Vào nội dung chính
HOÀNG SA

Ảnh vệ tinh: Bắc Kinh xây thêm căn cứ trực thăng ở Hoàng Sa

Ý đồ quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh ngày càng bị vạch trần : Chuyên san Nhật Bản The Diplomat hôm qua, 13/02/2016 đã công bố một loạt ảnh vệ tinh mới chụp vào cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai cho thấy Trung Quốc đang cấp tốc bồi đắp hai đảo nhỏ gần đảo lớn Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đáng chú ý là lần đầu tiên ảnh vệ tinh phát hiện một căn cứ trực thăng mới trên đảo Quang Hòa.

Đảo Phú Lâm, Hoàng Sa.
Đảo Phú Lâm, Hoàng Sa. hoangsa.org
Quảng cáo

Theo ghi nhận của Victor Robert Lee, tác giả bài báo, các bức ảnh vệ tinh chụp hai đảo Bắc (North Island) và Cây (Tree Island) - thuộc nhóm An Vĩnh (Amphitrite Group) trên quần đảo Hoàng Sa, cho thấy rõ công việc nạo vét và bồi đắp mà Trung Quốc đang thực hiện.

Khi so sánh ảnh vừa mới chụp với các bức ảnh trước đó – ngày 09/01/2016 và ngày 02/12/2015 trong trường hợp đảo Bắc, và ngày 02/12/2015 với ngày 05/12/2014 trong trường hợp đảo Cây, người ta thấy rõ tốc độ nhanh chóng của công việc bồi đắp.

Đáng quan ngại hơn hết là ảnh đảo Quang Hòa (Duncan Island), thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm, chụp ngày 17/01, cho thấy rõ là Trung Quốc đang xây dựng trên đó một sân bay trực thăng, với 8 khu bãi đáp đã hoàn tất, và 4 khu khác sắp hoàn thành. Bến tàu của đảo cũng được nâng cấp một bến tàu. So sánh với ảnh chụp vào tháng Tư năm 2014, thì diện tích đảo Quang Hòa đã tăng thêm 50%.

Theo nhận định của The Diplomat, việc xây dựng căn cứ trực thăng mới tại Hoàng Sa phản ánh ý đồ của Trung Quốc muốn tăng cường khả năng chống tàu ngầm ở toàn khu vực Biển Đông. Với một mạng lưới căn cứ và kho chứa nhiên liệu trải rộng trên vùng Biển Đông, trực thăng Trung Quốc như loại Z-18F có thể bay đến bất kỳ một nơi nào trên Biển Đông trong vòng hai tiếng đồng hồ.

Mới đây, Trung Quốc đã cho triển khai trực thăng chống tàu ngầm Z-18F mà kiểu Z-18 tương tự được cho là có tầm tác chiến hơn 500 cây số, với vận tốc tối đa 336 cây số/giờ.

Các căn cứ trực thăng không chỉ nâng cao khả năng trinh sát và phản ứng nhanh của quân đội Trung Quốc mà còn có thể thay đổi chiến lược tác chiến trên biển và trên không của cả khu vực

Nhóm An Vĩnh nằm cách đảo Phú Lâm (Woody Island) khoảng 15 cây số về hướng bắc tây-bắc, Phú Lâm là nơi Trung Quốc đặt trụ sở của đơn vị hành chánh mà họ gọi là thành phố Tam Sa để quản lý vùng Biển Đông,  Quần đảo Hoàng Sa đang do Trung Quốc kiểm soát sau khi chiếm trọn từ tay của Việt Nam vào năm 1974.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.