Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - QUÂN SỰ

Nhật phô trương tầu ngầm trong đợt tập trận chung với Úc

Bộ Quốc Phòng Nhật Bản ngày 10/03/2016 loan báo tầu ngầm tấn công tối tân nhất của Nhật Bản sẽ tham gia đợt tập trận chung với Úc trong tháng tới. Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, đây được xem như là một nỗ lực từ phía Tokyo để giành được hợp đồng quân sự trị giá 50 tỷ đô la Úc (22 tỷ đô la Mỹ).

Tàu ngầm chạy bằng diesel/điện Soryu của hải quân Nhật.
Tàu ngầm chạy bằng diesel/điện Soryu của hải quân Nhật. REUTERS/Japan Maritime Self-Defense Force/Handout via Reuters/Fi
Quảng cáo

Trong thông cáo, bộ Quốc phòng Nhật nêu rõ tầu ngầm Soryu cùng với hai chiến hạm khác sẽ tiến hành tập trận chung với hải quân Úc trên vùng biển gần  Sydney. Đợt tập trận này kéo dài 11 ngày, từ ngày 14/4 đến 26/4/2016. Phía Úc xác nhận cuộc tập trận chung, nhưng không cho biết cụ thể loại tầu chiến nào sẽ tham gia.

Theo nhận định của ông Euan Graham, giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Institute Lowy, “với việc gởi tầu ngầm Soryu đến, Tokyo muốn phô bày trình độ công nghệ của họ. Đồng thời, điều này sẽ tạo điều kiện cho hải quân Úc thực hành với loại tầu ngầm này, kể cả cơ hội so sánh chuẩn mực của nó với chiếc tầu ngầm lớp Collins hiện nay”.

Để rút ngắn khoảng cách với đối thủ cạnh tranh của Pháp - hãng đóng tàu DCNS, trong cuộc đua giành hợp đồng cung cấp tầu ngầm cho hải quân Úc, hai tập đoàn công nghiệp Nhật Bản là Mitsubishi và Kawasaki đã giới thiệu một biến thể của tầu ngầm Soryu hiện đại nhất của Nhật hiện nay.

Tầu ngầm Soryu 4.000 tấn của Nhật là loại tầu chạy bằng năng lượng điện-dầu diesel. Trong khi đó, phía Pháp đưa ra loại tầu Barracuda, nặng 5.000 tấn, chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Hạm đội 12 chiếc tầu ngầm là một phần quan trọng trong kế hoạch phòng thủ của Úc. Vào tháng 2/2016, Canberra đã công bố tăng chi tiêu quốc phòng lên đến gần 30 tỷ đô la Úc cho thập niên tới, để bảo vệ các lợi ích chiến lược và thương mại trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông đã đặt Canberra vào thế khó xử. Theo quan điểm của ông James Curran, giáo sư về đối ngoại tại đại học Sydney, “Úc đã chịu một áp lực khá lớn khi ngả theo Nhật Bản. Đó cũng là một tin nhắn Canberra muốn gởi đến Bắc Kinh”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.