Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG

Báo Mỹ: Trung Quốc tiến gần đến vị trí bá chủ Biển Đông

Khi tàu sân bay Mỹ John C. Stennis cùng bốn chiến hạm khác đi vào Biển Đông hôm 01/03/2016, trong một chiến dịch tuần tra được mô tả là bình thường, thông điệp rất rõ ràng: Hoa Kỳ là cường quốc quân sự hàng đầu trong khu vực và quyết tâm duy trì vị thế đó. Thế nhưng Hải Quân Mỹ cho biết đã có vô số tàu hải quân Trung Quốc hoạt động gần đó, đông đảo hơn những năm gần đây.

Ảnh vệ tinh chụp những hoạt động của Trung Quốc quân sự hóa đảo Phú Lâm, Hoàng Sa.
Ảnh vệ tinh chụp những hoạt động của Trung Quốc quân sự hóa đảo Phú Lâm, Hoàng Sa. Reuters
Quảng cáo

Phân tích sự kiện này, nhật báo Mỹ The New York Times ngày 08/03/2016 ghi nhận : « Việc tăng cường hiện diện giúp Bắc Kinh tiến gần hơn đến việc thực hiện quyền khống chế Biển Đông ». Tờ báo Mỹ đã trích lời một quan chức Trung Quốc khẳng định rằng tàu Trung Quốc đã có mặt trong vùng để « giám sát, nhận dạng, theo dõi và đánh đuổi » tàu thuyền và máy bay ngoại quốc, tùy theo khoảng cách giữa những chiếc tàu này với « đảo của chúng ta. »

 Đối với The New York Times, từ ngày lên cầm quyền cách nay ba năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã biến đảo đá mà Bắc Kinh chiếm đóng tại vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thành công cụ để in đậm « dấu chân quân sự » của Trung Quốc trong khu vực, từng bước xây dựng và trang bị vũ khí cho các tiền đồn xa đất liền, bất chấp phản đối của các nước láng giềng và của Washington.

Giấc mơ về vùng trái độn trên biển

Quy mô của các nỗ lực trị giá hàng tỷ đô la nói trên đã làm căng thẳng leo thang trong khu vực và củng cố tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Trung Quốc đối với toàn bộ Biển Đông. Đà tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc cũng khuấy động nguyên trạng quân sự ở Tây Thái Bình Dương kể từ khi Đệ Nhị Thế chiến kết thúc, và đưa Trung Quốc tiến lại gần hơn mục tiêu thiết lập một vùng trái độn về an ninh nằm ở xa bờ biển Trung Quốc, một giấc mơ của các chiến lược gia Trung Quốc kể từ thời Chiến Tranh Triều Tiên.

Marc Lanteigne, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Viện Quan Hệ Quốc tế Na Uy đã so sánh ý đồ khống chế Biển Đông của Trung Quốc với sự thống trị của Mỹ hiện trên vùng biển Caribê : « Trung Quốc muốn có một cái bồn tắm (người Việt hay nói là ao nhà hay sân sau)... muốn có một vùng biển của riêng họ, nơi họ có thể cho tàu quân sự và cảnh sát của họ hoạt động mà không cần phải lo lắng về sự hiện diện của Hải Quân Hoa Kỳ hay Philippines, Việt Nam hay Ấn Độ. »

Việc tăng cường sự hiện diện đã được tiến hành theo từng bước, nhưng một cách rõ ràng là nhanh chóng vì tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng đã tồn tại từ hàng chục năm nay.

Công việc nạo vét cát để xây dựng đảo nhân tạo trên các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa bắt đầu vào đầu năm 2014, nhưng tăng tốc vào năm ngoái, và các bãi ngầm giờ đã có cảng nước sâu và phi đạo dài thích hợp cho tàu chiến và máy bay chiến đấu.

Sau đó, tên lửa địa-đối-không đã xuất hiện vào tháng Hai vừa qua tại quần đảo Hoàng Sa, cách Trường Sa hơn 300 dặm về phía bắc. Hiện nay, ảnh vệ tinh cho thấy các công trình mang dáng dấp của các đài radar cức mạnh, có khả năng mở rộng tầm hủy diệt của tên lửa Trung Quốc đặt trên đất liền đối với tàu sân bay Mỹ ở ngoài khơi xa.

Tiền đồn Trung Quốc trên Biển Đông sẽ gây khó khăn cho Hải Quân Mỹ

Các tiền đồn mới này của Trung Quốc chưa là mối đe dọa lớn cho quân đội Hoa Kỳ, vì rất dễ bị triệt hạ trong một cuộc xung đột. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ ngày càng lo ngại rằng đà tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc, nếu không được kiểm soát kịp thời, sẽ cung cấp cho Bắc Kinh quyền kiểm soát trên thực tế một vùng biển có kích thước của Mêhicô, và một ưu thế quân sự trên các láng giềng đang tranh chấp chủ quyền trên vùng biển với Trung Quốc.

Điều này, theo các chuyên gia phân tích, có thể thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực và tăng gia nguy cơ xung đột.

Trong khi các quan chức ở Washington nói rằng còn lâu Trung Quốc mới đạt được khả năng đuổi lực lượng Mỹ ra khỏi vùng Biển Đông, giới phân tích cho rằng việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện của họ trong vùng sẽ làm cho Hải quân Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc nhanh chóng bảo vệ các đồng minh có quân đội yếu hơn, như Philippines.

Việc triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa chống hạm và radar cực mạnh ở Biển Đông còn khiến cho Hải Quân Trung Quốc bạo dạn hơn, trong khi các chỉ huy Mỹ thì dè dặt hơn.

Điều trần trước Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện Mỹ hồi tháng trước, Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, cảnh báo rằng hành động của Trung Quốc đang làm « thay đổi cảnh quan chiến lược trong vùng Biển Đông. »

Trong câu trả lời bằng văn bản gửi đến Ủy Ban, quan chức tình báo hàng đầu của chính quyền Obama, ông James R. Clapper, dự đoán rằng Trung Quốc sẽ « có năng lực đáng kể để nhanh chóng triển khai sức mạnh quân sự hùng hậu đến khu vực » vào đầu năm tới.

Mặc dù chưa hoàn tất các công trình xây dựng, nhưng theo ông Clapper, Trung Quốc đã có thể đã triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa đất đối không, tên lửa hành trình bảo vệ bờ biển cũng như tàu chiến lớn và các tàu bảo vệ bờ biển khá lớn tại các đảo nhân tạo mới trong quần đảo Trường Sa.

Ông cũng khẳng định rằng radar quân sự đã được đặt trên Đá Châu Viên, ở cực nam của bảy hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp tại Trường Sa, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 600 dặm. Về lý thuyết, Trung Quốc có thể mở rộng tầm bắn của tên lửa được mệnh danh là sát thủ diệt tàu sân bay DF-21D, để tấn công các mục tiêu xa xôi và gây khó khăn cho Hải quân Hoa Kỳ trong việc tìm cách đối phó.

Việt Nam và Philippines: 2 nạn nhân chính của Trung Quốc

Vào tháng Hai, Việt Nam đã lên tiếng phản đối chính thức sau khi hình ảnh vệ tinh cho thấy rằng Trung Quốc đã triển khai tên lửa địa-đối-không HQ-9 trên hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa là đảo Phú Lâm. Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và tinh thần dân tộc tại Việt Nam đã sục sôi khi Trung Quốc đưa một giàn khoan dầu vào gần quần đảo Hoàng Sa, dẫn tới các cuộc biểu tình và bạo loạn chống Trung Quốc hai năm trước đây.

Hoạt động của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa cũng đã làm Philippines tức giận. Cách nay 4 năm, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough ở Trường Sa từ tay Philippines sau một vụ đối đầu kéo dài, một động thái bị Tổng thống Philippines Benigno Aquino sau đó so sánh với sự sáp nhập Tiệp Khắc của Đức Quốc Xã. Vào tháng trước, tàu Trung Quốc đã làm dấy lên những lời phản đối khi ngăn không cho tàu đánh cá Philippines đến gần một rạn san hô đang tranh chấp.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa John McCain, chủ tịch Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện Mỹ, cảnh báo rằng Trung Quốc có dấu hiệu sẵn sàng đánh đuổi lính Philippines đóng trên một bãi cạn khác ở Biển Đông. Ông thúc giục chính quyền Obama nói rõ cách đối phó.

Theo các nhà phân tích, việc Bắc Kinh tăng cường hiện diện tại Biển Đông cho phép tàu Trung Quốc hoạt động trong thời gian dài tại vùng quần đảo Trường Sa mà không cần quay về đất liền.

Chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc chương trình Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế ở Washington, nhận định : « Bây giờ tàu Trung Quốc có thể yên tâm ở lại vùng quần đảo Trường Sa bất cứ khi nào họ muốn ».

Theo chuyên gia Poling, việc đặt hệ thống radar mới trên Đá Châu Viên có thể cung cấp cho Trung Quốc khả năng nhìn quá đường chân trời và giám sát các mục tiêu xa xôi như eo biển Malacca cách đấy hàng trăm dặm về phía tây nam.

Nhìn chung, các nhà phân tích đều nghĩ rằng mục tiêu của Trung Quốc sẽ là áp đặt một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, tương tự như những gì Trung Quốc đã làm ở Biển Hoa Đông vào cuối năm 2013.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.