Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

Bắc Triều Tiên lại chuẩn bị thử tên lửa đạn đạo

Ba tuần lễ sau khi thông báo thử nghiệm thành công quả bom H đầu tiên trong lịch sử, Bắc Triều Tiên dường như lại chuẩn bị bắn thử tên lửa đạn đạo. Nếu như tin trên được kiểm chứng, Bình Nhưỡng ngày càng đi xa hơn trong thái độ khiêu khích cộng đồng quốc tế, và càng trở thành một mối đe dọa của thế giới.

Ảnh vệ tinh ngày 26/01/2016 chụp Trạm phóng vệ tinh Sohae của Bắc Triều Tiên.
Ảnh vệ tinh ngày 26/01/2016 chụp Trạm phóng vệ tinh Sohae của Bắc Triều Tiên. REUTERS/Airbus Defense & Space and 38 North/Handout via Reuters
Quảng cáo

Hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo ngày 29/01/2016, trích dẫn một nguồn tin từ phía chính quyền Tokyo, cho biết Bắc Triều Tiên dường như đang chuẩn bị thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa trong 1 hay 2 tuần lễ sắp tới. Địa điểm thử nghiệm được chọn là cơ sở Dongchan-Ri ở phía tây Bắc Triều Tiên.

Hai quan chức thuộc bộ Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định là Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị phóng « vệ tinh hay một vật thể bay lên không gian ». Tuy nhiên, nguồn tin trên thận trọng cho rằng trước mắt chưa có bằng chứng đây sẽ là một vụ thử nghiệm tên lửa. Dù vậy, lo ngại của Hoa Kỳ liên quan tới thời điểm Bắc Triều Tiên có thể thử nghiệm tên lửa và câu hỏi đặt ra là liệu rằng Bình Nhưỡng có thử nghiệm loại tên lửa xuyên lục địa hay không.

Về phía Seoul, bộ Quốc phòng chưa lên tiếng về các thông tin nói trên. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thì không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng « bất ngờ khiêu khích ».

Trong quá khứ Bắc Triều Tiên đã nhiều lần thử nghiệm tên lửa tầm xa. Vào tháng 12/2012 Bình Nhưỡng phóng vệ tinh Unha-3 lên quỹ đạo và cho dù Bắc Triều Tiên mạnh mẽ khẳng định về mục tiêu khoa học và dân sự của đợt thử nghiệm này, các nhà quan sát phương Tây, mà đứng đầu là Mỹ, đều coi đó là một cuộc thử nghiệm tên lửa trá hình. Hậu quả kèm theo là cộng đồng quốc tế đã siết chặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào chế độ Kim Jong Un.

Từ đầu năm 2013, Bắc Triều Tiên đã hoàn tất việc nâng cấp cơ sở khu thử nghiệm Dongchan-Ri, còn được biết dưới tên gọi là khu vực Sohae. Do vậy các nhà quan sát chờ đợi Bắc Triều Tiên sẽ tiến hành nhiều vụ thử vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng đang nỗ lực nghiên cứu công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để trang bị cho tên lửa.

Tháng 5/2015, chế độ Kim Jong Un tung video bắn thử thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm. Nhưng gần đây, báo chí Hàn Quốc phân tích đoạn băng hình đó và đưa ra kết luận là đoạn băng này đã được cắt ghép từ các cảnh Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa hồi tháng 12/2012 trên biển Nhật Bản, cộng với một số hình ảnh khác, trích từ vụ thử tên lửa Scud hồi năm 2014.

Tóm lại, theo các nhà quan sát phương Tây, Bắc Triều Tiên còn cần thêm nhiều thời gian để thực sự hoàn thiện về công nghệ chế tạo vũ khí nguyên tử. Điều đó không cấm cản Bình Nhưỡng đe dọa sản xuất tên lửa bắn trúng tới lãnh thổ của Hoa Kỳ.

Dẫu sao, giới phân tích cũng cho rằng, Bắc Triều Tiên ngày càng tự tin hơn trong lĩnh vực hạt nhân. Theo thẩm định của Viện nghiên cứu Mỹ Hàn trực thuộc đại học Johns Hopkins, cơ sở ở Dongchan-Ri đã được nâng cấp hồi năm 2013 để có thể phóng tên thử tên lửa dài đến 50 mét. Những hình ảnh vệ tinh thu thập được cho thấy Bắc Triều Tiên còn đang trong giai đoạn chuẩn bị. Không ai biết thời gian chuẩn bị của Bình Nhưỡng là bao lâu. Dù vậy, một số các nhà quan sát khác được hãng thông tấn Pháp AFP trích dẫn cho rằng, Bắc Triều Tiên đã báo động cho các tàu thuyền ở ngoài khơi, và đây là một thủ tục thông thường, trước khi Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa tầm xa.

Báo chí Tokyo trích lời bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, theo đó chính phủ Nhật đã ra lệnh cho lực lượng phòng vệ bắn hạ tất cả các loại tên lửa bay ngang qua không phận Nhật Bản và có thể đe dọa an ninh quốc gia. Đây là quyết định từng được chính quyền Tokyo ban hành hồi năm 2012 trong trường hợp tương tự. Về mặt ngoại giao, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, hôm nay đã có một cuộc điện đàm với đồng nhiệm Mỹ, John Kerry. Và ông không che giấu : Tokyo không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng tiếp tục khiêu khích cộng đồng quốc tế.

Cách nay hai ngày tại Bắc Kinh, ngoại trưởng Kerry đã tìm cách thuyết phục Trung Quốc cứng rắn với Bắc Triều Tiên bởi vì các hành vi khiêu khích của Bình Nhưỡng là « một mối đe dọa » đối với thế giới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.