Vào nội dung chính
NHÂN QUYỀN - NGA - BẮC HÀN

Liên Hiệp Quốc kêu gọi Nga không áp dụng hiệp định dẫn độ với Bình Nhưỡng

Liên Hiệp Quốc kêu gọi Nga không nên áp dụng hiệp định dẫn độ mới với Bắc Triều Tiên. Tổ chức này lo ngại một khi bị đưa về nước, những người này có rủi ro bị đối xử tàn tệ.

Choe Ryong Hae (phải), một trợ lý của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un gặp tổng thống Nga Vladimir Putin tại Matxcơva. Ảnh KCNA cung cấp ngày 18/11/2014.
Choe Ryong Hae (phải), một trợ lý của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un gặp tổng thống Nga Vladimir Putin tại Matxcơva. Ảnh KCNA cung cấp ngày 18/11/2014. REUTERS/KCNA
Quảng cáo

Trong một thông cáo công bố ngày hôm qua 26/02/2016, ông Marzuki Darusman, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên “khẩn khoản kêu gọi Nga tôn trọng nguyên tắc bất khả hồi và không áp dụng hiệp định” dẫn độ.

Vào ngày 02/02/2016, Matxcơva và Bình Nhưỡng đã ký kết một thỏa thuận về việc trao trả và tái nhận người nhằm mục đích “giảm bớt lượng người nhập cư bất hợp pháp” ở cả hai phía, theo như thông cáo của Sở Di Dân Liên Bang Nga.

Liên Hiệp Quốc nghi ngờ là thỏa thuận này sẽ được dùng để chống lại những người Bắc Triều Tiên đào tẩu, đang tìm cách xin tị nạn tại Nga. Tổ chức phi chính phủ Nga Memorial cáo buộc thỏa thuận này như là một “tội ác”, lên án chính quyền Nga đã thể hiện rõ “thiếu sự tôn trọng hoàn toàn đối với Hiến Pháp”.

Trước đó vào tháng 9/2015, Matxcơva và Bình Nhưỡng đã ký kết hiệp định dẫn độ, dự trù hỗ trợ lẫn nhau trong các điều tra hình sự. Hiện có khoảng 10.000 người Bắc Triều Tiên đang sinh sống tại Nga. Nhiều người trong số này sau khi hết hợp đồng đã tìm cách ở lại để xin tỵ nạn. Số khác chạy trốn khỏi Bắc Triều Tiên, tìm cách sang Nga bằng nhiều ngả khác nhau.

Năm 2014, Ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc về tình hình nhân quyền Bắc Triều Tiên trong một báo cáo cũng có khẳng định là rất nhiều người đã bị cưỡng bức hồi hương. Những người đó có nguy cơ bị tra tấn, bị giam giữ vô cớ, hành quyết tập thể và bạo hành tình dục.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.