Vào nội dung chính
MỸ - ĐÀI LOAN - BIỂN ĐÔNG

Mỹ phản đối tổng thống Đài Loan ra thăm đảo Ba Bình

Hôm nay, 27/01/2016, Mỹ lên tiếng chỉ trích nghiêm khắc việc tổng thống mãn nhiệm Đài Loan, Mã Anh Cửu quyết định tới thăm đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa, ở Biển Đông.

Đảo Ba Bình (Thái Bình - theo cách gọi của Đài Loan), quần đảo Trường Sa, Biển Đông
Đảo Ba Bình (Thái Bình - theo cách gọi của Đài Loan), quần đảo Trường Sa, Biển Đông (unc.edu)
Quảng cáo

Ba Bình là hòn đảo nằm trong quần đảo Trường Sa, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines , Malaysia và Brunei, nhưng hiện do Đài Loan chiếm giữ và đặt tên là đảo Thái Bình.

Ngay sau khi Đài Bắc thông báo tổng thống Mã Anh Cửu ngày mai ( 28/01/2016) sẽ tới thăm hòn đảo này, hôm nay phát ngôn viên của cơ quan đại diện Mỹ tại Đài Loan, bà Sonia Urborn đã tuyên bố: “Chúng tôi thất vọng việc tổng thống Mã Anh Cửu dự định đến đảo Thái Bình…. Một quyết định như vậy vô cùng tai hại và không góp phần giải quyết hòa bình các bất đồng tại Biển Đông”.

Trước đó, để giải thích cho chuyến đi đầu tiên của ông Mã tới thăm hòn đảo này, phát ngôn viên phủ tổng thống Đài Loan khẳng định : “ Đảo thái Bình là một phần của lãnh thổ Cộng Hòa Trung Hoa - Đài Loan” và rằng đây là chuyến thăm mang tính chất cá nhân trước dịp Tết nguyên đán.

Sau thất bại ở cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan hôm 16 tháng Giêng vừa qua, tổng thống mãn nhiệm Mã Anh Cửu thuộc Quốc Dân Đảng sẽ phải chuyển giao quyền lực cho tổng thống tân cử Thái Anh Văn của đảng Dân Tiến vào tháng 5 tới đây. Năm 2008, tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển của đảng Dân Tiến trước khi mãn nhiệm cũng đã tới thăm hòn đảo này.

Để khẳng định chủ quyền, Đài Loan luôn tìm cách đẩy mạnh sự hiện hữu trên đảo Thái Bình (Ba Bình). Năm ngoái Đài Bắc đã cho xây dựng một đường băng máy bay và một con đê chắn sóng lớn trên đảo.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đòi hỏi chủ quyền hầu hết khu vực Biển Đông đã cho xây dựng, bồi đắp hàng loạt các đảo nhân tạo trong các khu vực đang có tranh chấp chủ quyền với các nước xung quanh. Việc làm này đã không khỏi gây lo ngại cho các nước trong cũng như ngoài khu vực Biển Đông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.