Vào nội dung chính
CHÂU Á - KINH TẾ

Iran-Trung Quốc hướng tới « đối tác chiến lược »

Ngày 23/01/2016 chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc vòng công du Trung Đông 5 ngày.  Iran là chặng cuối cùng. Teheran và Bắc Kinh tăng cường hợp tác « chiến lược ».

Tổng thống Iran Hassan Rohani (trái) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Teheran, 23/01/2016.
Tổng thống Iran Hassan Rohani (trái) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Teheran, 23/01/2016. REUTERS
Quảng cáo

Họp báo chung tại thủ đô Iran, tổng thống Hassan Rohani và chủ tịch Tập Cận Bình thông báo tăng cường hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực, mở rộng quan hệ cho 25 năm sắp tới, từ giao thông vận tải cho tới năng lượng, hạt nhân, công nghiệp… Bắc Kinh và Teheran đề ra mục tiêu nâng tổng trao đổi mậu dịch hai chiều trong 10 năm sắp tới lên đến 600 tỷ đô la thay vì 52 tỷ như hiện nay.

Cho đến giờ Trung Quốc là khách hàng mua dầu hỏa quan trọng nhất của Iran. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp báo đã nhấn mạnh : Trung Quốc và Iran quyết tâm cùng hướng tới một mối « đối tác chiến lược ». Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei khi tiếp chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc lại : Teheran không bao giờ quên vai trò của Bắc Kinh đã ủng hộ Iran trong những năm tháng mà quốc gia này bị thế giới cô lập.

Iran là chặng cuối cùng trong chuyến công du Trung Đông của ông Tập Cận Bình, mà mục tiêu chính là nhằm củng cố vai trò của Trung Quốc tại khu vực, đặc biệt là về mặt kinh tế, nhưng đồng thời Bắc Kinh dứt khoát đứng ngoài các cuộc xung đột trong vùng.

Thông tín viên đài RFI từ Thượng Hải, Delphine Sureau tổng kết chuyến công du Trung Đông của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình :

« Trung Quốc đã lợi dụng thời điểm mà giá dầu hỏa đang rơi xuống mức cực thấp để củng cố vai trò và ảnh hưởng của mình đối với các nước ở Trung Đông. Tại mỗi chặng dừng, ông Tập Cận Bình đều đã tìm cách thuyết phục các đối tác về dự án Con đường tơ lụa thế kỷ 21. Đây sẽ là một không gian kinh tế nối liền hai châu lục, Á và Âu xuyên qua Trung Đông. Bắc Kinh quan niệm hợp tác và trao đổi mậu dịch là nền tảng cho phép duy trì ổn định trong vùng.

Tại Ai Cập, lãnh đạo Trung Quốc đã hứa viện trợ và cấp tín dụng 55 tỷ đô la cho Liên đoàn Ả Rập. Đồng thời Bắc Kinh tuyên bố ủng hộ tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi. Trước đó, tại Ả Rập Xê Út, trọng tâm của ông Tập là dầu hỏa. Từ nay đến cuối năm, Bắc Kinh sẽ ký hiệp định về tự do mậu dịch với các nước trong vùng Vịnh.
Chặng cuối cùng vòng công du Trung Đông của ông Tập Cận Bình là Iran. Trong thời kỳ mà Teheran bị thế giới cô lập, Bắc Kinh đã không quay lưng lại với Iran. Một khi Teheran được hội nhập trở lại trên bàn cờ quốc tế, Trung Quốc chờ đợi gặt hái những thành quả đã gieo mầm từ lâu nay và quyết định nhân lên gấp 10 lần các khoản đầu tư và giao thương với quốc gia này.

Trung Quốc đã rất thận trọng không nghiêng về phía Iran hay Ả Rập Xê Út, hai cường quốc thù nghịch trong khu vực. Teheran và Riyad vừa cắt đứt bang giao. Bắc Kinh luôn trung thành với nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác ».
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.