Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - TRUNG QUỐC

Bắc Kinh xác nhận bắt giữ nhân viên nhà sách Hồng Kông

Cảnh sát Trung Quốc lần đầu tiên lên tiếng xác nhận bắt giữ 3 nhân viên nhà sách Hồng Kông, bị coi là « mất tích ». Theo Tổ chức Ân Xá Quốc Tế Amnesty International, lời thừa nhận cho thấyTrung Quốc « hoàn toàn coi khinh » luật pháp. 

Một nghệ sĩ trên đường phố Hồng Kông trình diễn màn tự trói, để phản đối Bắc Kinh bắt cóc các nhân viên nhà sách, 10/01/2016.
Một nghệ sĩ trên đường phố Hồng Kông trình diễn màn tự trói, để phản đối Bắc Kinh bắt cóc các nhân viên nhà sách, 10/01/2016. REUTERS/Tyrone Siu
Quảng cáo

Trong một lá thư gởi cho cảnh sát Hồng Kông, được công bố vào chiều tối qua 04/02/2016, cảnh sát tỉnh Quảng Đông khẳng định đã bắt giữ ba nhân viên nhà sách Hồng Kông. Cả ba người này « bị tình nghi có can dự vào một vụ án liên quan đến một người họ Gui nào đó » và cả ba người này cũng có « dính líu đến những hoạt động phi pháp tại Hoa Lục ».

Bức thư của cảnh sát Trung Quốc còn được gởi kèm chung với một thư viết tay của ông chủ hiệu nhà sách Lý Ba. Đây cũng là trường hợp mất tích thứ năm và là trường hợp mất tích gây sốc nhất đối với dân Hồng Kông, do vụ việc xảy ra ngay tại đặc khu hành chính. Trên nguyên tắc, cảnh sát Trung Quốc không có quyền tiến hành các vụ bắt bớ tại đây.

Trong thư viết tay, ông Lý Ba nói: « cảnh sát Trung Quốc cho ông biết là cảnh sát Hồng Kông đang mở điều tra về vụ mất tích của ông và mong muốn được gặp ông. Tuy nhiên, ông Lý ghi là hiện tại chưa có nhu cầu gặp cảnh sát Hồng Kông và sẽ liên lạc với họ khi cần ». Thông cáo của cảnh sát Hồng Kông cho biết là vợ ông Lý Ba xác nhận chữ viết chồng mình.

Theo AFP, các chi tiết đưa ra trong thông cáo của cảnh sát đang làm dấy lên nhiều mối lo cho rằng Bắc Kinh ngày càng tăng cường   kiểm soát lên vùng cựu thuộc địa Anh Quốc này. Còn theo Tổ chức Ân Xá Quốc tế Amnesty International, thông báo trên cho thấy rõ « thái độ hoàn toàn coi khinh thể thức tố tụng thông thường và nguyên tắc thượng tôn pháp luật » của chính quyền Bắc Kinh.

Ba người bị bắt đang làm việc cho Mighty Current, một nhà xuất bản Hồng Kông, nổi tiếng với việc phát hành các tác phẩm chỉ trích chế độ Trung Quốc. Cả ba người trên đã bị mất tích vào tháng 10/2015 ở miền nam Trung Quốc.

Người thứ tư là ông Quế Dân Hải (Gui Minhai), mang quốc tịch Thụy Điển, thì bị mất tích tại Thái Lan. Là đồng chủ hiệu nhà sách Mighty Current, ông Quế Dân Hải gần đây đã xuất hiện trên truyền hình thú nhận đến Trung Quốc để làm tròn « trách nhiệm pháp luật », 11 năm sau khi bị kết án trong một vụ tai nạn giao thông.

Người dân Hồng Kông nghi ngờ các vụ mất tích này có liên quan đến việc nhà xuất bản đang chuẩn bị ra một quyển sách nói về đời sống tình cảm của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.