Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - ĐIỆN HẠT NHÂN

Trung Quốc bán được nhà máy điện nguyên tử cho ai?

Tới lượt mình, Trung Quốc muốn xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thế hệ III, trước hết là được thiết kế để xuất khẩu. Trong số ra ngày 23/02/2016, nhật báo The Wall Street Journal cho rằng, trong lĩnh vực này, Trung Quốc không còn muốn đóng vai trò khách hàng mà phải trở thành nước xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân thế hệ III. Tuần báo Le Courrier International, trong số 1323 (10-16/03/2016), đặt câu hỏi : Vậy ai muốn mua nhà máy điện hạt nhân “Made in Chine”?

Chính quyền Trung Quốc thúc đẩy việc xây dựng các nhà máy điện nguyên tử, trong ảnh là một công trình tại tỉnh Hải Nam.
Chính quyền Trung Quốc thúc đẩy việc xây dựng các nhà máy điện nguyên tử, trong ảnh là một công trình tại tỉnh Hải Nam. AFP PHOTO/Luo yunfei
Quảng cáo

Các lò phản ứng thế hệ III được thiết kế từ những năm 1990. Về mặt kỹ thuật, không có nhiều thay đổi so với thế hệ trước song các lò thế hệ III được tăng cường các thiệt bị an toàn, do rút kinh nghiệm từ vụ nổ nhà máy điện nguyên tử Tchernobyl năm 1986. Các lò thế hệ III có công suất hơn 1.000 megawatt và hiện có rất nhiều nhà máy đang được xây dựng trên khắp thế giới : EPR của tập đoàn Pháp Areva, AP1000 của tập đoàn Mỹ-Nhật Westinghouse và AES-2006 của tập đoàn nhà nước Nga Rosatom.

Từ khách hàng tiêu thụ nhiều nhất…

Trong vòng 30 năm, Trung Quốc là một thị trường lớn cho các nhà khổng lồ lĩnh vực nguyên tử, trong đó phải kể tới tập đoàn Mỹ Westinghouse Electric (bị tập đoàn Toshiba Nhật Bản mua lại vào năm 2006) và tập đoàn Pháp Areva. Hơn 30 nhà máy điện nguyên tử đã được xây dựng tại Trung Quốc với quy trình chuyển giao công nghệ và kỹ thuật nước ngoài. 24 nhà máy khác đang được xây dựng, chiếm 1/3 tổng số các công trình trên thế giới, theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (AIEA).

Hiện dự án xây dựng các nhà máy điện nguyên tử dọc lưu vực sông Dương Tử, như khu vực Đào Hoa Giang (Taohua Jiang) ở tỉnh Hồ Nam, Đại Phàm (Dafan) thuộc tỉnh Hồ Bắc và Bành Trạch (Pengze) ở tỉnh Giang Tây, đang trở thành đề tài tranh luận. Trả lời tuần báo Kinh Tế Trung Quốc, nhà nghiên cứu Vương Nhất Nam (Wang Yinan), thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của chính phủ, lo lắng trước việc lựa chọn các địa điểm trên vì nhiều lý do.

Với ông, nguyên tử là một loại năng lượng thải ít cacbon nhưng vẫn không phải là một loại năng lượng sạch. Nhưng quan trọng hơn, theo nhà nghiên cứu, triển khai dự án tại lưu vực sông Dương Tử có hai nhược điểm : trước hết, chưa có một kế hoạch khẩn cấp nào được thiết kế trong trường hợp có rò rỉ phóng xạ ; hơn nữa, chính quyền mới chỉ có bản phân tích tác động tới môi trường nếu xẩy ra sự cố. Nhà nghiên cứu cảnh báo người ta không thể lên một kế hoạch quan trọng như vậy với những định đề lạc quan, như “nguyên tử là một “ngành công nghiệp chắc chắn” và có ít nguy cơ xảy ra tai nạn”.

… Đến tham vọng xuất khẩu nhà máy điện nguyên tử “Made in China”

Nhờ các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân chuyển giao công nghệ nước ngoài nên các công ty của Trung Quốc đã tiếp nhận được những kiến thức mới về thành phần cấu tạo, công nghệ và hệ thống hạt nhân. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, chính kinh nghiệm này, cùng với giá nhân công rẻ và vốn đầu tư ít hơn tại Trung Quốc, khiến nhà máy điện hạt nhân thệ hệ III do Trung Quốc sản xuất chinh phục được khách hàng nước ngoài.

Điều này cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ trở thành một đối thủ mới của các tập đoàn đang cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế. Hai tập đoàn nhà nước Trung Quốc, gồm Tập đoàn Điện nguyên tử Trung Quốc (China General Nuclear Power, CGN) và Tổng công ty Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (China National Nuclear Corporation, CNNC), đã kết hợp với nhau để thiết kết lò phản ứng thế hệ III mang tên Hoa Long I (Hualong One), với mục đích trước mắt là xuất khẩu.

Ngày 23/02/2016, tại nhà máy điện nguyên tử ở vịnh Đại Á (Daya), gần Thâm Quyến, tập đoàn Điện nguyên tử Trung Quốc CGN đã tiếp đón nhiều quan chức phụ trách thương mại từ các nước như Kenya, Nga, Indonesia, cũng như nhiều đại diện ngoại giao và các nhà báo để quảng cáo Hoa Long I. Nhà máy điện nguyên tử ở vịnh Đại Á được công ty Framatome, chi nhánh điện nguyên tử của tập đoàn Pháp Areva, xây dựng trong những năm 1990. Sau này Framatome đổi tên thành Areva.

Khi được hỏi về thị phần thế giới mà tập đoàn CGN Trung Quốc muốn chinh phục nhờ nhà máy điện nguyên tử mới, ông Trịnh Đông San (Zheng Dongshan), trợ lý tổng giám đốc CGN phụ trách về quan hệ đối ngoại, trả lời rất đơn giản : “Lớn nhất có thể được!”. Còn ông François Morin, chủ tịch một hiệp hội quảng bá năng lượng Trung Quốc (World Nuclear Association, WNA), khẳng định : “Đây là thời điểm tốt để quảng cáo Hoa Long I”.

Tuy nhiên, cần rất nhiều thời gian để các nỗ lực quảng cáo này biến thành các hợp đồng. Và không có gì đảm bảo là Hoa Long I sẽ được xuất khẩu thành công. Các cuộc đàm phán với nước ngoài còn chưa được tiến hành, mà phần lớn trường hợp mới chỉ dừng lại ở vòng tiếp xúc ban đầu. Ngoài ra, nhà máy nguyên tử thế hệ III đầu tiên sẽ chưa sẵn sàng hoạt động tại Trung Quốc trong vòng nhiều năm nữa.

Thế nhưng, Hoa Long I trở thành đòn bẩy cho các tập đoàn nguyên tử Trung Quốc. Hoa Long I, được biết dưới tên HPR1000, có những đặc điểm giống với các lò phản ứng hạt nhân khác cùng thế hệ III, như AP1000 của tập đoàn Mỹ Westinghouse. Lò phản ứng hạt nhân này dựa một phần vào công nghệ Pháp cải tiến và được sử dụng tại Trung Quốc từ nhiều năm nay. Nhưng tập đoàn CGN nhấn mạnh rằng cấu trúc mới sắp “ra lò” hoàn toàn mang công nghệ Trung Quốc. Các nhà thiết kế có hàng trăm bằng sáng chế gốc cho nhà máy điện hạt nhân này và, theo nhiều chuyên gia, họ sẽ không gặp phải các vấn quan trọng về bản quyền sở hữu trí tuệ khi xuất khẩu HPR1000.

Nhưng để có thể bán các nhà máy điện nguyên tử ra nước ngoài, các tập đoàn Trung Quốc còn phải vượt qua một vài thử thách. Trước hết là phải nhận giấy chứng nhận, như tại Anh Quốc, cần ít nhất vài năm để nhận được loại giấy phép này cho Hoa Long I. Và dĩ nhiên phải có giấy phép mới được tiến hành xây dựng.

… Và thủ tục “một cửa”

Chính vì vậy, tập đoàn CGN chào bán Hoa Long I với lời hứa thủ tục “một cửa” để đáp ứng mọi yêu cầu, từ thiết kế xây dựng, đến giải pháp tài chính hay những dịch vụ khác. Ông Dương Xuân Mãn (Yang Maochun), trợ lý giám đốc phòng quan hệ quốc tế của tập đoàn CGN, giải thích với khách mời nước ngoài : “Khi các bạn chọn HPR1000, đại để là các bạn gia nhập vào một đại gia đình”

Tập đoàn CGN thẩm định giá của các nhà máy điện nguyên tử được lắp ráp tại Trung Quốc vào khoảng 2.500 đô la/kilowatt, có nghĩa là ở mức giữa trên biểu giá quốc tế hiện hành. Hoa Long I được thiết kế để trở thành giải pháp đáp ứng được cả công nghệ lẫn tài chính.

Bốn lò phản ứng theo kiểu này đang được xây dựng tại các vùng miền nam Phúc Kiến (Fujian) và Quảng Tây (Guangxi). Và nhiều lò khác có thể sắp được xây dựng ở nước ngoài, trong đó có Anh, Pakistan và Achentina.

Trở ngại thứ hai chính là những lo ngại về mặt chính trị do Trung Quốc đầu tư vào ngành năng lượng nguyên tử ở phương Tây. Nhưng về điểm này, các tập đoàn Trung Quốc có thể vượt qua nhờ kết hợp với các đối tác địa phương. Ông Trịnh Đông San công nhận tập đoàn CGN sẽ trở thành một đối thủ cạnh tranh của các nhà sản xuất phương Tây trong lĩnh vực này, nhưng ông đảm bảo CGN sẵn sàng làm việc với họ. Theo ông, việc CGN và tập đoàn điện lực EDF của Pháp đang cùng đầu tư vào dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại Hinkley Point (Anh) là một ví dụ cụ thể cho mô hình hợp tác này. Ông cũng nhấn mạnh tập đoàn CGN cũng sẵn sàng tham gia bán các lò phản ứng không phải do Trung Quốc sản xuất.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.