Vào nội dung chính
TÂY TẠNG

Cộng đồng Tây Tạng lưu vong bầu lãnh đạo chính trị mới

Hàng chục nghìn người dân Tây Tạng được kêu gọi đi bầu lãnh đạo chính phủ lưu vong ngày 20/03/2016. Chính phủ mới sẽ tiếp tục đấu tranh với Bắc Kinh để đòi nhiều quyền tự trị hơn.

Người Tây Tạng lưu vong đi bầu tại Dharamsala, Ấn Độ, 20/03/2016.
Người Tây Tạng lưu vong đi bầu tại Dharamsala, Ấn Độ, 20/03/2016. REUTERS/Adnan Abidi
Quảng cáo

Lobsang Sangay, người đứng đầu cơ quan hành pháp đóng tại thành phố Dharamsala thuộc Ấn Độ, là ứng viên có nhiều triển vọng tại vòng hai của cuộc bầu cử này. Ông là người lãnh đạo cuộc chiến chính trị với Bắc Kinh kể từ khi đức Đạt Lai Lạt Ma từ bỏ mọi vai trò chính trị vào năm 2011.

Ba ứng viên khác đã bị loại tại vòng bầu cử thứ nhất, được tổ chức vào tháng 10/2015. Các cử tri hiện có hai lựa chọn: ông Lobsang Sangay 48 tuổi và chính trị gia giàu kinh nghiệm Penpa Tsering 49 tuổi, hiện đang là chủ tịch Nghị viện lưu vong.

Cương lĩnh chính trị của hai ứng viên không khác nhau là mấy. Giống nhà lãnh đạo tinh thần Đạt Lai Lạt Ma, cả hai cũng đòi quyền tự trị nhiều hơn cho vùng Tây Tạng. Còn Bắc Kinh luôn cáo buộc cả hai ứng viên trên là những nhà ly khai đòi độc lập cho Tây Tạng.

Tổng cộng có khoảng 88.000 người Tây Tạng được kêu gọi đi bỏ phiếu tại 13 nước, từ Úc tới Hoa Kỳ, để bầu ra lãnh đạo chính phủ cũng như 44 thành viên của Nghị viện.Tại Dharamsala, hàng đoàn người đã xếp hàng dài ngoài các phòng bầu cử ngay lúc mở cửa vào 9 giờ sáng (giờ địa phương). Cũng như Lobsang Sangay, trong số các cử tri đi bầu, rất nhiều người chưa từng đặt chân đến Tây Tạng.

Kết quả của cuộc bỏ phiếu sẽ được công bố vào khoảng tháng Tư. Dù ai là người chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 20/03/2016, lãnh đạo mới sẽ vẫn ẩn trong chiếc bóng của Đạt Lai Lạt Ma, người từng được trao giải Nobel hòa bình và vẫn là gương mặt đấu tranh của người Tây Tạng trong con mắt cộng đồng quốc tế. Trước đó, trong cuộc bầu cử vòng thứ nhất vào tháng 10/2015, Lukar Jam Atsok, một trong các ứng cử viên và là một cựu tù chính trị tại Trung Quốc, đã đòi độc lập cho Tây Tạng. Tuy nhiên, nhân vật này chỉ về thứ ba nên không thể đi tiếp vào vòng hai.

Sau một thời gian được thế giới đề cập nhiều, vấn đề Tây Tạng dường như trở nên lắng hơn trong những năm gần đây do nhiều nước không muốn gặp rắc rối với Trung Quốc, hiện đang trở thành một cường quốc kinh tế quan trọng.

Theo nhận định của nhiều nhà quan sát, Trung Quốc đang mong đức Đạt Lai Lạt Ma chết vì cho rằng phong trào đòi quyền lợi cho người Tây Tạng sẽ biến mất sau khi nhà lãnh đạo tinh thần 80 tuổi này qua đời.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.