Vào nội dung chính
INDONESIA - KHỦNG BỐ

Indonesia lo ngại thánh chiến Hồi giáo

Một loạt âm mưu khủng bố được ngăn chặn kịp thời, có khoảng từ 100 đến 300 chiến binh thánh chiến Indonesia dường như đã từng sang Syria, tình báo Úc cảnh báo là có thể tổ chức Nhà nước Hồi giáo – Daech – muốn lập một quốc vương Hồi giáo cực đoan tại Indonesia. Có nhiều yếu tố làm cho chính quyền Jakarta lo ngại mối đe dọa thánh chiến.

Cảnh sát Indonesia chuẩn bị đi tuần tra ở thủ đô Jakarta vào dịp lễ Giáng sinh (ảnh chụp ngày 23/12/2015)
Cảnh sát Indonesia chuẩn bị đi tuần tra ở thủ đô Jakarta vào dịp lễ Giáng sinh (ảnh chụp ngày 23/12/2015) REUTERS
Quảng cáo

Trong những ngày cuối năm, Indonesia, quốc gia đông dân Hồi giáo nhất thế giới, đã huy động tới 150 000 cảnh sát để bảo đảm an ninh cho những nơi công cộng cũng như các đền thờ của các tôn giáo thiểu số. (Khoảng 10% dân Indonesia theo công giáo và 2% theo Ấn Độ giáo).

Cùng lúc, trong khu rừng rậm trên đảo Sulawesi, cách thủ đô Jakarta 1500 km, lực lượng an ninh Indonesia truy lùng ráo riết Santoso, một nhân vật Hồi giáo cực đoan, công khai tuyên bố ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Thế nhưng, theo giới quan sát, mối đe dọa thánh chiến, khủng bố có thể xẩy ra gần các trung tâm chính trị và kinh tế Indonesia hơn.

Vào tuần trước, trên cơ sở thông tin do tình báo Mỹ và Úc cung cấp, an ninh Indonesia đã mở nhiều chiến dịch chống khủng bố ngay trên đảo Java, bắt giữ 9 người bị nghi ngờ là thành viên của Daech và phá vỡ được một loạt âm mưu khủng bố. Nguồn tin cảnh sát nhấn mạnh, một trong các các mục tiêu mà khủng bố muốn tấn công là Tổng thống Joko Widodo; những nghi can bị bắt giữ chỉ là những chiến binh thừa hành, ở cơ sở, còn những kẻ lãnh đạo thì vẫn lẩn trốn và có thể đang chuẩn bị các vụ khủng bố khác.

Trong những năm 2000, Indonesia đã phải hứng chịu nhiều vụ khủng bố đẫm máu, như ở Bali, vào tháng 10/2002 làm 202 người thiệt mạng, vụ tấn công khách sạn Mariott vào tháng 08/2003, vụ nổ bom trước sứ quán Úc ở Jakarta hồi tháng 09/2004, một loạt vụ tấn công có phối hợp ở Bali, hồi tháng 10/2005. Năm 2009, hai khách sạn ở Jakarta bị đặt bom. Trong những năm sau đó, tổ chức Hồi giáo cực đoan Jemaah Islamiyah đã bị suy yếu nhiều, các thủ lĩnh của tổ chức này bị bắt hoặc bị tiêu diệt, nhưng gần đây, chính quyền lo ngại nguy cơ tái bùng phát bạo động mà thủ phạm là những kẻ thánh chiến Hồi giáo cực đoan có được sự hỗ trợ của Daech.

Hôm thứ Hai, 21/12, cảnh sát Indonesia thông báo là những nghi can bị bắt giữ tại Java đã nhận được tiền của Daech từ Syria chuyển sang. Theo thẩm định của Jakarta, hiện có hơn 1000 người ủng hộ Daech tại Indonesia và dường như gần một phần ba trong số này đã từng sang Syria.

Tuần trước, Bộ trưởng Tư pháp Úc George Brandis, khi công du Jakarta, đã khẳng định rằng tổ chức của Abou Bark al Baghdadi, kẻ đã tuyên bố thành lập « quốc vương Hồi giáo – califa » trên một số vùng lãnh thổ của Irak và Syria, đang tìm cách thiết lập một « califa » tại Indonesia.

Theo bà Sidney Jones, chuyên gia thuộc Viện Phân Tích Chính trị Xung đột, trụ sở Jakata, thì ít có khả năng xẩy ra các vụ thánh chiến tấn công Indonesia theo kiểu loạt khủng bố ở Paris, ngày 13/11 vừa qua, nhưng mối đe dọa này đang ngày càng tiến gần Jakarta. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã xây dựng được một mạng lưới ủng hộ viên tại các vùng ngoại ô, gần kề thủ đô Indonesia.

Vẫn theo chuyên gia này, « những kẻ thánh chiến quốc nội », trước đây thường nhắm vào lực lượng an ninh, giờ đây, chúng có thể nhắm vào các mục tiêu dễ dàng hơn như cộng đồng Hồi giáo Shia hoặc người Tây phương.

Ông Hugh White, giáo sư về các vấn đề chiến lược tại Đại Học Quốc Gia Úc, nhấn mạnh : « Ý tưởng về việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo – Daech – có thể chiếm Indonesia là phi lý. Ngược lại, việc tổ chức này có thể tiến hành các chiến dịch khủng bố tại Indonesia để gây bất ổn định là điều hoàn toàn có thể xẩy ra ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.