Vào nội dung chính
HẠT NHÂN - BẮC TRIỀU TIÊN

Những tính toán mạo hiểm của Bắc Triều Tiên

Về khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, Le Monde hôm nay, 10/02/2016, có bài phân tích đáng chú ý của nhà báo Philippe Pons từ Tokyo với tựa đề « Các tính toán mạo hiểm của Bắc Triều Tiên ». Ngược lại với cách hiểu của nhiều người về tính chất « không thể dự đoán » của chế độ Bình Nhưỡng, bài phân tích nhấn mạnh Bắc Triều Tiên có « một chiến lược » phát triển vũ khí hạt nhân thực sự từ khoảng 30 năm nay, nhằm « thách thức » Hoa Kỳ và khẳng định « độc lập với Trung Quốc ». Toan tính của Bình Nhưỡng dựa trên niềm tin là Bắc Kinh, « dù bực bội, nhưng không mạo hiểm » đẩy « nước láng giềng hung hăng (Bắc Triều Tiên) » vào chân tường.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un (áo đen) xem thử tên lửa, ngày 07/02/2016.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un (áo đen) xem thử tên lửa, ngày 07/02/2016. REUTERS/Kyodo ATTENTION EDITORS
Quảng cáo

Nhà báo Philippe Pons dẫn ra một số lý do có thể có đằng sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Trước hết là mục tiêu nâng cao « uy thế » của chế độ và « duy trì một tâm lý ‘‘liên tục bị vây hãm’’ trong dân chúng », đánh lạc hướng chú ý khỏi những vấn đề nội bộ của đảng cầm quyền Bắc Triều Tiên, đang chuẩn bị Đại hội 7, dự kiến diễn ra vào tháng 5. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un hiện đã « củng cố được quyền lực », không cần đến các thanh trừng tàn bạo để loại bỏ đối thủ trong bộ máy (theo Yonhap hôm nay,tổng tham mưu trưởng quân đội Bắc Triều Tiên vừa bị hành quyết, sau khi bị kết tội tham nhũng và lập phe phái chính trị) và một nền kinh tế thị trường đang phôi thai. Với các vụ thử hạt nhân và tên lửa mới đây, rõ ràng Bình Nhưỡng muốn khẳng định là một cường quốc hạt nhân quân sự.

Theo Le Monde, sau các động thái này, « Trung Quốc và Hoa Kỳ đổ lỗi cho nhau đã không thể ngăn chặn được Bình Nhưỡng. Bắc Kinh chỉ trích Washington thiếu mềm dẻo – ‘‘chiến lược kiên nhẫn’’ của chính quyền Obama coi việc Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân là điều kiện tiên quyết cho mọi thương lượng -, trong khi Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc là mắt xích yếu trong hệ thống chính sách trừng phạt của quốc tế ».

Theo Le Monde, Bắc Triều Tiên tin tưởng Bắc Kinh sẽ không dám « gây mất ổn cho nước láng giềng hung hăng của mình, trong bối cảnh việc Hàn Quốc và Nhật Bản xích lại gần hơn dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ trực tiếp tác động đến Trung Quốc ». Tình trạng hiện nay là « bế tắc ». Bởi Bình Nhưỡng không chịu lùi bước, cho dù chương trình vũ khí hạt nhân khiến dân cư nước này phải trả giá rất đắt. Trong khi đó, Hoa Kỳ và các đồng minh cương quyết không chấp nhận Bình Nhưỡng có vũ khí hạt nhân, và không khoan thứ cho cách hành xử của một « Nhà nước côn đồ ».

Bài phân tích của Le Monde nhấn mạnh đến quan điểm của ông Stephen Bosworth, đại diện cho Hoa Kỳ trong các đàm phán với Bắc Triều Tiên từ 2009 đến 2011. Theo nhà ngoại giao này, không nên đặt vấn đề Bắc Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân như một điều kiện tiên quyết của đàm phán, và cần đặt vấn đề này trong một thỏa thuận « bình thường hóa quan hệ » giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên. Le Monde kết luận với nhận định của ông Andrei Lankov, người Nga, chuyên về Triều Tiên (đại học Kookmon – Seoul) : chiến lược nói trên hiện không phải là mối quan tâm của chính quyền Mỹ, đang chuẩn bị bước vào mùa tranh cử.

Bắc Kinh, « nạn nhân thói yêng hùng của Kim Jong-un »

Cũng về hạt nhân Bắc Triều Tiên, Le Monde có bài « Bắc Kinh, nạn nhân của thói yêng hùng của Kim Jong-un ». Bài viết lưu ý, việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân – khiến Hàn Quốc sẵn sàng tiếp nhận hệ thống lá chắn hạt nhân THAAD của Mỹ - khiến Trung Quốc đứng trước một nguy cơ thực sự : Hệ thống hạt nhân răn đe của Trung Quốc có thể bị vô hiệu hóa. Chuyên gia về Trung Quốc Kim Hueng-kyu, đại học Hàn Quốc Ajou, đánh giá : Bắc Kinh sợ rằng liên minh khu vực Mỹ-Nhật-Hàn sẽ được tăng cường, với hệ thống lá chắn THAAD nói trên.

Ngược lại với quan điểm phổ biến cho rằng Trung Quốc bao che cho Bắc Triều Tiên, Le Monde đưa ra nhận định khác, cho thấy Bắc Kinh đã thất bại khi không tìm được cách thuyết phục Bình Nhưỡng, kể cả việc cử đặc phái viên tới Bắc Triều Tiên. Sự bất lực của Trung Quốc khiến Hàn Quốc thất vọng.

Nguy cơ Bình Nhưỡng bán công nghệ hạt nhân

Về nguy cơ Bắc Triều Tiên, La Croix dẫn lời nhà sử học Pháp Pierre Rigoulot, chuyên gia về các chế độ cộng sản toàn trị (tác giả cuốn « Bắc Triều Tiên, Nhà nước côn đồ »), với lo ngại bị « cô lập và thiếu tiền », Bắc Triều Tiên có thể quyết định « bán công nghệ hạt nhân cho các tổ chức có ý đồ xấu ».

AFP mở văn phòng tại Bắc Triều Tiên

Le Monde loan tin quốc gia thường được đánh giá là cô lập nhất thế giới vừa chấp nhận mở cửa cho hãng thông tấn Pháp AFP. Sau hãng AP của Hoa Kỳ, AFP là « hãng tin lớn quốc tế thứ hai » có văn phòng thường trực tại Bắc Triều Tiên. Theo Le Monde, sự hiện diện của AFP chắc chắn sẽ mang lại những thông tin « cho dù không đầy đủ, nhưng ít mang tính thổi phồng hơn, cho phép xác minh hoặc bác bỏ các thông tin được thu thập từ bên ngoài ». Nhà báo Jung Ha-won của AFP tại Seoul nhấn mạnh : « tách biệt được cái thật khỏi cái giả (trong các thông tin) về Bắc Triều Tiên là một điều rất khó khăn ».

Bangladesh : Bắc Kinh nổi giận với tác phẩm về người Tây Tạng tự thiêu

Về Trung Quốc, Libération có bài tố cáo chính quyền Bắc Kinh kiểm duyệt nghệ thuật kháng chiến Tây Tạng tại… Bangladesh, tại một triển lãm tư nhân nhằm cổ vũ cho các nghệ sĩ Đông Nam Á.

Đại sứ Trung Quốc, khi tới thăm triển lãm ngày thứ Bảy, 06/02, đã « nổi cơn thịnh nộ », và yêu cầu ban tổ chức cuộc trưng bày Dhaka Art Summit rút tác phẩm, nếu không « sẽ phải chấp nhận hậu quả ». Các tác phẩm khiến đại sứ Trung Quốc nổi giận mang tên « Những lời trăng trối », nói về những người Tây Tạng chọn tự thiêu để phản đối Trung Quốc. Tác phẩm do hai người Ấn Độ, gốc Tây Tạng, thực hiện.

Hai nghệ sĩ đã đưa hình tác phẩm của họ lên mạng Facebook, với lời bình luận như sau : « Chúng tôi tự hào là ‘‘những lời trăng trối’’ của người Tây Tạng tự thiêu vẫn còn quấy rối và khiến đảng Cộng Sản Trung Quốc lo sợ ».

Bangladesh rất phụ thuộc vào đầu tư của Trung Quốc. Năm 2009, chính quyền nước này phải đóng cửa một triển lãm về « Tây Tạng lưu vong, 1949-2009 ».

Nỗi sợ của Bắc Kinh : Kẻ đào tẩu sang Mỹ mang nhiều bí mật

Chính quyền Trung Quốc có thể đang rất lo sợ về một kẻ đang đào tẩu, mang theo những thông tin bí mật hết sức quý giá về chế độ hết sức khép kín này. Trên đây là nội dung bài viết « Một kẻ đào tẩu có giá trị lớn với Washington » trên Le Monde.

Le Monde dẫn lại Financial Times và trang mạng Mỹ The Washington Free Beacon, theo đó công dân Trung Quốc Lệnh Hoàn Thành (Ling Wancheng) - em trai của cựu lãnh đạo Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua), hiện đang bị giam giữ - có thể đã cung cấp cho chính quyền Mỹ hàng nghìn trang tài liệu tối mật, trong đó có liên quan đến vũ khí hạt nhân, đời sống riêng tư của các lãnh đạo Trung Quốc, các biện pháp bảo vệ an ninh cho họ và bảo vệ Trung Nam Hải - khu vực đầu não của Trung Quốc nói chung.

Châu Âu : Pháp – Đức kêu gọi gia tăng chống trốn thuế

Về thời sự quốc tế, Les Echos chú ý đến Pháp và Đức gia tăng nỗ lực trên hai mặt trận, chống khủng bố và chống trốn thuế. Theo Les Echos, trong hoàn cảnh không thể khởi sự các cải cách lớn trong khu vực đồng euro, ưu tiên của các lãnh đạo kinh tế và tài chính Pháp và Đức là « một số chủ đề cụ thể và khẩn cấp ». Bộ trưởng Tài Chính Pháp tái kêu gọi châu Âu triển khai chủ trương chống trốn thuế, mà đối tượng là các công ty đa quốc gia. Chủ trương đã được nhóm G20 thông qua hồi tháng 11/2015.

Bộ trưởng Tài Chính Pháp cũng thúc đẩy Ủy Ban Châu Âu nhanh chóng đưa ra các biện pháp ngăn chặn nguồn tài chính của khủng bố ở cấp quốc gia, từ nay tới cuối năm. Các bộ trưởng Pháp và Đức cũng hy vọng hạ mức thanh toán bằng tiền mặt, để siết chặt nguồn cung tài chính cho khủng bố. Khả năng xóa bỏ tờ bạc 500 euro cũng được thảo luận tại Ngân Hàng Trung ương Châu Âu. Các biện pháp dự kiến này gây khó chịu cho người Đức, vốn quen dùng tiền mặt.

Trong khi Pháp-Đức đối phó với các vấn đề khẩn cấp, Ý thúc đẩy các nỗ lực vực dậy châu Âu, qua việc tổ chức một hội nghị sáu quốc gia sáng lập Cộng Đồng Châu Âu tại Roma, với hy vọng khởi sự một dự án chấn hưng châu Âu vào năm tới, nhân dịp châu Âu tròn 60 tuổi.

Cơn bão tài chính ngày càng nghiêm trọng

Về kinh tế thế giới, « Cơn bão tài chính đang ngày càng nghiêm trọng » là tâm điểm của báo Le Figaro. Theo tờ báo, chứng khoán vẫn tiếp tục xu thế sụt giảm. Chỉ số của thị trường chứng khoán Pháp CAC 40 đã hạ xuống dưới 4.000 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2014.

Việc cổ phiếu mạnh sụt giảm gắn liền với căng thẳng trên thị trường tín dụng. Theo Le Figaro, tình trạng hiện nay được nhiều nhà quan sát so sánh với tình trạng khủng hoảng tài chính 2008-2009, hay giai đoạn khủng hoảng nợ công 2011-2012. Một tâm điểm của căng thẳng tín dụng là tại thị trường trái phiếu mạo hiểm (« high yield ») ở Hoa Kỳ, với tổng trị giá 1.200 tỉ đô la, vốn đang bị rút ồ ạt khỏi lĩnh vực năng lượng. Các nhà đầu tư lo ngại rằng thực trạng tài chính bị che giấu hoặc mô tả giảm nhẹ trong bối cảnh hàng loạt công ty kinh doanh dầu đá phiến phá sản, do giá dầu sụt giảm.

Theo một kinh tế gia của Lombard Odier, trên thị trường này, lãi suất tăng vọt tới mức trung bình 10%, kể cả đối với các doanh nghiệp ngoài lĩnh vực năng lượng.

Theo công ty thẩm định tài chính S&P, trong tháng Giêng 2016, riêng tại châu Âu chỉ có 900 triệu euro trái phiếu mạo hiểm lãi suất cao được ấn hành, trong khi đó, con số này là 7 tỷ cùng kỳ năm ngoái.

Khủng hoảng nông nghiệp Pháp : Nông dân biểu tình liên tục

Về thời sự nước Pháp, bên cạnh chủ đề vận động thông qua luật tước quốc tịch và các quyền công dân đối với những tội liên quan đến khủng bố, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực nông nghiệp là một vấn đề chính. Đây là chủ đề chính trên trang nhất Le Figaro : « Nỗi giận của giới nông nghiệp đặt tổng thống Hollande dưới áp lực ». Giới làm nông Pháp, đặc biệt là giới chăn nuôi, tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình và ngày hành động để phản đối giá cả nông phẩm sụt giảm quá mạnh.

Cuộc khủng hoảng diễn ra chỉ ít tuần trước Triển Lãm Nông Nghiệp Paris, một sự kiện quan trọng của nông nghiệp Pháp. Le Figaro có bài giải thích 8 chìa khóa chính để hiểu cuộc khủng hoảng được đánh giá là « chưa từng có » này, như tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giảm mạnh, trong khi hàng nhập khẩu giá rẻ tràn ngập thị trường… Chính phủ Pháp đang chuẩn bị một loạt các biện pháp trợ giúp tài chính để trấn an nông dân.

Bài xã luận của Le Monde « Chăn nuôi, tai ách của nước Pháp », phân tích các nguồn gốc quốc tế và châu Âu của khủng hoảng, nhưng cũng nhấn mạnh đến sự chậm trễ của Pháp trong việc chuyển hướng ngành chăn nuôi. Theo Le Monde, giới làm nông nghiệp Pháp vẫn quá lưu luyến với mô hình cũ, « mang tính gia đình và có quy mô trung bình », nên không dứt khoát chọn lựa đi theo một trong hai hướng : sản xuất hàng đại trà hay đẩy mạnh hàng chất lượng cao. Theo Le Monde, người làm chăn nuôi phải đoàn kết lại, giống như trong các ngành nông nghiệp khác, để bảo vệ quyền lợi của mình, trước các tập đoàn kinh doanh sản phẩm chăn nuôi lớn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.