Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - LHQ-NHÂN QUYỀN

Nhân quyền: Bình Nhưỡng có nguy cơ bị lên án nặng nề tại LHQ

Bắc Triều Tiên có thể bị lên án nặng nề nhất từ trước đến nay vì vấn đề nhân quyền khi Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu vào hôm nay, 19/11/2015, về một dự thảo nghị quyết do các nhà ngoại giao Châu Âu và Nhật Bản soạn thảo. Văn kiện này lên án các hành vi không tôn trọng nhân quyền rất phổ biến tại nước này.

Bản báo cáo dày 372 trang do ông Michael Kirby, trưởng ban điều tra về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên công bố trong cuộc họp báo tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Genève ngày 17/02/2014.
Bản báo cáo dày 372 trang do ông Michael Kirby, trưởng ban điều tra về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên công bố trong cuộc họp báo tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Genève ngày 17/02/2014.
Quảng cáo

Dự thảo nghị quyết, được hơn 50 quốc gia bảo trợ, tố cáo các hành vi chà đạp nhân quyền một cách « thô bạo, có hệ thống, phổ biến rộng rãi, lâu dài và liên tục » ở Bắc Triều Tiên. Các nước bảo trợ cũng đòi Bắc Triều Tiên giải thể một mạng lưới trại tù dầy đặc, bị cho là đang giam giữ 100.000 tù nhân trong điều kiện kinh khủng. 

Châu Âu và Nhật Bản hy vọng văn kiện sẽ thu được nhiều phiếu bầu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hơn năm ngoái, khi nghị quyết lên án Bình Nhưỡng dù được thông qua, nhưng vẫn không mang lại kết quả mong muốn. 

Vào năm ngoái, nghị quyết lên án Bắc Triều Tiên đã được 111 quốc gia ủng hộ, chỉ có 19 phiếu chống, trong đó có cả Trung Quốc lẫn Nga, và 55 phiếu trắng. 

Tương tự như năm ngoái, văn kiện năm nay thúc giục Hội đồng Bảo an xem xét việc đưa Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế về những tội ác chống nhân loại. Việc này tuy nhiên vẫn có khả năng sẽ bị Trung Quốc ngăn chặn. Bắc Kinh là đồng minh quan trọng duy nhất của Bình Nhưỡng, có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an. 

Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Ri Hung Sik dĩ nhiên đã cực lực phản đối động thái trên đây. Nhân một cuộc họp báo ở New York hồi đầu tuần, ông xác nhận rằng quan hệ song phương giữa Liên Hiệp Quốc và Bắc Triều Tiên không tốt, đồng thời đòi định chế quốc tế chấm dứt việc đưa ra « các biện pháp không công bằng » như bản dự thảo về nhân quyền đệ trình ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. 

Đối với Đại sứ Bắc Triều Tiên, nghị quyết được đưa ra bỏ phiếu là « sản phẩm của một cuộc đối đầu chính trị và vu khống thâm hiểm ». Nhân vật này nhấn mạnh rằng nước ông sẵn sàng giải quyết các mối quan ngại của quốc tế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.