Vào nội dung chính
ÚC - INDONESIA

Úc bị tố cáo trả tiền cho giới buôn người xua đuổi thuyền nhân

Trả lời trước một tòa án Indonesia ở thành phố Rote vào hôm qua, 01/12/2015, thuyền trưởng một chiếc tàu chở thuyền nhân qua Úc đã khai rằng ông đã phải cho tàu quay trở lại Indonesia sau khi thương lượng với Hải quân Úc và nhận được 32.000 đô la. Món tiền này sau đó đã được ông chia lại cho những người khác trong đường dây đưa người vượt biển qua Úc.

Phái đoàn Úc tham gia cuộc họp đa quốc gia tại Jakarta để tìm biện pháp giải quyết vấn đề thuyền nhân - AFP / Bay ISMOYO
Phái đoàn Úc tham gia cuộc họp đa quốc gia tại Jakarta để tìm biện pháp giải quyết vấn đề thuyền nhân - AFP / Bay ISMOYO
Quảng cáo

Chiếc tàu của bị cáo chở 65 người, đa số là người Sri Lanka, đã bị Hải quân Úc chận giữ vào tháng Sáu vừa qua. Ông đã bị giam giữ từ đó đến nay cùng với năm người khác, sau khi bị truy tố về tội tổ chức đưa người đi tị nạn một cách phi pháp. Viên thuyền trưởng cùng với các đồng lõa có thể bị đến 15 năm tù.

Trả lời tòa án, viên thuyền trương giải thích là tàu của ông thực ra là đi đến New Zealand khi bị Hải quân Úc chận lại. Ông đã bị thẩm vấn trên tàu Úc khoảng nửa tiếng đồng hồ, và đã được trao 32.000 đô la để đưa ngược về Indonesia số thuyền nhân nói trên. Vì cần tiền nên ông đã chấp nhận đề nghị từ phía Úc.

Trong báo cáo tháng 10, tổ chức Ân xá Quốc tế, đã tố cáo Úc trả tiền các thuyền trưởng đưa người tị nạn để họ đưa người trở lại nơi xuất phát, thường là Indonesia. Việc đưa trở lại như thế tạo thêm nguy hiểm cho thuyền nhân.

Từ năm 2013, chính phủ Úc áp dụng chính sách vô cùng nghiêm ngặt đối với thuyền nhân, cho Hải quân ngăn chận ở xa ngoài khơi. Những người lọt lưới thì bị đưa đến các trại được lập ra trên đảo Manus ở Papua – New Guinea hay đảo Nauru ở Thái Bình Dương. Chính quyền Úc biện minh cho chính sách của mình là nhằm cứu sống mạng người.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.