Vào nội dung chính
TRIỀU TIÊN

Đàm phán cấp cao liên Triều đầu tiên từ hai năm qua

Sau gần hai năm gián đoạn, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc tổ chức đàm phán cấp cao từ hôm nay, 11/12/2015. Cuộc gặp được đánh giá là một dấu hiệu tích cực cho quan hệ hai miền, tuy nhiên những người am hiểu hồ sơ này có một thái độ lạc quan chừng mực.

Thứ trưởng Hàn Quốc Hwang Boogi ( trái ) bắt tay đồng nhiệm Bắc TT Jong Jong Su trước cuộc đàm phán tại Keasong ngày 11/12/2015.
Thứ trưởng Hàn Quốc Hwang Boogi ( trái ) bắt tay đồng nhiệm Bắc TT Jong Jong Su trước cuộc đàm phán tại Keasong ngày 11/12/2015. Reuters
Quảng cáo

Đàm phán cấp thứ trưởng Hàn Quốc – Bắc Triều Tiên diễn ra tại khu công nghiệp liên Triều Kaesong ở Bắc Triều Tiên, nơi được coi là một biểu tượng hiếm có cho hợp tác hai miền. Thứ trưởng Hwang Boo-Gi, trưởng đoàn Hàn Quốc, bày tỏ hy vọng đây sẽ là « một bước đi căn bản mở ra quá trình tái thống nhất », và hai phía sẽ « lần lượt giải quyết các vấn đề tồn đọng ».

Về phần mình, trưởng đoàn Bắc Triều Tiên Jon Jong-su khẳng định với những lời lẽ văn hoa : các đàm phán sẽ cho phép vượt qua nhiều thập niên ngờ vực và đối đầu, cho phép « làm tan đi các biên giới, lấp đầy các rạn nứt », để hai bên « cùng xây dựng một con đường mới ».

Hiện thời, hai phía chưa đưa ra lịch trình cho đàm phán tại Kaesong, tuy Bình Nhưỡng và Seoul đều có mục tiêu rõ ràng. Chính quyền Bắc Triều Tiên mong muốn khách du lịch Hàn Quốc trở lại thăm núi Kim Cương, hoạt động vốn bị đình chỉ từ năm 2008. Việc khách du lịch trở lại vừa cho phép Bình Nhưỡng có thêm nguồn thu, vừa có thể được chính quyền Bình Nhưỡng sử dụng để tuyên truyền cho chế độ.

Trong khi đó, Seoul muốn Bắc Triều Tiên cho phép các thân nhân Triều Tiên ly tán, do chiến tranh và do hai miền bị chia cắt, được hội ngộ thường xuyên hơn. Cho đến nay, rất ít trong số những người có thân nhân bên kia giới tuyến được hưởng cơ hội này. Người Hàn Quốc nằm trong danh sách chờ hội ngộ hầu hết đều đã rất lớn tuổi, phần lớn đều không hy vọng được thấy lại người thân trước khi qua đời.

Vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ Liên Triều là chương trình hạt nhân quân sự Bắc Triều Tiên. Theo giáo sư Kim Keun-Shik, chuyên gia về Bắc Triều Tiên, Seoul có thể nêu ra vấn đề này, nhưng việc « phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên cần được nhìn nhận như là một mục tiêu cuối cùng của đối thoại liên Triều, chứ không phải là một điều kiện tiên quyết ».

Nhìn chung, theo các nhà quan sát, các đàm phán vừa khởi sự sẽ chỉ có kết quả tích cực ở chỗ hai bên sẽ đồng ý tiếp tục đối thoại và có những lời lẽ hòa giải, tạo điều kiện cho hợp tác tương lai. Nhà phân tích Cheong Seong-Chang, Viện Sejong, Seoul, dự đoán cuộc gặp lần này là « một bước quan trọng » cho các thương thuyết trong năm tới.

Trước đó, hồi tháng 8/2015, hai miền Triều Tiên đạt được một thỏa thuận tạm thời, đúng vào thời điểm căng thẳng dâng cao, có nguy cơ bùng phát thành xung đột quân sự.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.