Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - ĐÀI LOAN

Trung Quốc đã mất Đài Loan ?

Liên quan đến thời sự châu Á, nhật báo Le Figaro trở lại cuộc bầu cử tổng thống hôm 16/01/2016 tại Đài Loan đem lại thắng lợi cho bà Thái Anh Văn thuộc đảng Dân Tiến, đảng chủ trương đòi độc lập cho Đài Loan. Sự kiện này đang đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến mối quan hệ giữa Đại lục và hòn đảo Đài Loan, vốn đang xích lại gần nhau dưới thời tổng thống mãn nhiệm Mã Anh Cửu thuộc Quốc Dân Đảng. Bài viết của đặc phái viên của báo tại Đài Loan đặt câu hỏi lớn : « Trung Quốc đã mất Đài Loan ? » Trả lời cho câu hỏi lớn, Le Figaro đi vào lý giải từng câu hỏi nhỏ.

Người dân Đài Loan vui mừng trước thắng lợi của bà Thái Anh Văn, trong cuộc bầu cử 16/01/2016.
Người dân Đài Loan vui mừng trước thắng lợi của bà Thái Anh Văn, trong cuộc bầu cử 16/01/2016. REUTERS/Olivia Harris
Quảng cáo

Việc chính đảng ủng hộ độc lập lên nắm quyền mang lại thay đổi gì cho hòn đảo ?

Sau thất bại lần đầu ra ứng cử tổng thống (2012), cũng chỉ vì tỏ rõ lập trường đòi Đài Loan độc lập, lần này bà Thái Anh Văn tỏ ra thực dụng hơn. Bà ý thức được sự phồn thịnh của hòn đảo một phần có liên quan đến quan hệ kinh tế với đại lục, cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới. Nhưng bà chủ trương đa dạng hóa hơn quan hệ thương mại với các nước khác.

Cái khó, theo tác giả, là đa số các cường quốc kinh tế đều muốn giữ chừng mực trong quan hệ với Đài Loan để khỏi làm phật lòng Bắc Kinh. Để không làm căng thẳng quan hệ với Bắc Kinh, tổng thống tân cử duy trì « giữ nguyên hiện trạng ». Lập trường này sẽ xung đột với phe cứng rắn trong đảng Dân Tiến muốn giữ cho Đài loan « một hệ thống dân chủ, nhân quyền » hiện có. Le Figaro dẫn lời cựu bộ trưởng Ngoại giao trong chính quyền của đảng Dân Tiến (2000-2008) Trần Đường Sơn (Mark Chen) nhận định : « Bà Thái sẽ phải chứng tỏ sự can đảm, khéo léo không để mếch lòng Bắc Kinh ».

Thách thức nào cho Bắc Kinh?

Theo tác giả bài viết, Bắc Kinh giữ thái độ kiềm chế sau cuộc bầu cử và chỉ nhắc lại thỏa thuận 1992 giữa Bắc Kinh và Đài Bắc về nguyên tắc « chỉ có một nước Trung Quốc duy nhất », cho dù mỗi bên vẫn diễn giải khái niệm này theo cách riêng. Tổng thống tân cử cho thấy bà vẫn tôn trọng « tinh thần của thỏa thuận 92 ».

Tuy vậy, không có gì bảo đảm như thế đã đủ cho Tập Cận Bình. Trong bối cảnh của Đài Loan với nền kinh tế đang bấp bênh, quan hệ với các láng giềng trong khu vực cũng co hẹp lại, có thể ông Tập sẽ gây được sức ép với bà Thái bằng công cụ hợp tác kinh tế.

Giới trẻ Đài Loan có cảm thấy mình còn là người Trung Quốc ?

Theo tác giả, « đến giờ thì giới trẻ Đài Loan không bị hấp dẫn bởi viễn cảnh công ăn việc làm do Hoa lục mang đến ». Họ vẫn gắn bó với các giá trị tự do, dân chủ ở Đài loan. Nhà nghiên cứu Du Chấn Hoa ( Yu Chen Hua), thuộc Đại học chính trị Đài Bắc nhận xét : « Giới trẻ rất gắn bó với bản sắc Đài Loan và họ ngày càng ít cảm nhận mình là người Trung Quốc ».

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu họ Du nói thêm : « như vậy không có nghĩa là họ tự động tuyên bố độc lập, bởi họ biết Bắc Kinh sẽ rất quyết liệt nếu Đài Loan tiến thêm một bước theo hướng đó ». Bài báo dẫn ra số liệu : 60% người dân trên đảo cảm thấy mình chỉ là người Đài Loan và chỉ có 3,5% tự coi mình như người Trung Quốc. Năm 1992 , chỉ có 18% khẳng định bản sức riêng và 26% cảm thấy liên quan đến Hoa lục.

Tình hình Hồng Kông có ảnh hưởng đối với Đài Loan ?

Le Figaro khẳng định là thái độ của Bắc Kinh đối với Hồng Kông tất nhiên gây sự ngờ vực ở Đài loan. Đơn giản nếu một ngày nào đó Đài Loan bị sáp nhập về Trung Quốc thì chắc sẽ lại theo mô hình « một đất nước hai chế độ » như đang hiện hành ở Hồng Kông. Người Đài Loan giờ đây có thể quan sát thấy các quyền tự do của người Hồng Kông đang bị thu hẹp thế nào dưới bàn tay của Bắc Kinh.

Hoa Lục có thể dùng vũ lực lấy lại đảo Đài Loan ?

Đây là điều Bắc Kinh không hề loại trừ. Ngay sau kỳ bầu cử vừa qua, Trung Quốc đã có động thái quân sự ngay bằng cách tổ chức tập trận trên quy mô lớn ở Hạ Môn ngay sát nách với hòn đảo. Kịch bản dùng vũ lực khó có thể xảy ra, nhưng người Đài Loan vẫn không thể yên tâm được.

Alexis Tsipras : một năm sau, Hy Lạp vẫn không hơn gì

Trên đây là tựa trang nhất báo Le Figaro. Tờ báo ghi nhận, « lên nắm quyền cách đây một năm, ông Alexis Tsipras đã không giữ được lời hứa. Kết quả là nỗi bất bình gia tăng trong cả nước, thu nhập quốc dân tiếp tục giảm 7 điểm, nhiều cải cách không thực hiện được. Thủ tướng cánh tả vẫn không thể đoạn tuyệt được với cách làm của những người tiền nhiệm ». Thêm vào đó là việc Hy Lạp, tuyến đầu của không gian Schengen, vẫn không kiểm soát được biên giới, khiến một số nước trong Liên Hiệp Châu Âu dự định tạm thời loại Athène ra khỏi không gian tự do đi lại của Liên Hiệp.

Trong khi đó trang nhất báo La Croix đặt câu hỏi: « Ra đi hay ở lại ? ». Cùng nhận định như Le Figaro, nhật báo Công giáo viết : « Từ một năm nay, thủ tướng Alexis Tsipras của đảng cánh tả Syriza, đã không xóa được vòng xoáy khủng hoảng. Thế hệ trẻ, đặc biệt những người có bằng cấp và chiếm hơn 50% số người thất nghiệp, buộc phải ồ ạt rời bỏ đất nước ».

Phóng viên của La Croix tới thành phố cảng Patras, thành phố lớn thứ 3 của cả nước và ghi nhận : « Năm ngoái, 1200 doanh nghiệp buôn bán của thành phố có 260 nghìn dân này đã phải đóng cửa. Các cửa hàng bán xe hơi cho đến các hiệu giầy dép, quần áo đều dần dần biến mất. Các cửa hàng duy nhất mới mở đó là các quán cà phê hoặc buôn bán nhỏ ». Hầu hết các gia đình ở đây đều tìm cách bỏ ra nước ngoài sinh sống. Một người dân ở đây cho biết họ đang sống lại thời kỳ sau chiến tranh và tự hỏi : làm sao đất nước có thể tự vực dậy khi tất cả người trẻ đều đã ra đi.

Nhật báo Cộng sản L’Humanité cũng thừa nhận : « Dịp kỷ niệm này không phải là ngày hội được hy vọng ». Còn Libération cũng khẳng định « sau 1 năm của Tsipras, Hy Lạp đang trong ngõ cụt […] ngọn gió bất bình lại bất ngờ nổi lên tuần qua làm dấy lên làn sóng phản kháng chưa từng có với chính phủ »

Ai Cập : Kỷ niệm 5 năm cuộc nổi dậy trong sợ hãi

Hôm nay là ngày đánh dấu 5 năm nổ ra cuộc « cách mạng » đường phố của Ai Cập . Le Figaro nhận thấy : « Tại Ai Cập, « cuộc cách mạng » 2011 chỉ còn là ký ức ».

Tờ báo cho hay, dưới sự kiểm soát an ninh, thủ đô Cairo không kỷ niệm 5 năm cuộc nổi dậy của dân chúng tại quảng trường Tahir lật đổ chế đô độc tài Hosni Mubarak. Kỷ niệm 5 năm cuộc cách mạng đã được làm trước từ nhiều tuần, được chính quyền chuẩn bị kỹ lưỡng bằng một chiến dịch lục soát khắp các khu dân cư trong thủ đô. Hơn 5000 căn hộ đã bị khám, theo một quan chức bộ Nội vụ. An ninh bắt giữ người bí mật, không thông báo cho luật sư hay gia đình đối tượng. Các chủ trang Facebook kêu gọi biểu tình cũng như nhiều nhà hoạt động đã bị bắt.

Ông Mohammed Lotfy, giám đốc Ủy ban quyền và tự do của Ai Cập được Le Figaro trích dẫn, nhận định : « Chế độ nhận thấy ngày 25 tháng Giêng như là ngày tượng trưng cho thất bại của họ. Moubarak còn để một chút thoáng. Chính quyền mới bịt miệng mọi tiếng nói chỉ trích không để cho bùng phát. Với người dân Ai Cập, ngày này đã đi vào huyền thoại, tượng trưng cho một nước Ai Cập mới. Huyền thoại đang bị chế đội mới làm xấu đi , thậm chí phá hủy ».

Iran : bầu trời rộng mở cho phương Tây

Bầu trời Iran đang mở ra cho Airbus, Boeing và các nhà chế tạo máy bay khác. Đó là nhận định của tờ báo kinh tế Les Echos. Theo tờ báo trong chuyến thăm Paris vào thứ Tư tuần này, tổng thống Hassan Rohani sẽ thông báo mua 114 chiếc máy bay Airbus. Thông tin trên đã được bộ trưởng Giao thông Iran khẳng định. Như vậy là chỉ vài ngày sau khi lệnh cấm vận thương mại với Teheran được chính thức dỡ bỏ, Iran đã mở rộng bầu trời cho các hãng máy bay lớn của thế giới.

Hiện tại Iran đang có nhu cầu được thẩm định là khoảng 500 máy bay mới. Đây là một thị trường lớn mà không có hàng chế tạo máy bay nào có thể thờ ơ được. Các nhà công nghiệp của phương Tây cũng bắt đầu lao vào cuộc cạnh tranh khốc liệt trong thị trường đầy tiềm năng này. Trang kinh tế của le Figaro nhận định.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.