Vào nội dung chính
HOA KỲ - TRUNG QUỐC

Trung Đông : Hoa Kỳ sợ Trung Quốc qua mặt

Hoa Kỳ thật sự lo lắng về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở vùng Trung Đông. Ông Dennis Etler, nhà phân tích chính trị của Mỹ, nhận định như trên khi trả lời phỏng vấn Press TV hôm Chủ nhật 24/01/2016.  

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tại đại sứ quán Mỹ ở Viêng Chăng, Lào, ngày 25/01/2016.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tại đại sứ quán Mỹ ở Viêng Chăng, Lào, ngày 25/01/2016. REUTERS/Jacquelyn Martin
Quảng cáo

Về Trung Đông, ông Etler cho là Hoa Kỳ đang lo ngại trước việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng lên khu vực này. Ông nhận thấy là « trước chuyến đi đến châu Á, ông Kerry đã có chuyến thăm vội vã đến Riyad, Ả Rập xê Út, dường như để củng cố mối quan hệ Mỹ-Xê Út trong bối cảnh chuyến công du Trung Đông thành công của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ».

Điều này cho thấy rõ là « Washington đang sợ mất dần ảnh hưởng tại Trung Đông sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình ở Ả Rập Xê Út, Ai Cập và Iran. Trung Quốc có cả sự tín nhiệm và hầu bao rộng rãi, trong khi Hoa Kỳ không có gì hết », ông Etler nhận xét.

Trong bối cảnh đó, « Mỹ đang tìm cách quay trở lại bằng cách tấn công vào sân sau của Trung Quốc. Bằng mọi giá, Hoa Kỳ phải cố gắng duy trì sự thống trị toàn cầu đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc với một cách tiếp cận mới trong quan hệ quốc tế ». Ông Elter không kiệm lời chỉ trích cho rằng « Washington khuyến khích chính sách thắt lưng buộc bụng, chiến tranh, bất ổn và phá hủy bất cứ nơi nào họ hiện diện ».

Khi được hỏi về chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Đông Á, với kế hoạch gây áp lực lên Trung Quốc nhằm kiềm chế Bắc Triều Tiên và kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á để đáp trả các yêu sách của Trung Quốc trong vùng Biển Đông, ông Dennis Etler đưa ra những chỉ trích khá gay gắt :

« Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang bắt tay làm công việc của một kẻ ngốc khi một mặt đến cố thuyết phục Trung Quốc ủng hộ các chính sách Mỹ trong việc áp đặt một lệnh trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên sau vụ thử bom hạt nhân gần đây. Mặt khác, đồng thời cố gắng thuyết phục các nước Đông Nam Á « đứng lên » chống Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông ».

Theo ông, « Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ làm việc vì lợi ích của an ninh riêng của mình cả trên bán đảo Triều Tiên và Biển Đông, chứ không để cho thái độ hai mặt của Hoa Kỳ lừa mình ».

Ông Elter lưu ý, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, đã từng tuyên bố « Trung Quốc hỗ trợ giải quyết các « mối bận tâm hợp lý » của tất cả các bên liên quan, bao gồm Bắc Triều Tiên, và việc đạt được hòa bình lâu dài thông qua các cuộc đàm phán cuộc đàm phán sáu bên. Bà Hoa Xuân Oánh cũng có nói rằng nguồn gốc của vấn đề hạt nhân không liên can gì đến Trung Quốc và chiếc chìa khóa để giải quyết vấn đề này cũng không nằm trong tay Trung Quốc ».

Theo quan điểm của ông, « Trung Quốc lo rằng các chính sách hạt nhân của CHDCND Triều Tiên trong dài hạn sẽ có hại cho lợi ích của chính bản thân nước này và cho cả Trung Quốc. Bắc Kinh cũng tỏ ra đồng cảm cho hoàn cảnh của Bình Nhưỡng đang phải đối mặt với một chính sách không khoan nhượng của Hoa Kỳ, trong việc gây bất ổn các quốc gia, một chính sách đang bị phản đối trên khắp thế giới ».

Ngày 06/01/2016, Bình Nhưỡng loan báo tiến hành thử nghiệm thành công một quả bom khinh khí, vài giờ sau khi các nhà địa chấn học phát hiện một trận động đất nhân tạo gần nơi diễn ra vụ của nước này ở phía đông bắc của Bắc Triều Tiên.

Bình Nhưỡng cáo buộc Hoa Kỳ âm mưu với các đồng minh trong khu vực để lật đổ chính phủ nước này. Bắc Triều Tiên tuyên bố sẽ không từ chương trình hạt nhân của mình trừ khi Mỹ kết thúc chính sách thù địch đối với nước này và giải thể lực lượng Liên Hiệp Quốc đóng tại Hàn Quốc.

Trong một phát biểu khác, ông Etler cũng đề cập đến các tranh chấp trên Biển Đông, cho rằng « Trung Quốc đã khẳng định chủ quyền của mình trên cả hai quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) cũng như là các vùng biển riêng của mình »

Tuy nhiên, Hoa Kỳ để phản ứng, đã cố gắng hình thành một liên minh các nước Đông Nam Á chống Trung Quốc, những quốc gia cũng có những đòi hỏi chủ quyền chồng lấn tại khu vực có tranh chấp này. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, tại đây các bên liên can như Đài Loan, Brunei, Việt Nam, Malaysia và Philippines cũng có đòi hỏi một phần chủ quyền. Vùng biển này được cho giàu trữ lượng dầu và khí đốt.

Chuyến thăm của ông Kerry đến Đông Á kéo dài trong ba ngày bắt đầu từ Lào, nơi ông sẽ tham dự cuộc họp với 10 nước thành viên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2016. Etler lưu ý nỗ lực hình thành liên minh chống Trung Quốc tại Biển Đông của Hoa Kỳ sẽ khó mà thực hiện vì « hầu hết các quốc gia ASEAN đều có quan hệ kinh tế, văn hóa và chính trị chặt chẽ với Trung Quốc và sẽ không sẵn sàng buông xuôi chỉ để làm hài lòng những lợi ích bá quyền của Washington ».

Cuối cùng, « Nếu Mỹ thực sự muốn giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên và Biển Đông, tốt hơn hết nên ký kết một hiệp ước không tương xâm với Trung Quốc, một hiệp ước hòa bình với CHDCND Triều Tiên, ngừng cung cấp vũ khí cho Đài Loan, ngừng gây bất ổn cho Trung Quốc bằng cách xúi giục cuộc cách mạng màu ở Hồng Kông, Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương, ngừng can thiệp vào Biển Đông và Hoa Đông, rút lực lượng quân đội từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Okinawa, và hãy để cho Trung Quốc phát triển chính sách nội bộ riêng của mình mà không cần sự can thiệp bên ngoài ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.