Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - THAM NHŨNG

Cựu lãnh đạo Hồng Kông không nhận tội tham nhũng

Trong phiên tòa xét xử ngày 18/12/2015, ông Tăng Âm Quyền (Donald Tsang), cựu lãnh đạo đặc khu Hồng Kông thất sủng, bị truy tố vì tội nhận « quà » có giá trị lớn từ các đại gia tỷ phú, đã không nhận tội tham nhũng. Ông Tăng cũng là quan chức cao cấp nhất cho tới hiện nay bị đưa ra trước vành móng ngựa.

Ông Tăng Âm Quyền (Donald Tsang - bên phải), phát biểu với báo giới sau khi rời phiên tòa, Hồng Kông, ngày 05/10/2015
Ông Tăng Âm Quyền (Donald Tsang - bên phải), phát biểu với báo giới sau khi rời phiên tòa, Hồng Kông, ngày 05/10/2015 REUTERS
Quảng cáo

Trong phiên xét xử ngắn, ông Tăng Âm Quyền nói gắn gọn : « Tôi vô tội ». Sau phiên tòa, ông không đưa ra bất kỳ phát biểu nào trước báo giới. Thẩm phán Jason Wan đã chuyển hồ sơ lên Tòa án Tối cao. Cơ quan này sẽ phán xét cựu Chủ tịch hành pháp Hồng Kông, tuy nhiên ngày giờ cụ thể chưa được quyết định.

Ông Tăng Âm Quyền, 70 tuổi, từng điều hành chính phủ Hồng Kông từ năm 2005 đến năm 2012, bị truy tố với hai cáo trạng vào tháng 10 vừa qua. Tại thời điểm đó, ông phát biểu là « lương tâm rất thanh thản » và tin rằng tòa án sẽ bác bỏ mọi cáo trạng.

Theo Ủy ban độc lập phòng chống tham nhũng (ICAC), cựu lãnh đạo Hồng Kông đã không khai báo dự định thuê một căn hộ đắt tiền ở Thẩm Quyến. Chủ nhân căn hộ này là một tỷ phú đứng đầu một tập đoàn phát thanh Trung Quốc, vào thời điểm đó đang tìm giấy phép kinh doanh từ chính phủ Hồng Kông.

Thứ hai, ông cũng bị cáo buộc đã không công bố trước danh tính một kiến trúc sư mà ông định trao huy chương danh dự. Vị kiến trúc sư này chính là người đã trang trí nội thất cho căn hộ tại Thâm Quyến nêu trên.

Vào năm 2014, một quan chức cao cấp khác của Hồng Kông, ông Rafael Hui, từng là trợ lý của ông Tăng Âm Quyền từ năm 2005-2007, đã bị kết án 7 năm và 6 tháng tù vì tội nhận hối lộ từ nhà tỷ phú Thomas Kwok. Ông trùm tài phiệt bất động sản Hồng Kông này cũng phải lĩnh án 5 năm tù.

Vụ việc đang làm xáo động khu thuộc địa cũ của Anh, luôn tìm cách bảo vệ hình ảnh và vị trí của mình trên thị trường tài chính quốc tế. Hồng Kông thường bị coi là một nơi lưu thông « tiền bẩn », và một số vụ việc bị cáo giác đã làm dấy lên nghi ngờ về mối quan hệ giữa chính quyền và các doanh nhân giầu có.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.