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc gởi đi cùng ngày cho một số đại sứ quán khác của Mỹ trên thế giới.

Nội dung bức điện mà hãng tin Anh đọc được đã nêu bật cuộc đọ sức gay gắt giữa các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc liên quan đến các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhắm vào Bắc Triều Tiên, chỉ vài tuần lễ sau khi hai bên đã phô diễn một lập trường thống nhất hiếm thấy.

Các chiếc tàu được tha nằm trong danh sách 31 chiếc bị trừng phạt vì có liên quan đến công ty Quản Lý Hàng Hải Hải Dương, một công ty vận tải biển của Bắc Triều Tiên được biết đến là chuyên vận chuyển vũ khí và các loại hàng hóa bất hợp pháp khác cho chế độ Bình Nhưỡng. Trong số 4 chiếc này, có chiếc Jin Teng, đã bị Philippines chặn giữ vài hôm sau khi nghị quyết trừng phạt của Hội Đồng Bảo An có hiệu lực.

Trả lời hãng Reuters hôm 21/03, thứ Hai, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Lưu Kết Nhất (Liu Jieyi) giải thích : « Chúng tôi đã phát hiện ra rằng 4 chiếc tàu đó không phải là tàu của công ty Quản Lý Hàng Hải Hải Dương… », và Bắc Kinh chỉ muốn Hội Đồng Bảo An sửa chữa một sai sót mà thôi.

Một quan chức Mỹ xin giấu tên, đã xác nhận là Ủy Ban phụ trách trừng phạt Bắc Triều Tiên của Hội Đồng Bảo An đã chấp nhận yêu cầu của Trung Quốc sau khi có cam kết bằng văn bản là bốn chiếc tàu sẽ không còn sử dụng thủy thủ người Bắc Triều Tiên.

Quan chức nói trên đồng thời ca ngợi điều mà ông cho là dấu hiệu của một « mối quan hệ làm việc hiệu quả với Trung Quốc » trên vấn đề Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, theo Reuters, đằng sau bề ngoài hữu hảo đó, các bức điện mà hãng tin Anh đọc được cho thấy rõ thái độ ấm ức của Mỹ.

Theo Reuters, nội dung các bức điện từ phái bộ Mỹ ở Liên Hiệp Quốc gởi đến Đại Sứ Quán Mỹ ở Manila, Tokyo và Seoul cho thấy là các nhà ngoại giao Mỹ rất tức tối trước điều được họ cho là cố gắng của Trung Quốc nhằm trì hoãn việc tái bổ nhiệm một tiểu ban của Liên Hiệp Quốc, để buộc Mỹ chấp nhận cho xóa tên 4 chiếc tàu trong danh sách đen.

Đây là một tiểu ban chuyên gia quốc tế có nhiệm vụ theo dõi và phát hiện những vi phạm tiềm tàng đối với nghị quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc, để đề xuất xử phạt các đơn vị có liên can.

Theo một bức điện, Đại Sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu bà Samantha Power, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc giúp đỡ để việc rút tên các chiếc tàu diễn ra một cách « dễ dàng, trơn tru và nhanh chóng », để cho tiểu ban chuyên gia mới sớm được thành lập. Theo bức điện thì ông Lưu Kết Nhất đã nói với bà Power là cách tốt nhất để mọi việc trơn tru là « nhanh chóng giải quyết mọi vấn đề ».

Đại sứ Mỹ đã nói với đồng nhiệm Trung Quốc rằng gắn liền hai vấn đề và treo việc đổi mới tiểu ban chuyên gia là những điều không được chính quyền Mỹ tán đồng, và bà khuyên phía Trung Quốc không nên trì hoãn tiến trình thành lập tiểu ban chuyên gia.

Bức điện mà Reuters đọc được đã trích nguyên văn lời bà Samantha Power nói với ông Lưu Kết Nhất như sau : « Quý vị không cần phải bắt bí chúng tôi, vị chúng tôi thực sự quan tâm đến việc hoạt động trong sự tin tưởng lẫn nhau ».

Theo hãng Reuters, vào hôm qua, đại sứ Trung Quốc đã tỏ ý tin tưởng rằng việc đổi mới tiểu ban chuyên gia sẽ được tiến hành theo « quy trình bình thường trong Hội Đồng Bảo An ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.