Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - HẠT NHÂN

Kim Jong Un ra lệnh sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên ra lệnh cho quân đội sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân, để trả đũa việc Hội Đồng Bảo An ra nghị quyết gia tăng trừng phạt.

Ảnh do thông tấn xã trung ương Bắc Triều Tiên (KCNA) cho thấy một hệ thống phóng tên lửa mới được Bình Nhưỡng bắn thử nghiệm.
Ảnh do thông tấn xã trung ương Bắc Triều Tiên (KCNA) cho thấy một hệ thống phóng tên lửa mới được Bình Nhưỡng bắn thử nghiệm. REUTERS/KCNA
Quảng cáo

Hãng tin Reuters ngày 04/03/2016 dẫn tin của hãng thông tấn chính thức Bắc Triều Tiên KCNA, theo đó, quân đội nước này được lệnh của lãnh đạo tối cao Kim Jong Un triển khai các tên lửa hạt nhân, để sử dụng vào bất cứ thời điểm nào, chuyển từ tư thế « tự vệ » sang việc sẵn sàng cho « một cuộc chiến mang tính ngăn chặn ». Đích nhắm trước hết của chính quyền Bình Nhưỡng là Hàn Quốc và Hoa Kỳ.

Phản ứng với tuyên bố của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, một phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ, tư lệnh hải quân Bill Urban, kêu gọi Bình Nhưỡng « không có thêm các hành động khiêu khích khiến tình hình thêm căng thẳng và nên tập trung vào việc thực thi các nghĩa vụ và cam kết quốc tế ». Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vitali Tchourkine, cho rằng những lời lẽ hung hăng nói trên cho thấy các lãnh đạo Bắc Triều Tiên « chưa rút ra được những kết luận cần thiết ».

Bình Nhưỡng thường có những tuyên bố gây hấn và hành động khiêu khích như trên sau khi bị cộng đồng quốc tế lên án hay trừng phạt. Theo các chuyên gia, tên lửa của Bắc Triều Tiên khó tấn công trực tiếp Hoa Kỳ, nhưng có thể đe dọa Hàn Quốc và Nhật Bản. Hôm qua, 03/03, vài giờ sau khi Hội Đồng Bảo An ra nghị quyết, quân đội Bắc Triều Tiên đã bắn một loạt tên lửa tầm ngắn ra biển, trong đó một số trái rớt xuống tại khu vực cách bờ khoảng 150 km.

Loạt trừng phạt mới : Trung Quốc có thể lợi dụng một số kẽ hở

Về loạt trừng phạt mới của Hội Đồng Bảo An, được đánh giá là nghiêm khắc « chưa từng có », theo AFP, nhiều chuyên gia và nhà ngoại giao đã chỉ ra một số kẽ hở, có thể được Trung Quốc khai thác để giải thích có lợi cho mình.

Một trong các điều khoản của nghị quyết là cấm Bắc Triều Tiên xuất khẩu than, sắt, vàng, titan và đất hiếm. Tuy nhiên, điều khoản này cũng cho phép các ngoại lệ, khi số tiền thu được không được dùng để chi cho các chương trình hạt nhân hay tên lửa đạn đạo. Theo đánh giá của bà Andrea Berger, chuyên gia về Triều Tiên thuộc một viện tư vấn tại Luân Đôn, việc Trung Quốc nhập khẩu than từ Bắc Triều Tiên sẽ ít bị ảnh hưởng bởi nghị quyết này, cho dù Bắc Kinh có thể đôi khi sẽ tỏ ra « nổi nóng » để biểu thị « bất bình ».

Thương mại với Trung Quốc là một vấn đề sống còn với Bình Nhưỡng. Năm 2014, buôn bán với Trung Quốc chiếm đến hơn 90% trong tổng số 7,61 tỉ đô la ngoại thương của Bắc Triều Tiên. Theo hải quan Trung Quốc, năm 2015, Bắc Kinh đã nhập 2,56 tỷ đô la hàng hóa Bắc Triều Tiên, trong đó 1,05 tỉ là than.

Nghị quyết gia tăng trừng phạt Bắc Triều Tiên vừa được Hội Đồng Bảo An thông qua là kết quả của bảy tuần lễ thương lượng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, đồng minh số một của Bình Nhưỡng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.