Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN: Biển Đông tiếp tục gây chia rẽ ?

Đăng ngày:

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN mở ra trong hai ngày kể từ 15/02/2016, tại Sunnylands, tiểu bang California (Hoa Kỳ). Trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á bị hồ sơ tranh chấp Biển Đông giữa 4 thành viên Hiệp Hội Đông Nam Á ASEAN và Trung Quốc khuấy động, buộc Hoa Kỳ phải can dự nhân danh quyền tự do hàng hải, một cuộc họp cấp cao giữa Mỹ và ASEAN hiển nhiên sẽ xem vấn đề Biển Đông là một trọng tâm thảo luận. Vấn đề là các nước ASEAN vẫn thường chia rẽ trên hồ sơ này, đặc biệt là đối với một số thành viên vì lợi ích riêng tư không muốn làm phật ý Trung Quốc.

Đoàn xe của tổng thống Mỹ Barack Obama đến Ranch Mirage, California, nơi diễn ra thượng đỉnh Mỹ - ASEAN.
Đoàn xe của tổng thống Mỹ Barack Obama đến Ranch Mirage, California, nơi diễn ra thượng đỉnh Mỹ - ASEAN. REUTERS/Kevin Lamarque
Quảng cáo

Theo chương trình hội nghị thượng đỉnh do nước chủ nhà là Mỹ soạn thảo, vấn đề Biển Đông được cho là sẽ đặc biệt được đề cập đến trong phiên thảo luận về chính trị-an ninh vào hôm 16/02, mà chủ đề chung là « Bảo vệ hòa bình, thịnh vượng và an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương », với các chủ đề nhỏ như an ninh hàng hải, chống khủng bố và các thách thức xuyên quốc gia. Trong ngôn từ hiện nay của ASEAN hay của Mỹ, « an ninh hàng hải » luôn là ám ngữ chỉ vấn đề Biển Đông.

Hoa Kỳ hoàn toàn không che giấu ý định nêu lên vấn đề Biển Đông nhân cuộc họp với ASEAN. Trong cuộc trả lời báo chí ngày 10/02/2016, ông Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ Barack Obama đã xác nhận rằng ngay cả các chuyến bay thử nghiệm mới đây của Trung Quốc đến Đá Chữ Thập ở Trường Sa cũng sẽ được nêu lên :

« Tất nhiên có một số vấn đề thiết yếu sẽ được thảo luận. Một trong số đó là an ninh hàng hải, bao gồm cả tình hình ở Biển Đông. Và đó sẽ là cơ hội để cho các nhà lãnh đạo thảo luận về một số sự kiện gần đây đã diễn ra ở Biển Đông, trong đó có vấn đề các chuyến bay thử nghiệm trên phi đạo mới được xây dựng trên Đá Chữ Thập ».

Lập trường của Mỹ : Không cho cá lớn nuốt cá bé tại Biển Đông

Hoa Kỳ muốn gì khi nêu bật vấn đề Biển Đông nhân cuộc họp với ASEAN ? Theo ông Rhodes, đó là để bảo đảm sao cho luật pháp quốc tế được tôn trọng, và không để xẩy ra tình trạng nước lớn bắt nạt nước bé, ám chỉ các hoạt động hung hăng của Trung Quốc đối với các nước ASEAN có tranh chấp Biển Đông :

« Hoa Kỳ sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ trên cơ sở phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và luật pháp quốc tế, và chúng tôi sẽ tiếp tục nhấn mạnh nguyên tắc theo đó rằng vấn đề đó (tức là Biển Đông) phải được giải quyết phù hợp với các chuẩn mực quốc tế chứ không phải thông qua việc các nước lớn bắt nạt những nước nhỏ hơn ».

Khi đề cập đến vấn đề Biển Đông, Hoa Kỳ như đã thừa biết là trong nội bộ ASEAN, có những nước như Việt Nam hay Philippines - bị Trung Quốc gây hại nhiều nhất ở Biển Đông - mong muốn hội nghị thượng đỉnh có tiếng nói mạnh mẽ trên hồ sơ này. Trong lúc một số nước khác, vì không có lợi ích tại Biển Đông, và lại lệ thuộc Trung Quốc về kinh tế và thương mại, nên không muốn hội nghị đụng chạm đến Bắc Kinh. Trong số các nước này có Lào và Cam Bốt.

Có lẽ chính vì vậy mà trước lúc hội nghị mở ra, đích thân ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã ghé thăm Phnom Penh và Vientiane, trong một chuyến đi được cho là nhằm thuyết phục hai nước này tán đồng một lập trường cứng rắn hơn trên vấn đề Biển Đông.

Câu hỏi đặt ra là trong tư cách là nước chủ nhà của một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN đầu tiên được tổ chức riêng biệt tại Hoa Kỳ chứ không phải bên lề một hội nghị quốc tế nào khác như trước đây, liệu Hoa Kỳ có sẽ thúc đẩy được ASEAN có chung một một tiếng nói trên vấn đề Biển Đông hay không ?

Giáo sư Thayer : ASEAN sẽ có tiếng nói chung nhưng thiếu thực chất

Về câu hỏi trên, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia tại Học Viện Quốc Phòng Úc, cho rằng về mặt hình thức, ASEAN sẽ có một tiếng nói chung, nhưng rất khái quát, về vấn đề Biển Đông, tương tự như những gì đã được nhất trí nhân các cuộc họp riêng của ASEAN. Nhưng về thực chất, ASEAN vẫn chia rẽ trong việc có chính sách hữu hiệu chống lại các hành vi quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông. Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn giáo sư Thayer qua thư điện tử.

RFI : Giáo sư đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của nghị thượng đỉnh này ?

Thayer : Tổng thống Barack Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên đến tham dự và sau đó làm chủ nhà đón tiếp hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN-Hoa Kỳ.

Đấy là một thay đổi đáng hoan nghênh sau thời kỳ Tổng thống George Bush đã không đến dự hội nghị đầu tiên được dự trù, rồi sau đó mời các lãnh đạo ASEAN đến họp tại trang trại của ông ở Crawford, Texas, nhưng không mời Miến Điện. ASEAN khi ấy đã từ chối lời mời vì muốn là toàn bộ các nước Đông Nam Á được mời.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN lần này nằm trong một chuỗi các hội nghị Mỹ-ASEAN trước đây và thể hiện các cam kết của chính quyền Obama đối với các nước Đông Nam Á. Các phương tiện truyền thông thường có xu hướng tập trung vào hội nghị này mà không đặt nó vào trong quá trình lịch sử của nó.

Hội nghị thượng đỉnh lần này tự nó có tầm vóc quan trọng trong việc củng cố quan hệ Mỹ-ASEAN, và đồng thời là di sản mà ông Obama để lại cho tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ.

RFI : Đâu là những điểm quan trọng cần theo dõi ?

Thayer : Hội nghị sẽ tập trung vào tất cả các khía cạnh của quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN, nhưng sẽ đặc biệt nhấn mạnh trên các quan hệ kinh tế, biến đổi khí hậu, hợp tác trong việc phát triển hạ nguồn sông Mekong, và trấn an rằng Hoa Kỳ sẽ vẫn dấn thân vào Đông Nam Á.


RFI : Giáo sư có nghĩ rằng vấn đề Biển Đông sẽ trở thành trọng tâm hội nghị thượng đỉnh?

Thayer : Lần sau cùng mà Mỹ đăng cai một hội nghị thượng đỉnh với ASEAN là bên lề cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (tháng 9/2010). Hồ sơ Biển Đông đã nổi bật trong những cuộc thảo luận, nhưng do hành động can thiệp ngoại giao củaThái Lan, những gì liên quan đến Biển Đông đã bị giảm nhẹ trong tuyên bố chung chính thức.

Lần này, việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông sẽ được thảo luận, nhưng ASEAN vẫn sẽ bám víu vào những tuyên bố lập trường chính thức đã được thông qua. Điều quan trọng sẽ là những thỏa thuận không nói ra, đạt được nhân các cuộc thảo luận đó.

RFI : Mỹ và Philippines đều khẳng định sẽ nêu bật vấn đề Biển Đông tại hội nghị. Còn các nước khác thì sao ?

Thayer : Mỹ là nước chủ nhà của hội nghị và sẽ có ảnh hưởng tới chương trình nghị sự. Bàn về Biển Đông bất chấp sự phản đối của Trung Quốc đã trở thành điều « bình thường mới » trong ASEAN.

Cam Bốt có lẽ là quốc gia duy nhất sẽ phản đối, nhưng do việc bản thông cáo chung khó có khả năng nêu lên bất kỳ chủ trương nào mới của ASEAN, Cam Bốt sẽ hài lòng.

Dưới sự lãnh đạo của Malaysia trong vai trò Chủ tịch ASEAN, (phần đề cập đến Biển Đông) trong bản tuyên bố chung kết thúc hội nghị ngoại trưởng dài hơn trước đây, và ghi nhận quan điểm khác nhau của các thành viên ASEAN. Do vậy đã có câu « một số lãnh đạo » đã bày tỏ quan điểm theo đó các hoạt động của Trung Quốc làm tăng căng thẳng và làm xói mòn lòng tin.

Việt Nam sẽ có động thái ra sao ?

Một điểm quan trọng là xem Việt Nam hành xử như thế nào. Việt Nam đã tương đối im lặng trước việc Trung Quốc triển khai giàn khoan HD 981 tại vùng biển tranh chấp trong năm nay. Các động thái của Việt Nam tại Sunnylands có thể là dấu hiệu cho thấy lập trường của Việt Nam thời tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị gạt ra bên lề.

RFI : Do việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sắp rời chức vụ, liệu Việt Nam có thể có tiếng nói mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông hay không ?

Thayer : Việt Nam ủng hộ một ASEAN hùng mạnh, và cũng ủng hộ việc Mỹ liên kết chặt chẽ với ASEAN để đối trọng với Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ được Bộ Chính Trị chỉ đạo về những điểm cần tuyên bố. Ông sẽ theo sát kịch bản được soạn sẵn cho ông, tương tự như ông đã làm với phát biểu nhân lễ kỷ niệm ngày 30 tháng Tư vào năm ngoái tại thành phố Hồ Chí Minh, khi ông đả kích đế quốc Mỹ. Bài phát biểu của ông đã được Bộ Chính Trị soạn ra và ông được giao nhiệm vụ đọc lên.

RFI : Lào hiện là chủ tịch ASEAN. Gần đây, khi ngoại trưởng Mỹ đến thăm Vientiane, ông nói rằng Lào rất muốn tránh việc Biển Đông bị quân sự hóa. Ý kiến giáo sư ra sao ?

Thayer : Như Trung Quốc đã nêu lên, Mỹ không đại diện cho ASEAN. Giới lãnh đạo Lào sẽ phát huy lập trường đồng thuận mà ASEAN đã đạt được trên vấn đề Biển Đông. Singapore sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong hậu trường với tư cách là nước điều phối quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc.

RFI : Cam Bốt dường như chống lại « hành vi can thiệp » của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Giáo sư có nghĩ rằng một lần nữa Cam Bốt sẽ lại là kẻ « gây rối » tại hội nghị thượng đỉnh Sunnylands, đặc biệt trên vấn đề an ninh hàng hải ?

Thayer : Cam Bốt có khả năng làm cho quan điểm của mình được biết đến, nhưng không có khả năng phá hoại hội nghị thượng đỉnh Sunnylands. Cam Bốt có lợi trong việc duy trì nếu không muốn nói là cải thiện việc tiếp cận thị trường Hoa Kỳ.

Theo tôi, năm ngoái rõ ràng là Cam Bốt đã chấp thuận toàn bộ các tuyên bố của ASEAN về Biển Đông. Cam Bốt cũng đề xuất các sáng kiến riêng như đề nghị làm trung gian hòa giải trong tranh chấp (Biển Đông). Tôi nghĩ rằng cả Cam Bốt lẫn Mỹ sẽ làm việc để cho thấy rằng hội nghị là một thành công.

RFI : Với tất cả những vấn đề nêu trên, giáo sư có nghĩ rằng rốt cuộc ASEAN có thể có chung tiếng nói về Biển Đông hay không ?

Thayer : ASEAN đã đưa ra được một chính sách nhất quán về Biển Đông phản ánh sự đồng thuận trên vấn đề này. Hiểu theo ý đó thì ASEAN đã có một tiếng nói chung. Tuy nhiên, câu hỏi thực thụ lại là liệu ASEAN có thể đưa ra được một chính sách hữu hiệu để buộc Trung Quốc phải hành động với sự tự kiềm chế và không quân sự hóa Biển Đông hay không ? Câu trả lời là « không » vì ASEAN chỉ dừng lại ở mức đối thoại với Trung Quốc chứ không thể tiến xa hơn và gây đủ áp lực để buộc Trung Quốc phải thay đổi hướng hành động của họ.

Trung Quốc đang từ từ tách khu vực Đông Nam Á ra khỏi « trái tim hàng hải » của vùng thông qua việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo với khả năng quân sự hóa nơi này. Chính sách (đối phó) của ASEAN là đòi thực thi đầy đủ bản Tuyên Bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) và đúc kết nhanh chóng cuộc thảo luận về bộ Quy Tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tôi từng mô tả chính sách của ASEAN như là một sự « kiên trì ngốc ngếch (foolish consistency) » hoặc là một cuộc « đi tìm Chén Thánh (the search for the Holy Grail) ». « Kiên trì ngốc ngếch » có nghĩa là ASEAN sẽ tiếp tục làm những gì đã làm, vì bị khóa chặt chính sách của mình đối thoại. Còn « Chén Thánh » có nghĩa là bộ Quy Tắc Ứng Xử COC được hiểu nhầm là giải pháp cho tất cả các mối lo lắng của ASEAN ở Biển Đông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.