Vào nội dung chính
THÁI LAN - NGOẠI GIAO

Thái Lan : Bỏ Mỹ, bắt tay Trung Quốc ?

Hoa Kỳ, đồng minh lâu năm của Thái Lan, hiện đang bị « thất sủng » tại quốc gia Đông Nam Á từ khi chính quyền quân sự lên nắm quyền vào tháng 05/2014. Nhật báo Le Monde, trong số ra ngày 24/02/2016, khẳng định : « Thái Lan bị Trung Quốc cám dỗ » và Bangkok không che dấu sự chuyển hướng sang Bắc Kinh.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và đồng nhiệm Thái Lan Prayuth Chan-ocha (P) tại thượng đỉnh ASEAN, Kuala Lumpur, Malaysia, 21/11/2015
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và đồng nhiệm Thái Lan Prayuth Chan-ocha (P) tại thượng đỉnh ASEAN, Kuala Lumpur, Malaysia, 21/11/2015 REUTERS/Olivia Harris
Quảng cáo

Từ khi tập đoàn quân sự lên nắm quyền, Thái Lan và Trung Quốc luôn đưa ra những tín hiệu xích lại gần nhau, như để « hàn gắn » lại mối bang giao lâu đời, được duy trì cho tới thế kỷ XIX, trước khi Thái Lan ngả sang phương Tây.

Mối quan hệ bang giao Bắc Kinh-Bangkok được bắt đầu bằng những chuyến công du, sau đó là những dự án quốc phòng và đầu tư kinh tế. Ngay tháng 12/2014, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới thăm Bangkok. Chỉ vài ngày sau, tướng Prayuth Chan Ocha tới Bắc Kinh « đáp lễ ». Tháng 02/2015, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn (Chang Wan Quan) tới Bangkok. Hai tháng sau, tới lượt phó chủ tịch Ủy Ban Quân Sự Trung Ương, tướng Hứa Kỳ Lượng (Xu Qi Liang).

Vào mùa hè năm 2015, trước khi lên đường sang Bắc Kinh, bộ trưởng Quốc Phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan thông báo đang đàm phán với Trung Quốc để mua ba tầu ngầm tác chiến với trị giá khoảng 1 tỉ euro. Dù hợp đồng vẫn chưa thành hình, nhưng ý định này khiến Washington lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực Thái Bình Dương.

Ngoài ra, còn phải kể tới sự năng động của cộng động Hoa Kiều tại Thái Lan, dù chỉ chiếm một lượng nhỏ song họ ngày càng giầu lên theo dòng thời gian. Họ là lực lượng giúp thắt chặt mối quan hệ thương mại giữa hai nước kể từ khi Trung Quốc mở cửa vào cuối thập niên 1970.

Bắc Kinh và Bangkok đang đàm phán xây dựng hệ thống tầu hỏa cao tốc nối liền biên giới với Lào tới vịnh Thái Lan với tổng trị giá lên tới 10,9 tỉ euro. Trung Quốc còn hứa hàng năm mua của Thái Lan 2 triệu tấn gạo và 200.000 tấn cao su.

Bỏ lơ quan hệ với đồng minh Hoa Kỳ ?

Mối quan hệ giữa Thái Lan và Mỹ được hình thành từ thời chiến tranh lạnh bắt đầu rạn nứt khi Washington không ngừng chỉ trích cuộc đảo chính của giới quân sự. Trước đó, trong chuyến công du Bangkok năm 2012, tổng thống Barack Obama ủng hộ mạnh mẽ chính phủ của thủ tướng bị lật đổ Yingluck Shinawatra.

Tháng 01/2015, trong chuyến công du Bangkok, trợ lý ngoại trưởng Mỹ, Daniel Russel, chỉ trích : « Thái Lan đang mất dần uy tín trong mắt các đối tác nước ngoài vì không muốn dỡ bỏ thiết quân luật và khôi phục các quyền dân sự ».

Những lời chỉ trích trên, cùng với sự bất ổn trong nội bộ đất nước, càng thúc đẩy chính quyền quân sự Thái Lan chuyển sang hợp tác với Trung Quốc, một đối tác không hề bận tâm tới việc thiếu dân chủ.

Phía Mỹ cố duy trì mối quan hệ với Thái Lan. Đợt tập trận chung hàng năm « Cobra Gold » giữa hai nước vẫn tiếp tục diễn ra dù bộ Quốc Phòng Mỹ giảm bớt lực lượng tham gia. Theo nhận định của chuyên gia Gregory Poling, thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế Washington, « Thái Lan vẫn là một đối tác mang tính quyết định của Mỹ trong khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, Washington cũng không nên quá lo ngại việc Trung Quốc có thể « nẫng » Thái Lan khỏi tay Mỹ ».

Vẫn theo chuyên gia trên, chuyến công du của phó chủ tịch Ủy Ban Quân Sự Trung Ương, tướng Hứa Kỳ Lượng, dường như chỉ mang tính biểu tượng trong việc tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước, có thể xảy ra trong tương lai. Thế nhưng, Thái Lan vẫn luôn ưu tiên nền ngoại giao cân bằng và dĩ nhiên không muốn trở thành một nước « chư hầu » của Trung Quốc như trong quá khứ.

Thỏa thuận đình chiến tại Syria : Thế giới hai cực mới ?

Nga và Hoa Kỳ cam kết chấm dứt tình trạng thù nghịch tại Syria. Thỏa thuận đình chiến có hiệu lực từ ngày 27/02 được hai cường quốc công bố vào tối ngày 22/02. Sự kiện này đều được các nhật báo Pháp bình luận.

Le Monde cho biết quân đội chính quy Syria và lực lượng đối lập có thời hạn tới trưa thứ Sáu để thông báo có tham gia bản thỏa thuận đình chiến này hay không. Tuy nhiên, hai tổ chức khủng bố Daech và Mặt Trận Al Nosra không được tính đến. Tổng thống Putin đánh giá đây là « bước quan trọng tiến tới chấm dứt đổ máu », còn tổng thống Obama thì nhấn mạnh tới cam kết tuân thủ bản thỏa thuận của các bên.

Nhật báo Le Figaro nhận định « Nga và Mỹ xích lại gần nhau trên hồ sơ Syria ». Thế nhưng, các nhà ngoại giao lo rằng Nga, Iran và chế độ Damas dùng ngoại giao và đình chiến làm bình phong để tiêu diệt các phe đối lập do Hoa Kỳ hậu thuẫn. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út đang dọa đưa quân vào Syria.

Đánh giá về bản thỏa thuận Nga-Mỹ, bà Camille Grand, giám đốc Tổ Chức Nghiên Cứu Chiến Lược, cho rằng : « Thật là ngây thơ nêu tin là chỉ hai nước Nga và Mỹ có thể giải quyết được vấn đề Syria. Chúng ta đâu còn ở thế kỷ XIX… Thỏa thuận giữa Matxcơva và Washington không giải quyết được cuộc xung đột bốn bên ».

Cũng có cùng nhận định với Le Figaro về chiến lược đình chiến của Nga, tờ Libération cảnh báo : « Cẩn thận với trò lường gạt của Nga » và cho rằng bản thỏa thuận mới được công bố mang hơi hướng thế giới hai cực trước năm 1989, nhưng có thể giúp cả Nga và Mỹ tránh sa lầy trong cuộc chiến tại Syria.

Tổng thống Obama, trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ, muốn tìm cách dung hòa với Nga. Còn nước Nga, theo Libération, với GDP chỉ bằng Tây Ban Nha cùng với nền kinh tế đang suy yếu do giá dầu giảm và bị trừng phạt kinh tế, không còn đủ sức để duy trì các chiến dịch can thiệp dài hơi vào Syria.

Về phía Syria, tờ Libération cho rằng có thể bản thỏa thuận chỉ là cái cớ cho phép Damas ổn định những vùng đất đã chiếm lại được, trước khi mở những đợt phản công mới trong vài ngày hoặc trong vài tuần tới với sự hậu thuẫn của Nga và Iran. Ngay khi Nga-Mỹ thông báo ký kết thỏa thuận đình chiến tại Syria, tổng thống Bachar Al Assad tuyên bố tổ chức bầu cử lập pháp vào ngày 13/04.

Liên Hiệp Quốc yếu thế trong cuộc chiến Syria

Viễn cảnh đình chiến có thể đang được thành hình tại Syria, dù là mỏng manh, theo bài xã luận trên nhật báo công giáo La Croix về vai trò của Liên Hiệp Quốc trong cuộc xung đột tại Syria. Thế nhưng, nếu Washington và Matxcơva thật tâm, cả hai bên đều có phương tiện và trọng lượng để gây sức ép đối với các đồng minh, dù mỗi nước đều có lợi ích riêng khi tham chiến.

Trong cuộc xung đột Syria, các cơ quan của Liên Hiệp Quốc hoạt động tích cực trên thực địa để các bên xung đột cùng ngồi vào đàm phán và để giảm bớt những đau khổ của người dân. Thế nhưng, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tỏ ra bất lực trong việc tìm giải pháp hòa bình cho Syria do những bất đồng về chiến lược giữa các thành viên, đặc biệt là giữa Nga và Mỹ.

Trong bản báo cáo thường niên, tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã chỉ trích sự bất lực của thể chế này. Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền, để loại bỏ chiến tranh và ổn định hòa bình, thế giới cần một thể chế đa quốc gia mạnh mẽ và chính đáng.

Liên Hiệp Quốc được thành lập sau Thế Chiến thứ hai để bảo vệ quyền lợi và luật pháp với lý tưởng là duy trì lòng bác ái trên khắp thế giới. Liên Hiệp Quốc cần phải tiếp tục nhiệm vụ này và cần phải kêu gọi các nước thành viên bỏ qua một bên những lợi ích khu vực, quốc gia hay hệ tư tưởng để phục vụ một mục đích duy đích là sự bình ổn chung.

Bài xã luận của La Croix nhấn mạnh trong cuộc bầu cử tổng thư ký Liên Hiệp Quốc sẽ diễn ra vào cuối năm 2016, các nước cần phải dũng cảm bầu ra một nhân vật có khả năng thực hiện tham vọng này.

Tại sao châu Âu lại sợ Algeria ?

Algeria, quả bom nổ chậm là hồ sơ đăng trên nhật báo Le Figaro dưới dòng tựa : « Tại sao châu Âu lại sợ Algeria ? »
Thực vậy, việc giá dầu sụt giảm nghiêm trọng đang làm lung lay nền kinh tế, chính quyền và xã hội Algeria và có nguy cơ dẫn tới sự bất ổn tại đất nước Bắc Phi này và dĩ nhiên, có nguy cơ gây nên một làn sóng di cư mới.

Trả lời phỏng vấn báo Le Figaro, rất nhiều trí thức Algeria tỏ ra lo ngại. Cựu giám đốc tờ báo Le Matin, ông Mohamed Benchicou, nhận định « sự phá sản sẽ dẫn tới tình trạng hỗn loạn và đẩy người dân Algeria chạy sang châu Âu ».

Về mặt chính trị, nhà văn Boualem Sansal tỏ ra bi quan trước kịch bản thảm kịch như hiện nay tại Syria hoàn toàn có thể xẩy ra. Vì, Algeria nằm ngay sát biên giới với Libya và Daech đang không ngừng hiện diện tại quốc gia này.

Vì thế, Le Figaro cảnh báo, tới một ngày nào đó, Algeria tỉnh giấc trong sự bất ổn xã hội hay chết chóc vì oanh kích, châu Âu sẽ hứng nhận một cú sốc lớn. Châu Âu, đặc biệt là Pháp, trở thành những điểm đến tự nhiên của giới trẻ Algeria, mất phương hướng và không có tương lai. Hiện giờ đã có rất nhiều người Algeria trà trộn trong dòng người tị nạn Syria để tới châu Âu.

Thế nhưng, con số này sẽ tăng gấp bội nếu xảy ra biến cố tại Algeria. Theo thẩm định của Le Figaro, dân số Algeria có khoảng 40 triệu người, trong đó một nửa dưới 19 tuổi. Đây là một quả bom nổ chậm. Le Figaro khuyến cáo, với mối quan hệ thuộc địa trong quá khứ với Algeria, cũng như vì lợi ích của mình, nước Pháp nên để tâm tới những gì đang diễn ra tại Algeria và trợ giúp họ. Để nếu ngày đó xảy ra, thì người dân Algeria có thể tìm ra được một giải pháp khác thay vì bỏ xứ ra đi vì chắc chắn làn sóng này sẽ tác động tới tận châu Âu và nước Pháp.

Diễn viên DiCaprio sẽ đoạt Oscar ?

Ảnh của diễn viên nổi tiếng người Mỹ, trong bộ phim mới « The Revenant », được đăng trên trang nhất của các nhật báo Le Monde, Libération hay Le Figaro.

Libération đăng tựa trên trang nhất : « DiCaprio, bằng mọi giá để nhận giải Oscar ». Quả thực, cách đây hai năm, Leonardo DiCaprio từng hụt giải thưởng cao quý này với bộ phim « Con sói phố Wall » của đạo diễn Martin Scorsese.

Dường như DiCaprio không có duyên với giải Oscar từ hơn 20 năm nay. Lần này hi vọng là diễn viên nổi tiếng sẽ nhận được giải thưởng cao quý vì ngôi sao 41 tuổi được đánh giá xuất sắc trong bộ phim The Revenant của đạo diễn người Mêhicô Alejandro Gonzales Iñárritu.

Câu chuyện xảy ra trong những năm 1820 xoay quanh một thợ săn bị thương nặng vì bị một con gấu tấn công. Những người đi cùng đoàn đã bỏ mặc anh đang chết dần. Nhưng Glass, nhân vật của DiCaprio, không muốn chết và chỉ muốn trở về với người vợ và cậu con trai. Một mình vượt hơn 300 km trong hoàn cảnh nghiệt ngã, khao khát trả thù đã giúp người thợ săn vượt qua mọi trở ngại trên đường để trở về với cuộc sống.

Sau những lời đánh giá cao về khả năng diễn xuất và tính cách của diễn viên DiCaprio, Libération nhắc lại năm vai chính trong năm bộ phim mà diễn viên người Mỹ từng bị hụt giải Oscar : Nhật ký bóng rổ (The Basketball Diaries, 1995), Titanic (1997), Hãy bắt tôi nếu có thể (Catch Me If You Can, 2002), J. Edgar (2012) và Con sói phố Wall (Le Loup de Wall Street, 2013).

Nếu Leonardo vẫn còn hụt thêm lần nữa tại lễ trao giải vào tối Chủ Nhật này, thì diễn viên vẫn có thể tự an ủi rằng Johnny Depp, Brad Pitt hay George Clooney chưa bao giờ được Oscar.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.