Vào nội dung chính
THAN ĐÁ - MÔI TRƯỜNG - COP21

Nhiên liệu hoá thạch vẫn còn tương lai?

Trong khi các nguồn năng lượng tái tạo dần dần chiếm được thị phần thì nhiên liệu có nguồn gốc hoá thạch (dầu mỏ, khí, than) sẽ còn chiếm tới 75% vào năm 2040. Đây là hệ quả của việc tiêu thụ năng lượng trên thế giới sẽ tăng thêm 1/3 từ nay tới năm 2040.

Công nhân Trung Quốc xúc than lên toa tầu tại thành phố Hợp Phì (Hefei), phía đông Trung Quốc.
Công nhân Trung Quốc xúc than lên toa tầu tại thành phố Hợp Phì (Hefei), phía đông Trung Quốc. REUTERS
Quảng cáo

Theo tài liệu tham khảo World Energy Outlook 2015 do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (EIA) công bố ngày 12/11/2015 và được tờ Les Echos trích dẫn, nguyên nhân chính là do nhu cầu của các nước không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE), đặc biệt là Ấn Độ, Trung Quốc, khu vực Trung Đông và Đông Nam Á.

Chỉ tính riêng trường hợp Trung Quốc, Cơ quan Năng lượng Quốc tế thẩm định : « Tới năm 2030, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới và vượt qua thị trường Châu Âu về tiêu thụ khí đốt. Vào năm 2040, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc sẽ cao gần gấp hai lần so với Hoa Kỳ ». Nói một cách khác, « các nước không phải là thành viên của OCDE là những nước duy nhất phải chịu trách nhiệm về việc tiêu thụ năng lượng trên trái đất tăng lên ».

Ngược lại, vì nhiều lý do khác nhau (như xu hướng dân số, hiệu quả năng lượng…), các nước thuộc OCDE lại có mức tiêu thụ năng lượng giảm dần, sau khi đã đạt mức đỉnh điểm vào năm 2007. Cụ thể là, theo tính toán, trong giai đoạn 2014-2040, khối Liên Hiệp Châu Âu giảm 15%, Nhật Bản giảm 12%, Mỹ giảm 3% và trở thành các nước đầu tầu cho xu hướng giảm nhu cầu này.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết là quá trình chuyển tiếp năng lượng đã được tiến hành. Những nguồn nhiên liệu mới đã là nguồn sản xuất điện thứ hai, chỉ sau than đá, và sẽ « trở thành nguồn cung cấp điện chính từ nay tới năm 2040 ».

Trung Quốc vẫn bị phụ thuộc vào than đá

Thế nhưng, giá “vàng đen” lại rất rẻ và sẽ còn duy trì mức giá này. Chính vì vậy, Trung Quốc, “công xưởng” của thế giới sẽ tiếp tục trọng dụng loại nhiên liệu này để bảo đảm nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế thứ hai của thế giới.

Một nhà máy chiết xuất hợp chất hidrocacbon từ than đá sắp được khánh thành tại thành phố Trường Trì (Changzhi) ở phía bắc Trung Quốc. Hãng tin AFP ngày 18/11/2015 nhận định, ngoài lượng phát thải khí CO2 rất lớn, công trình khổng lồ với khoản đầu tư vài tỉ euro này còn phản ánh sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các nguồn nhiên liệu hoá thạch.

Cho tới nay, Bộ Môi trường Trung Quốc không công nhận nhà máy này. Song công việc xây dựng vẫn tiếp tục với hàng đoàn xe tải nối đuôi ra vào, theo ghi nhận của phóng viên AFP. Hơn nữa, nhiều ống khói đã được dựng lên xuyên thủng màn khói mù tại thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây (Shanxi) nổi tiếng về khai thác than đá. Một công nhân làm việc tại đây khẳng định với AFP bên ngoài khu công trường Trường Trì rằng nhà máy sẽ đi vào hoạt động, vì « Dự án nhận số tiền đầu tư lên tới 30 tỉ nhân dân tệ (4,4 tỉ euro). Cuối cùng nó cũng sẽ chính thức được “bật đèn xanh”».

Ngoài ra, còn phải kể tới khoảng vài chục nhà máy sản xuất hợp chất hidrocacbon từ than khác, ngốn rất nhiều năng lượng, đang nằm trong dự án, đặc biệt là tại các vùng nông thôn. Trong đó có bẩy nhà máy đang được xây tại các khu vực cằn cỗi ở miền bắc Trung Quốc và “trớ trêu” như trường hợp của Trường Trì là… không được chính phủ cho phép.

Theo tổ chức Greenpeace, năm 2015, Bắc Kinh đã thông qua 155 dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện mới. Có nghĩa là cứ mỗi tuần có gần một nhà máy được ra đời. Hơn 70% khối lượng điện của Trung Quốc có nguồn gốc nhiệt điện. Năm 2013, nhà khổng lồ Châu Á đã ngốn 4,2 tỉ tấn than, và được đánh giá là nước sản xuất đồng thời là nước tiêu thụ than lớn nhất hành tinh. Thế nhưng, những con số này chưa phải là số liệu chính xác vì mới đây, Bắc Kinh công nhận đã thẩm định “ăn gian” hàng trăm triệu tấn than bị đốt trong những năm vừa qua so với số liệu chính thức công bố ban đầu.

Phụ thuộc vào than đá cũng phải trả giá đắt : ô nhiễm bầu không khí, màn khói mù mầu nâu nhạt thường xuyên xuất hiện tại các thành phố lớn khiến người dân bất bình. Thêm vào đó là yếu tố kinh tế, Trung Quốc đang phải đối mặt với mức tăng trưởng kinh tế bị chững lại (dưới 7%). Chính vì vậy, Bắc Kinh muốn tỏ thiện chí và ca ngợi lợi ích của “tăng trưởng xanh”, đồng thời đưa ra lời hứa về hạn chế mức khí thải CO2 vào khoảng năm 2030.

Điều này có nghĩa là Trung Quốc vẫn còn có thể tiếp tục thải thêm khí CO2 trong vòng 15 năm tới và mức cao nhất sẽ dao động trong khoảng từ 11 đến 20 tỉ tấn/năm. Trong khi đó, theo thẩm định, lượng khí thải của nước này vào năm 2013 đã ở mức 9 đến 10 tỉ tấn, cao gần gấp 2 lần so với Hoa Kỳ và cao hơn Liên Hiệp Châu Âu 2,5 lần.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào các nguồn năng lượng tái tạo. Năm 2014, các nhà máy thuỷ điện đã cung cấp khoảng 1/5 sản lượng điện tiêu thụ của toàn quốc, điện từ pin mặt trời và sức gió chiếm 3%, lĩnh vực nguyên tử hiện vẫn chỉ ở mức 2% song được phát triển nhanh. Như vậy, vẫn còn tới hơn 70% năng lượng tại Trung Quốc phụ thuộc vào nhiệt điện.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.