Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - NHÂN QUYỀN

Trung Quốc xét xử nhà đấu tranh nhân quyền Phổ Chí Cường

Tòa án được một hàng rào cảnh sát dày đặc bảo vệ. Giới báo chí và các nhà đấu tranh bị đẩy ra xa khỏi khu vực tòa án một cách thô bạo. Trên đây là quang cảnh xung quanh phiên tòa xử nhà đấu tranh nhân quyền luật sư Phổ Chí Cường (Pu Zhiqiang), được mở ra ngày 14/12/2015 tại Bắc Kinh, một năm rưỡi sau khi ông bị bắt giam vì các cáo buộc viết bài chỉ trích chính quyền trên các trang mạng xã hội.

Người ủng hộ luật sư Phổ Chí Cường biểu tình bên ngoài phiên tòa xét xử luật sư bảo vệ nhân quyền, ngày 14/12/2015.
Người ủng hộ luật sư Phổ Chí Cường biểu tình bên ngoài phiên tòa xét xử luật sư bảo vệ nhân quyền, ngày 14/12/2015. REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Quảng cáo

Ông Phổ Chí Cường, 50 tuổi, luật sư từng biện hộ cho nhiều nạn nhân các trại cải tạo, cũng là luật sư biện hộ cho nghệ sĩ nổi tiếng Ngải Vị Vị (Ai Weiwei). Tội của ông là dám viết bài lên án đảng Cộng sản "bất tài và  dối trá” , cũng như chính sách trấn áp Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Theo nhận định của thông tín viên RFI, Heike Schmidt, tại Bắc Kinh, với 7 bài viết đăng trên các trang mạng xã hội, luật sư  nổi tiếng này có nguy cơ lãnh án tù nặng:

Ông Phổ Chí Cường chẳng làm gì sai ngoài việc đưa ra ý kiến của mình về tình hình thời sự Trung Quốc. Bảy bài viết ngắn được đăng trên các trang mạng xã hội đủ để cáo buộc ông tội ‘kích động thù hằn sắc tộc’ và " gây tranh cãi và rối loạn". Bảy bài viết đó có một điểm chung: Chỉ trích chế độ hiện nay.

Một trong số các bình luận, luật sư này  phản đối chính sách đàn áp nhắm vào sắc tộc Duy Ngô Nhĩ, cộng đồng người Hồi giáo và nói tiếng Thổ tại Tân Cương. Nhất là, ông chỉ trích việc cấm đội khăn trùm đầu và lên án chế độ có thái độ hành xử như là những tên ‘xâm lược’ đến cướp bóc vùng tự trị này. Trong một lời bình khác, Phổ Chí Cường thắc mắc tại sao chân dung Mao Trạch Đông phải được treo trong các đền chùa Tây Tạng.

Vị luật sư này còn gây phiền toái khi ông đặt câu hỏi khiêu khích đó trên mạng Sina Weibo, một dạng Twitter Trung Quốc: “ Liệu mọi thứ có thật sự sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu như không có đảng Cộng sản?”, đảng chính trị mà ông cáo buộc là giả dối.

Trong một hệ thống mà ở đó tự do ngôn luận đã bị chà đạp một cách có hệ thống và ở đó đảng duy nhất là bất khả xâm phạm, ít có cơ may  để ông thoát được một bản án nặng nề. Vị luật sư chuyên bảo vệ nhân quyền có nguy cơ lãnh đến 8 năm tù giam. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.