Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CHÍNH TRỊ

"Hoàng đế" Tập Cận Bình xem lân bang là chư hầu

Trung Quốc khinh thường thế giới, Đài Bắc sẽ công khai hóa tội ác của Quốc Dân đảng đối với cư dân Đài Loan năm 1947, châu Âu tiếp sức Hy Lạp cưu mang tị nạn Syria, tổng thống Pháp dọa thủ tướng Anh, tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp giảm…. là một số chủ đề được báo chí Pháp chú ý hôm nay.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, 26/10/2015.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, 26/10/2015. REUTERS/Muneyoshi Someya/Pool
Quảng cáo

Tập Cập Bình củng cố ngôi hoàng đế

Về thời sự châu Á , nhân khoá họp của Quốc Hội Trung Quốc, nhật báo Công giáo La Croix cho biết cơ quan lập pháp Trung Quốc đã là bù nhìn mà còn đang bị Tập Cận Bình "siết chặt" thêm.

Trong hai tuần, các đại biểu sẽ thông qua kế hoạch kinh tế năm năm mà xí nghiệp quốc doanh, do đảng Cộng sản chỉ đạo, sẽ tiếp tục áp đảo kinh tế quốc gia. Để thu tóm hết quyền lực, Tập Cận Bình sẽ được « Quốc Hội » trao cho danh hiệu "hạch tâm" theo tiếng Trung Quốc, là "trái tim của đảng" tức là ngang hàng với Mao Trạch Đông.

Không rõ khi trái tim ngừng đập thì đảng sẽ ra sao ? Le Figaro, trích dẫn một nhà báo Trung Quốc cho biết Tập Cận Bình hành xử như một "hoàng đế". Chỉ vì chỉ trích chế độ mà tài khoản trên mạng của nhà tỷ phú Nhậm Chí Cường, biệt danh "đại bác" bị xóa. Tập Cận Bình muốn là trời muốn, không ai dám bảo vệ đại gia Nhậm Chí Cường. Đánh Nhậm "đại bác" là đánh một bộ phận công luận chán ngán hoàng đế họ Tập.

Về đối ngoại, Trung Quốc của Tập Cận Bình, theo Le Monde, đang trở lại thời trung cổ, tự cho mình là "thiên triều", xem các nước chung quanh là chư hầu và chận các quốc gia ở xa, bị xem là mọi rợ, không được đến gần.

Trong bài « Truy bắt không biên giới các nhà ly khai », bên cạnh bức ảnh một người Hồng Kông tự trói bằng dây đỏ trong một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc bắt cóc chủ nhân và nhân viên một nhà xuất bản Hồng Kông, nhật báo độc lập tường thuật những vụ bắt cóc ở Thái Lan. Hai nạn nhân mới là nhà biếm họa Khương Dã Phi (Jiang Ye Fei) và nhà báo Lý Tân ( Li Xin) của Đông Phương Đô Thị Báo, cùng một nhóm ly khai bị mật vụ Trung Quốc, với sự đồng lõa của Thái Lan, bắt đem về Trung Quốc giam giữ ở một nơi bí mật. Trước đó, em gái của ông bị công an Thành Đô "nhắn tin" là kêu ông anh của bà "bớt giọng" « chúng tôi sắp sang Thái Lan bắt ông ta ».

Tội của Khương Dã Phi là tổ chức lễ "rước đuốc thế vận nhân quyền" vào năm 2008 khi Trung Quốc rầm rộ tổ chức rước đuốc Thế Vận Hội mùa hè.

Còn Lý Tân phải bỏ toà soạn từ Quảng Đông trốn sang Thái Lan vì ông quá chán ngán cảnh phải hợp tác với mật vụ tố cáo đồng nghiệp và các nhà họat động nhân quyền. Chính ông đã tiết lộ với báo chí nước ngoài « chỉ thị của cơ quan kiểm duyệt ».

Trường hợp 5 công dân Hồng Kông "mất tích" cũng nằm trong chính sách trấn áp theo kiểu xã hội đen. Human Rights Watch tố cáo Trung Quốc « chà đạp chủ quyền của lân bang ».

Trung Quốc cư xử như thời Tống, Minh

Trong bài xã luận « khi đế quốc Trung Hoa khinh thường thế giới », nhật báo Le Monde cho rằng Trung Quốc của Tập Cận Bình đang lùi lại thời Tống, Minh khi đế chế Trung Hoa tự cho mình là cái rốn của thế giới.

Vào cái thời mà biên cương chưa được phân định rõ ràng, Trung Quốc áp đặt luật lệ thống trị lân bang như chư hầu và chận các nước ở xa không cho đến gần. Ngày nay, mặc dù Trung Quốc đã trở thành một quốc gia có biên giới rõ ràng nhưng trong chính sách của đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn còn dấu tích của thời phong kiến. Trung Quốc mạnh và có chỗ đứng trong cộng đồng thế giới là một sự kiện tốt nhưng Bắc Kinh lại tiếp nối truyền thống đáng lo ngại, với tham vọng bá quyền của Trung Hoa phong kiến. Tham vọng của Trung Quốc gây lo ngại cho những lân bang như Việt Nam, Philippines.

Ngoài biển, Trung Quốc lấn chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, nơi có con đường hàng hải huyết mạch của thế giới. Trung Quốc đem các dàn tên lửa ra Hoàng Sa nơi mà Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cảnh báo Trung Quốc không được "quân sự hóa" Biển Đông và dọa rằng Mỹ sẽ không để yên cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm.

Trên bộ, Bắc Kinh cũng bất chấp biên giới quốc gia. Các tổ chức nhân quyền không ngớt tố cáo Trung Quốc bắt cóc các nhà ly khai hoặc công dân Trung Quốc tị nạn trốn sang Thái Lan, Lào hay Cam bốt. Vụ mới nhất là nhà báo Lý Tân, cựu tổng biên tập Đông Phương Đô Thị Báo, một nhật báo ở Quảng Đông có tiếng tương đối tự do. Ông mất tích từ ngày 11/01/2016 khi đi xe lửa từ Thái Lan sang biên giới Lào. Hồng Kông, được quy chế đặc biệt bảo vệ các quyền tự do đến năm 2047. Nhưng sự kiện năm nhân viên và chủ nhân một nhà xuất bản sách tiết lộ chuyện "thâm cung bí sử" của giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc, đột nhiên mất tích rồi xuất hiện tại Hoa lục, đang gây bất bình trong công luận tại cựu nhượng địa Anh. Hai người cho dù mang hộ chiếu Anh và Thụy Điển cũng bị bắt nốt.

Le Monde nhận định : Thái độ của Bắc Kinh xem thường thế giới rất đáng tiếc và đáng công phẫn. Trung Quốc không thể không ý thức chuyện này : nước Trung Hoa sẽ càng mạnh và càng được tôn trọng nếu cư xử như một tác nhân có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế mà Trung Quốc là thành viên. 

Trong khi Hoa lục lui về quá khứ thì Đài Loan tính sổ lịch sử

Với dòng tựa : tổng thống Đài Loan mới đắc cử cam kết làm sáng tỏ những vụ thảm sát năm 1947, Le Monde nhắc lại « quân đội Tưởng Giới Thạch đàn áp phong trào nổi dậy giết chết hàng ngàn dân Đài Loan ».

Tổng thống tương lai Thái Anh Văn cho biết sẽ công bố sự thật và trả lại tài sản cho nạn nhân bị Quốc Dân đảng chiếm đoạt khi từ Hoa lục kéo quân ra hải đảo.

Vụ thảm sát kéo dài trong suốt năm 1947 bắt đầu từ việc cảnh sát bắt một phụ nữ bán hàng rong. Xô xát xảy ra làm một người chết. Những tuần sau, xảy ra một cuộc nổi dậy, chính quyền Quốc Dân đảng huy động quân đội từ Hoa lục ra đàn áp. Vài ngàn người chết. Thiết quân luật kéo dài suốt 38 năm. Năm 1995, tổng thống Lý Đăng Huy là lãnh đạo đầu tiên của Quốc Dân đảng nhìn nhận có "khủng bố" và xin lỗi nạn nhân, xây dựng đài tưởng niệm.

Khi đảng Dân Tiến đắc cử lần đầu, tổng thống Trần Thủy Biển đã giao cho các chuyên gia làm rõ trách nhiệm của Tưởng Giới Thạch nhưng lúc đó quốc hội trong tay Quốc Dân đảng nên Dân Tiến đành chịu. Đến thời Mã Anh Cửu, vị tổng thống của Quốc Dân đảng tuy xin lỗi nạn nhân nhưng ông chỉ gọi đây là « hành động thái quá của chính quyền » tuy rằng trong sách sử cho học sinh ghi rõ "khủng bố".

Giờ đây, ghế tổng thống và quốc hội đều nằm trong tay đảng Dân Tiến. Một trong các dự luật đầu tiên là bồi thường, trả lại tài sản cho các nạn nhân bị đàn áp thời chế độ độc tài. Một dân biểu còn đề nghị gỡ cả ảnh của ông Tôn Dật Tiên, cha đẻ chế độ Trung Hoa Dân Quốc, treo trong quốc hội và các dinh thự khác.

Đảng Xã hội chuẩn bị ứng cử viên tranh chức tổng thống ?

Theo nhật báo cánh hữu Le Figaro, dường như tổng thống François Hollande có thể sẽ chấp nhận ý kiến bầu sơ bộ trong cánh tả để chọn một ứng cử viên tổng thống. Các cố vấn của tổng thống nghĩ rằng giải pháp này sẽ tạo cho tổng thống mãn nhiệm tư thế chính đáng để tái tranh cử. Les Echos thì dự đoán « bộ trưởng Kinh Tế trẻ tuổi Emmanuel Macron đang "tích lũy" uy tín để « chuẩn bị cho 2017 ». Nhật báo cánh tả Libération cũng nhận định tương tự : phe tả của đảng Xã hội cũng « bầu » cho bộ trưởng Kinh Tế để phá thủ tướng Manuel Valls.

Tin vui lần đầu tiên thất nghiệp tại Pháp giảm nhẹ trong toàn năm đuợc báo chí đón tiếp thận trọng. Le Monde nhấn mạnh vai trò tạo công ăn việc làm của xí nghiệp trung bình. Nhưng trong năm 2015 con số hãng xưởng bị đóng cửa cao hơn xí nghiệp mới thành lập 190 so với 146. Le Figaro đặt câu hỏi : tại sao Pháp cầm đèn đỏ ? Câu trả lời của nhật báo thân hữu là « Pháp vẫn chưa cải cách được luật lao động theo chiều hướng thích nghi với nhu cầu xí nghiệp. Dự luật mới có nguy cơ bị chôn vùi vì phản ứng của giới trẻ và công đoàn ».

Trang quốc tế, Le Monde dành trang tư để tường thuật Nga, Syria và Daech "tay trong tay" cùng khai thác dầu khí. Địa điểm của "liên doanh" này là Twinan, cách "thủ đô" Raqa của Daech 75 cây số.

Trong khi đó, Le Figaro tập trung lên mối bang giao Pháp-Anh : trong thượng đỉnh ngày hôm qua tại Amiens, tổng thống François Hollande cảnh báo thủ tướng David Cameron là nếu Anh rút ra khỏi châu Âu thì sẽ « lãnh nhiều hệ quả » nhưng ông nói thêm "ý dân và trên hết". Trước đó, trả lời báo chí Anh, bộ trưởng kinh tế Emmanuel Macron dọa là Pháp « sẽ không đón tị nạn » ở Calais nếu Anh không còn là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu.

Còn La Croix hoan nghênh Bruxelles đề nghị 300 triệu euro, khẩn cấp trợ giúp Hy Lạp, cưu mang hàng trăm ngàn tị nạn đa số là nạn nhân chiến cuộc Syria.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.