Vào nội dung chính
HOA KỲ - BIỂN ĐÔNG

Hải quân Mỹ đả kích « luật kẻ mạnh » tại Biển Đông

Các hành vi ỷ lớn hiếp bé của Trung Quốc tại Biển Đông tiếp tục bị Hoa Kỳ công kích. Ngày 16/03/2016, đến lượt tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ lên tiếng về xu thế « luật của kẻ mạnh » (might is right) đang trỗi dậy tại Biển Đông. Tình trạng này sẽ có những hệ quả vượt xa giới hạn của lãnh vực quân sự đơn thuần.

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc dường như đang xây hệ thống radar trên một đảo tranh chấp ở Trường Sa. Ảnh được phổ biến ngày 23/02/2016.
Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc dường như đang xây hệ thống radar trên một đảo tranh chấp ở Trường Sa. Ảnh được phổ biến ngày 23/02/2016. REUTERS/CSIS Asia Maritime Transparency Initiative/DigitalGlobe/
Quảng cáo

Nhân một cuộc hội thảo tại Canberra, thủ đô nước Úc, đô đốc Scott Swift không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng đã tố cáo « một vài quốc gia » về những hành vi « xây dựng cơ sở và quân sự hóa một cách hung hăng chưa từng thấy ».

Chỉ huy của Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng một bầu không khí bất ổn đã nảy sinh từ việc « bồi đắp hàng ngàn hecta đất, cùng với việc xây dựng các doanh trại mới, cảng nước sâu, phi đạo dài, radar cực mạnh, triển khai tên lửa địa-đối-không và hàng phi đội máy bay hải quân ».

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã liên tục bị đả kích về các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo tại vùng quần đảo Trường Sa, xây trên đó nào là phi đạo, nào là bến cảng, nào là đài radar có tần số cao. Trung Quốc cũng bị tố cáo là đã triển khai tên lửa và máy bay tiêm kích tại khu vực Hoàng Sa.

Bắc Kinh còn bị cáo buộc dùng sức mạnh để cản trở quyền tự do lưu thông trên không và trên biển, và để áp đặt chủ quyền Trung Quốc trên gần như toàn bộ Biển Đông, chèn ép các nước láng giềng Đông Nam Á nhỏ hơn cũng tuyên bố chủ quyền trong vùng.

Đối với đô đốc Scott Swift, ông đã có một « cảm giác rõ rệt » là một chiều hướng dùng sức mạnh để áp đặt luật lệ đã trở lại khu vực, sau 70 năm được sống trong an ninh và ổn định từ khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc. Nếu luật kẻ mạnh thắng thế tại Biển Đông, điều đó sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu và luật quốc tế.

Tư lệnh Hạm Đội Mỹ vùng Thái Bình Dương đã cảnh báo chính quyền Hoa Kỳ về những hệ quả nghiêm trọng nếu để mất quyền tự do lưu thông trên các vùng biển quốc tế tại Biển Đông đang bị Trung Quốc cho là của mình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.