Vào nội dung chính

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm tác hại đến thế giới

Các nước đang vươn lên bị điêu đứng vì giá nguyên liệu sụp đổ, thương mại toàn cầu bị khuấy động, nguy cơ giảm phát đang nổi lên : Đây là những hệ quả đáng sợ có thể xẩy ra nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục chiều hướng phát triển chậm lại như hiện nay.  

"Công xưởng thế giới" đang sa sút. Ảnh: Một dây chuyền đóng giày tại tỉnh Chiết Giang ( chụp ngày 24/01/2013).
"Công xưởng thế giới" đang sa sút. Ảnh: Một dây chuyền đóng giày tại tỉnh Chiết Giang ( chụp ngày 24/01/2013). REUTERS/Lang Lang/Files
Quảng cáo

Chính Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế ngày 9/01/2016, đã nêu bật kịch bản xấu kể trên. Ngay sau khi công bố số liệu tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2015 – chỉ đạt 6,9%, tỷ lệ thấp nhất từ 25 năm nay - FMI đã tỏ ý quan ngại về các « tác động » của sự kiện nền kinh tế Trung Quốc bị « hụt hơi » trên các nước khác, đặc biệt trong lãnh vực trao đổi thương mại và việc làm cho giá cả sản phẩm thiết yếu bị tuột giảm trên thị trường quốc tế.

Theo ghi nhận của giới phân tích, đứng đầu danh sách nạn nhân của vụ tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại là các quốc gia « đang vươn lên », sống nhờ xuất khẩu nguyên liệu.

Trả lời hãng tin Pháp AFP, bà Christine Rifflart, tác giả một nghiên cứu mới đây của OFCE mang tựa đề « Các nước mới nổi : Ngày tàn của một ảo tưởng to lớn » : « Các quốc gia sản xuất nguyên liệu đã bắt đầu phải trả giá đắt » cho tình trạng giá hàng trên thế giới sụt giảm vì nhu cầu của Trung Quốc bị hạ thấp.

Đối với chuyên gia này, hệ quả của tình hình kinh tế Trung Quốc xấu đi cũng rất đáng sợ : « Việc Trung Quốc tăng trưởng chậm hẳn lại, kéo theo những tác hại phụ được thấy qua tình trạng suy thoái rõ rệt tại các quốc gia chuyên xuất khẩu nguyên liệu thô ». Theo bà Rifflart, lý do là vì các nước này phải đối phó với núi nợ chồng chất, tích tụ từ thời họ tăng trưởng khả quan và được cho vay một cách dễ dàng.

Ông Jean-Michel Six, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế phụ trách châu Âu, Trung Đông và châu Phi thuộc hãng thẩm định tài chính Standard and Poor cũng cùng một mối lo ngại. Theo chuyên gia này, "bản thân việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại không đáng lo bằng tình hình các nước mới nổi khác, và nhất là các quốc gia sản xuất nguyên liệu ».

Bà Rifflart cũng thừa nhận là các nước đó sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm tài trợ để thúc đẩy tăng trưởng trở lại, đặc biệt là khi Hoa Kỳ đã bắt đầu xiết chặt chính sách tiền tệ. Đối với chuyên gia kinh tế của tổ chức OFCE, tình hình khá bi quan : « Đà khựng lại của nền kinh tế Trung Quốc xẩy ra đúng vào lúc mà tình trạng của các nước đang vươn lên đã bị xấu đi đáng kể ». Theo bà Riflart, với việc tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đi xuống và các nước đang vươn lên bị suy thoái đe dọa, nền thương mại thế giới chắc chắn bị vạ lây theo kiểu hiệu ứng domino.

Không chỉ có các nước đang vươn lên, mà nhiều quốc gia phát triển có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc cũng sẽ phải gánh hệ quả. Ví dụ rõ nhất là trường hợp nước Đức tại châu Âu, vì thị trường Trung Quốc chiếm 7% xuất khẩu của Berlin.

Ngoài ra, để đối phó với sự sụt giảm của nhu cầu trong nước, ngành công nghiệp Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc bán hàng thặng dư của mình ra thị trường thế giới, với giá cực rẻ nhờ vào việc đồng yuan bị sụt giá mạnh so với đô la Mỹ.

Theo ông Olivier Garnier, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của Ngân Hàng Société Génerale : « Đó một nguy cơ giảm phát nhắm vào phần còn lại của thế giới ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.