Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Anoushka Shankar với cây đàn Sitar

Đăng ngày:

Sitar là một loại nhạc cụ cổ truyền của Ấn Độ, nhưng cũng không kém phần nổi tiếng trong làng âm nhạc hiện đại thế giới. Vị trí này có thể được tiếp tục duy trì là nhờ một phần rất lớn công sức của cô gái trẻ Anoushka Shankar. Năm nay cũng là lần thứ 5 liên tiếp cô được đề cử vào giải thưởng âm nhạc cao quý Grammy ở Hoa Kỳ.

Nghệ sĩ Anoushka Shankar.
Nghệ sĩ Anoushka Shankar. Wikimedia
Quảng cáo

Cô cũng chính là con gái của nghệ nhân Ấn Độ nổi tiếng Ravi Shankar, người đã có công đem tiếng đàn Sitar vào nước Anh và sau đó ra toàn thế giới qua những đĩa nhạc của The Beatles và The Rolling Stones trong thập niên 1950s và 1960s.

Cô gái Ấn Độ tuyệt đẹp Anoushka sinh ra khi người nghệ sĩ tài năng Ravi Shankar bước sang tuổi 61. Trước khi mất vào năm 2012 lúc 92 tuổi, ông vẫn còn sáng tác cho dàn nhạc giao hưởng và biểu diễn. Một cô con gái khác của ông nay cũng là ca sĩ rất nổi tiếng ở Mỹ Norah Jones. Từ năm 7 tuổi Anoushka Shankar đã tập đàn cùng với cha và đến năm 10 tuổi đã được đưa lên sân khấu để tham gia các tiết mục biểu diễn bên cạnh cha mình. Đến năm 13 tuổi thì cô bắt đầu có các đêm diễn riêng, hay cùng cha công diễn khắp thế giới và ghi đĩa nhạc đầu tay Anoushka vào năm 1998.

Có thể nói, Anoushka Shankar có một phong cách biểu diễn tiếng đàn sitar rất hiện đại. Cô gái nối tiếp cha mình để duy trì vị trí cho nhạc cụ dân tộc Ấn Độ trong ngôi làng âm nhạc toàn cầu. Cây đàn này có hộp làm bằng gỗ, thân làm bằng ống xương hay mắc hơn là ống sừng, trở thành nhạc cụ cung đình ở Ấn Độ từ khoảng thế kỷ thứ 17. Người ta nói tên gọi sitar có thể bắt nguổn từ tiếng Ba Tư seh-ta để gọi cây đàn 3 dây, nhưng cũng có thể là một biến thể của cây đàn veena có 7 dây.

Đàn sitar có 6 hay 7 dây dùng để đánh, và thực sự thì người ta chủ yếu chỉ đánh trên một dây, nhưng có đến tổng cộng từ 18 đến 21 dây đàn. Các dây còn lại được mắc vào cần đàn để tạo ra âm thanh cộng hưởng theo một hệ thống âm giai phức tạp đến mức nhiều khi nghệ sĩ chơi đàn không thể tự lên dây mà phải gọi chuyên gia làm đàn đến chỉnh âm trước đêm diễn.

Cũng giống như các loại đàn dân tộc ở Việt Nam như đàn kìm và đàn nguyệt, dây đàn sitar cách xa cần đàn cho nên ngón tay của người đánh đàn có thể thoải mái dịch chuyển để tạo ra âm thanh không chỉ thay đổi về cao độ mà còn có sắc thái giống như là tiếng nói và tiếng hát của người, hòa với hệ thống dây đàn đã căng sẵn và đang cùng rung lên để tạo ra thứ âm thanh quyến rũ mê hoặc lòng người.

Một trong số tứ quái của ban nhạc the Beatles là George Harrison đã theo thầy Ravi để học không chỉ là ngón đàn mà là cả cái hồn âm nhạc Ấn Độ được tích tụ lại theo năm tháng qua cây đàn sitar. Nếu quí vị là dân ghiền The Beatles thì chắc chắn sẽ nhận ra ngay cái hồn đó trong rất nhiều bài nhạc bất hủ của ban Tứ Quái.

Như vậy, một trong số những con đường để đưa nhạc cụ dân tộc ra thế giới nhanh nhất là hòa vào dòng chảy mainstream của làng nhạc toàn cầu. Và người nghệ sĩ tài ba của Ấn Độ Ravi Shankar đã làm được điều đó với dòng nhạc The Beatles. Bây giờ đến lượt con gái ông Anoushka tiếp tục con đường đó với dòng nhạc đương đại, như những gì cô chia sẻ trong đêm lễ hội Grammy 2013 lên khán đài nhận giải thưởng trọn đời thay cho cha mình vừa qua đời vài tháng trước.

Anoushka Shankar: "Ba tôi vừa mất chính xác là 60 ngày trước, và với tôi vẫn còn là điều khó khăn khi bước lên bục danh dự này, nhưng cũng được an ủi rằng ít nhất ông được báo trước về điều này trước khi trút hơi thở cuối cùng, dù rằng tôi vẫn muốn ông tự có mặt để nhận giải này thì hơn. Và nếu là ông đứng đây thì ông chắc chắn sẽ cám ơn mẹ tôi, người tạo cho ông sức khỏe để cống hiến đến tận cuối đời, vài tuần trước khi chết vẫn đi diễn.

Với tôi, thì luôn nhớ đến chuyện ông nói học nhạc là để vui chơi hay làm tình. Cha tôi luôn nói rằng âm nhạc luôn kiến tạo ra hòa bình thế giới, vì chúng ta có thể giúp người nghe ý thức được bản thân, và hướng tâm hồn của họ vào âm nhạc. Đối với cha tôi thì âm nhạc là sự vui chơi, nhưng có quá nhiều phụ nữ nói với tôi về chuyện làm tình.

Còn với quan sát của tôi thì ông có khả năng đưa con người ta đến một cảnh giới thiền rất cao, khiến họ bật khóc, và quan tâm hơn tới những điều quan trọng. Tôi cũng muốn dùng một ví dụ nhỏ để kết thúc phần phát biểu của mình để mô tả tính cách nghệ sĩ của cha tôi. Khi tôi còn nhỏ thì mẹ tôi phát hiện thấy có một giải thưởng Grammy bị mất cùng một valy hành lý.

Cha tôi gọi điện cho ban tổ chức để xin họ cấp lại cho một cái khác thì được hỏi lại vậy thì ông muốn cái giải thưởng của năm nào, vì ông không biết là mình không chỉ được một mà là tới hai giải Grammy. Đó chính là con người nghệ sĩ của ông, chỉ có công hiến cho âm nhạc mới là mối quan tâm lớn nhất, và chúng tôi rất vinh hạnh đón nhận sự công nhận của Grammy đối với ông."

Tổng cộng Ravi Shankar được tặng 5 giải thưởng Grammy, và cô con gái của ông đã được đề cử cho giải Grammy đến lần thứ 5, và thường xuyên biểu diễn trong các đêm hội Grammy để đưa tiếng đàn sitar đến với khán giả Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Sinh ra ở Luân Đôn, nên bản thân cô con gái Anoushkar cũng gắn nhiều với dòng nhạc của nước Anh và châu Âu hơn. Thế rồi, cô lấy chống là đạo diễn nổi tiếng người Anh Joe Wright, sống cùng hai cậu con trai nhỏ, đồng thời ký hợp đồng độc quyền cho hãng Đức Deutsche Grammophon.

Khác với nhạc của cha mình, tiếng đàn sitar của Anoushkar có điểm gì đó triết học hơn và kén chọn khán giả hơn, theo trào lưu đặc trưng của nét nhạc jazz hậu hiện đại ở Anh, Pháp và Đức, là những nơi mà cô thường xuyên qua lại biểu diễn. Điều đó có thể được nhận thấy qua một buổi ngẫu hứng của Anoushkar và những người bạn là khách mời về diễn ở Dortmund, khi mà âm nhạc như là những lời trò chuyện đối đáp đầy triết lý trên sân khấu.

Một đoạn trong nhạc khúc Dấu vết trong con người bạn với tiếng đàn sitar diễn xướng của nữ nghệ sĩ gốc Ấn Độ Anoushkar Shankar. Con đường âm nhạc của cô có thể chia thành ba giai đoạn chính, khi nhỏ là biểu diễn các tác phẩm của cha mình, đến tuổi trưởng thành thì tìm về nguồn cội Ấn Độ với nhiều album nhạc dân tộc, và nay ở độ tuổi trung niên thì tự tin bước đi với các khám phá mới vào thế giới hậu hiện đại.

Ngoài ra, Anoushkar còn là một cây bút bình luận đem cái nhìn âm nhạc vào thời sự địa phương và quốc tế. Đây cũng chính là một trào lưu mới hiện nay như thính giả ở Việt Nam biết đến các bài bình luận của Tuấn Khanh, hay độc giả người Philippines biết tới chuyên mục của Lea Salonga.

Anoushkar Shankar thực sự đang nghe theo lời dạy của cha mình, đang vui chơi cùng âm nhạc, dùng tiếng đàn để đưa người nghe bước vào không gian thiền định, tìm lại chính mình, nhận ra được những điều quan trọng đang diễn ra xung quanh ta, và tích lũy cho bản thân sức mạnh có thể tạo ra hòa bình trên thế giới, như những gì cô đã thể hiện trong một trong số những sáng tác mới nhất của cô Breathing Under Water.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.