Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - KINH TẾ

Mô hình kinh tế Trung Quốc sản sinh khủng hoảng

Kinh tế thị trường « định hướng xã hội chủ nghĩa » của đảng Cộng sản Trung Quốc đe dọa bản thân Hoa lục và thế giới : cội nguồn gây khủng hoảng, mối đe dọa hàng đầu, vấn nạn không giải pháp, chứng khoán xáo trộn, Bắc Kinh bất lực … là những tựa lớn và phân tích trên báo chí Pháp hôm nay 08/01/2016.

Một công nhân xây dựng ăn tối tại công trường ở tỉnh An Huy. Ảnh tư liệu.
Một công nhân xây dựng ăn tối tại công trường ở tỉnh An Huy. Ảnh tư liệu. REUTERS/Stringer/Files
Quảng cáo

Trên trang nhất, Le Monde chơi chữ với hàng tựa đậm : " La Chine, danger économique numéro un" (Trung Quốc , nguy hiểm kinh tế số một). Thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến, sau khi lao dốc ngày đầu tuần, đã sụt thêm 7% trong ngày thứ tư trong vòng 29 phút và cũng sụt thêm 7% trong ngày thứ năm.

Sàn giao dịch lao đao, đồng tiền bị phá giá và tình trạng phát triển kinh tế chậm lại của Trung Quốc đã gây hiệu ứng lo âu trên toàn cầu. Les Echos thì cho rằng Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc đã phải can thiệp với hàng loạt biện pháp khẩn cấp : hạ giá đồng nguyên (nhân dân tệ), giới hạn bán cổ phần, bơm tiền mặt vào thị trường nhưng hủy bỏ « cầu chì an ninh tự động » 7%. Theo Le Figaro, Trung Quốc đang làm thị trường tài chính thế giới lao đao và càng lúc càng lo ngại rơi vào một cuộc khủng hoảng mới. Ngân hàng Thế giới cũng báo động : nguy cơ kinh tế, tài chính, xã hội, địa chính trị đều gia tăng khắp địa cầu.

Vì sao nên nỗi ?

Theo Le Figaro, Trung Quốc đang ở trong thời kỳ « lột vỏ » đầy nguy hiểm và nhiều chướng ngại. Thứ nhất là không còn gây đuợc niềm tin và thứ hai là giá nhân công lên cao. Trong bối cảnh tình hình địa chiến lược trên toàn cầu có nhiều bất trắc, giá nhiên liệu giảm, căng thẳng ở Trung Đông và quả bom H của Bắc Triều Tiên, giới đầu tư mất hết tin tưởng vào nền kinh tế thứ hai của thế giới.

Một nhà kinh tế độc lập tại Thượng Hải nhận định : năm 2016 sẽ vô cùng khó khăn. Ngay giới tài phiệt Trung Quốc cũng « hốt của mà chạy », đầu tư vào ngành công nghệ tiên tiến và thị trường địa ốc của Tây phương để được an toàn ở Canada, Hoa Kỳ hay Úc. Trong vòng ba tháng cuối năm, 367 tỉ đôla đã bị tẩu tán ra khỏi Trung Quốc. Dấu hiệu nguy hiểm thấy rõ là công nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc, đầu tàu của kinh tế quốc gia đã « hụt hơi ».Chính sách « tái cấu trúc » lãnh vực quốc doanh là cuộc cải cách « khó nhất » về mặt xã hội của Chủ tịch Tập Cận Bình. Vì thế, chính quyền mới có thái độ do dự. Thái độ do dự này đang làm cho thị trường tài chính bất an.

Guồng máy kinh tế Hoa lục « trục trặc » và đáp án xã hội dân sự

Cũng cùng nhận định, Liberation, trong bài « Mô hình Trung Quốc : cỗ máy khủng hoảng », dưới bức ảnh một người trung niên mặt đăm chiêu, nói rõ thêm : công nghiệp thiếu sức cạnh tranh, mãi lực của dân thấp, đầu cơ địa ốc, tẩu tán tài sản, đầu tư bỏ chạy là tình trạng khốn đốn của cường quốc kinh tế số hai thế giới.

Cho dù chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt thông tin nhưng vẫn phải báo cáo chỉ số Hoạt động của ngành công nghiệp PMI (Purchasing Managers Index), suy yếu. Tin này là « ngọn lửa châm vào thùng thuốc súng » làm giới đầu tư và đầu cơ bán tống bán tháo cổ phần.

Thị trường Trung Quốc còn mất hấp dẫn vì ba lý do : một là tiền lương tăng lên trung bình 8% trong những năm gần đây, làm doanh nghiệp chỉ muốn dời nhà máy sang các nước khác. Thứ hai là sức mua của người dân không cao và thứ ba là bong bóng địa ốc đang sắp vỡ vì những người có tiền không mua mà còn bán ra để chạy sang Úc, sang Mỹ.

Theo nhật báo cánh tả, Trung Quốc không phải là « cứu tinh của thế giới » như được mô tả trước đây. Ngược lại, chế độ kinh tế có định hướng này đang trở thành bất ổn định mà nhiều nhà kinh tế dự báo sẽ hạ cánh một cách « thô bạo ».

Nhưng trên La Croix, trong bài « Trung Quốc làm thế giới lo ngại » chuyên gia Christophe Despas lạc quan hơn cho là chế độ Trung Quốc kiểm soát được tình hình, cho dù phải mất nhiều thời gian. Điều chắc chắn là Trung Quốc không có chiến lược nào ngoài « chiến lược đánh đâu đỡ đó ».

Nhật báo kinh tế Les Echos đưa giải pháp : chính tệ nạn tham ô là căn bệnh trầm kha của Trung Quốc và nhiều nước đang phát triển. Toa thuốc đầu tiên là phải trao trách nhiệm việc nước cho « xã hội công dân ».

Trong cái bất hạnh của Trung Quốc, cũng tạo ra cái rủi và cái may cho nhiều nước : Trong nhóm « thua » có Đài Loan, Đại Hàn, Nhật, Mỹ Đức phải giảm xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhóm « thắng » có Việt Nam, Indonesia « hốt » tiền đầu tư bỏ Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo Le Monde, phải chờ thực tế trả lời.

Trung Quốc, thủ phạm bắt cóc các nhà phát hành sách báo Hồng Kông chỉ trích chế độ ?

Phải gần ba tháng sau ngày ba chủ nhân và hai nhân viên của một nhà phát hành sách tại Hồng Kông bị mất tích bí ẩn mà người thứ năm là ông Lý Ba đúng vào ngày 01/01/2016 và phải chờ đến khi Ngoại trưởng Anh lên tiếng quan ngại « số phận công dân Anh Lý Ba » thì Hoa lục mới hé lộ thông tin đầu tiên nhưng chỉ liên quan đến ông Lý Ba mà thôi . Theo Libération, ngày thứ ba vừa qua, bà vợ ông Lý Ba nhận được điện thư của chồng gửi từ Thẩm Quyến viết « ông tự ý » sang Hoa lục để « trợ giúp một vụ điều tra ». Vấn đề là giấy thông hành sang Trung Quốc của ông lại để ở nhà.

Chi tiết thứ hai là cho dù chữ viết là của ông Lý Ba nhưng cách hành văn là theo tiếng Quan thoại trong khi hai vợ chồng nạn nhân là dân Hồng Kông, chỉ dùng tiếng Quảng Đông. Nói cách khác, ông Lý Ba còn sống nhưng rõ ràng là ông bị áp chế . Các Hiệp hội Nhân quyền tin rằng ông Lý Ba bị chính quyền Hoa lục bắt cóc.

Bà vợ ông Lý Ba đã rút lại đơn kiện đòi cảnh sát Hồng kông điều tra vụ « mất tích đáng lo » sau khi nhận được điện thư.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc bắt cóc các chủ nhân và nhân viên nhà sách Causebay Books ? Nhà phát hành này sắp xuất bản quyển sách về « người tình đầu tiên » của ông Tập Cận Bình. Trong khi đó thì Hoàn Cầu Thời Báo của chế độ vẫn khẳng định nhà phát hành « đưa tin đồn thất thiệt với ý đồ xấu ».

Trên trang « hình ảnh », Liberation đưa đến độc giả dự án xây tượng Mao Trạch Đông khổng lồ sơn vàng cao 36,60 mét đặt ở tỉnh Hà Nam (đang thực hiện) nhân 40 năm ngày giỗ của nhân vật lãnh đạo Trung Hoa mà các sử gia ghi lại đã « gây ra cái chết cho 30 triệu dân » trong chính sách « đại nhảy vọt » hoang tưởng. (Theo tin AFP 08/01/2016, chỉ một tuần sau khi bức ảnh trên được loan trên mạng thì bức tượng của Mao bị phá hủy không rõ vì sao).

Indonesia: 50 năm sau, vụ thảm sát những người cộng sản vẫn là điều cấm kỵ

Indonesia : 50 năm sau, vụ thảm sát đảng viên đảng Cộng sản và tình nghi vẫn còn là chuyện cấm kỵ là đề tài châu Á thứ ba trên Libération. Quân đội Indonesia đã giết bao nhiêu người trong vụ thủ tiêu những đảng viên Cộng sản hoặc tình nghi theo Cộng sản vào năm 1965, thời nhà độc tài Suharto ?

Nhật báo cánh tả Pháp lật lại trang sử này qua hai trang phóng sự dài, phỏng vấn các sử gia và nạn nhân sống sót. Các nguồn tin khác nhau đều nói đến con số 500.000 ngàn đảng viên hoặc họat động cho tổ chức được xem là « mối đe dọa cho quốc gia » đã bị giết. Nhưng, cựu Tư lệnh Lực lượng Đặc biệt lúc sắp lâm chung tiết lộ là đến 3 triệu người.

Từ 50 năm qua, các thế hệ cầm quyền cho đến hiện nay, trừ Tổng thống Joko Widodo, đều là con cháu của những người đã dính líu với chế độ Suharto. Dó là lý do tại sao vụ thảm sát này không bao giờ được nhắc đến cho dù trong sách sử ca tụng công lao cố Tổng thống Suharto.Theo một học sinh 17 tuổi, ở nhà trường em được giải thích « cộng sản là kẻ ác, Tổng thống Suharto là anh hùng cứu nguy cho đất nước ».

Khói lửa Trung Đông

Vào lúc Liên Hiệp Quốc thành công trong việc thuyết phục quân đội Syria và lực lượng nổi dậy trao đổi nhau mở vòng vây tiếp tế cho các ngôi làng bị kẹt giữa hai làn đạn gần thủ đô Damas, không hẹn mà nên, Le Monde và La Croix đều có bài tường thuật về thảm nạn dân làng Madaya ở Syria, bị quân đội của Damas và Hezbollah- Liban bao vây cô lập từ mùa hè 2015. Nạn đói và giá một ký gạo 250 đôla đã làm nhiều người ăn cỏ mà sống.

Trong khi đó, Le Figaro chú ý đến vụ Daech đặt bom « gây biển máu » Libya trong vụ khủng bố tự sát giết chết 60 người ở Zliten, bên bờ Địa Trung hải. Trên trang bìa, nhật báo cánh hữu đăng ảnh một « tay khủng bố » bị bắn chết, xác nằm trước cơ quan cảnh sát quận 18 Paris ngày 07/01 đúng một năm sau ngày toà soạn tuần báo Charlie Hebdo bị tấn công.

Platini, c’est fini

FIFA đã hết rồi đối với Michel Platini. Tất cả các báo đều loan tin này sau khi cầu thủ vô địch bóng đá Pháp tuyên bố bỏ cuộc đua tranh ghế chủ tịch FIFA vì bị treo giò 8 năm.

Con người sinh ra để….mập

Một tin khác, trong lãnh vực y tế, cũng đáng được nghiền ngẫm : trên trang Sức Khỏe của Le Figaro, nhà nghiên cứu Anh Quốc Daylan Thomspon thông báo chứng minh được con người được tạo hóa sinh ra để mập béo. Lý do là bộ não của chúng ta biết rõ ích lợi của chất béo và cơ thể cần nhiên liệu chất béo, để hoạt động.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.