Vào nội dung chính
NAM Á - TRUNG QUỐC

Khu kinh tế mở Gwadar : Bắc Kinh và Islamabad ký thỏa thuận

Cảng Gwadar của Pakistan nằm trên bờ Ấn Độ Dương là một trọng điểm trong hợp tác giữa Bắc Kinh và Islamabad. Hôm 11/11/2015, Trung Quốc và Pakistan đã ký kết một thỏa thuận phát triển một khu kinh tế mở xung quanh cảng biển chiến lược này. Dự án này từng khiến Ấn Độ rất lo ngại. 

Cảng nước sâu Gwadar, Pakistan, nhìn ra biển Ả Rập. Ảnh chụp ngày 19/03/2007.
Cảng nước sâu Gwadar, Pakistan, nhìn ra biển Ả Rập. Ảnh chụp ngày 19/03/2007. Reuters/Qadir Baloch/Files
Quảng cáo

AFP cho biết, theo hợp đồng này, chính quyền khu vực Baloutchistan nghèo khó sẽ phó thác khoảng 1.000 hecta đất cho công ty Nhà nước Trung Quốc Overseas Port Holding Company trong vòng hơn 40 năm, trong đó có dự kiến xây dựng một sân bay quốc tế gần Gwadar.

Hiện tại cảng Gwadar, cách thủ đô Islamabad 540 km về phía đông nam, đã nằm dưới sự quản lý của Trung Quốc. Cảng biển này được khởi công từ năm 2007, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung Quốc, và được Bắc Kinh tài trợ 248 triệu đô la. Còn đặc khu kinh tế nói trên dự kiến sẽ khởi công vào tháng 1/2016, theo ông Syed Habib Ahmad, giám đốc dự án.

Gwadar là đầu mút của « hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan » tương lai, nối liền miền tây của Trung Quốc với vùng biển Ả Rập (còn gọi là biển Oman), cho phép Trung Quốc rút ngắn rất nhiều khoảng cách với Cận Đông, Châu Âu và Châu Phi. Gwadar cũng là một điểm chiến lược trong kế hoạch "Chuỗi ngọc trai" (tức hệ thống những căn cứ trên biển mà Trung Quốc có quyền sử dụng tại Ấn Độ Dương). 

Theo các chuyên gia, hành lang kinh tế với điểm khởi đầu là cảng Gwadar cho phép việc vận tải dầu mỏ và khí đốt từ Trung Đông và Châu Phi sang Trung Quốc giảm bớt được hàng ngàn cây số. Dự án phát triển cảng biển quan trọng này cũng nằm trong một chiến lược chung nhằm mở rộng các hoạt động thương mại và các cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại vùng Trung và Nam Á. 

Baloutchistan là một khu vực rất nghèo khó tại Pakistan. Kể từ năm 2004, nổi lên một phong trào vũ trang ly khai tại khu vực này, nhằm kiểm soát các nguồn khoáng sản quan trọng. Một số người dân tộc chủ nghĩa Baloutchistan cáo buộc Trung Quốc liên kết với chính quyền Pakistan để cướp bóc các tài nguyên địa phương, không chia sẻ các lợi nhuận từ kinh tế, cũng không tìm cách tạo thêm việc làm cho cư dân địa phương.

Chính quyền Pakistan huy động một lực lượng an ninh đặc biệt, gồm từ 10.000 đến 25.000 người để bảo vệ khu vực cảng Gwadar.

Quân đội Trung Quốc ủng hộ hành lanh kinh tế với Pakistan

Hai ngày sau hợp đồng về khu kinh tế mở Gwadar, hôm nay, 13/11/2015, Phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc, tướng Phạm Trường Long (Fan Chonglong), tới Pakistan. Đây là chuyến công du của một lãnh đạo quân sự cao cấp hàng đầu của Trung Quốc tới quốc gia Nam Á này kể từ 11 năm nay.

Quân đội Pakistan ra thông báo cho biết Bắc Kinh « vui mừng » vì hợp tác « chặt chẽ song phương nhằm bảo đảm quản lý tốt và an ninh cho hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) ».

Tướng Trung Quốc « đặc biệt hoan nghênh » các nỗ lực của Pakistan chống khủng bố, cụ thể là phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM), một nhóm vũ trang được coi là hoạt động mạnh tại Tân Cương. Theo lãnh đạo quân đội Trung Quốc, nhiều thành viên của ETIM ẩn náu tại Pakistan.

Hợp đồng tàu ngầm 4 tỷ euro

Pakistan và Trung Quốc tiếp tục gia tăng hợp tác quốc phòng. Tuần báo Le Courrier International giữa tháng 10/2015, dẫn một số nguồn tin Trung Quốc, theo đó, Bắc Kinh sắp bán 8 tàu ngầm hạt nhân với năng lượng thông thường cho Pakistan. Hợp đồng này cũng dự kiến chuyển giao công nghệ cho Islamabad, cũng như thành lập một trung tâm huấn luyện tại Karachi (theo trang Jiemian, Thượng Hải).

Còn theo trang mạng Hồng Kông Fenghuang Wang, hợp đồng đóng tàu ngầm Trung Quốc – Pakistan trị giá khoảng từ 3,5 tỷ đến 4,5 tỷ euro. Đây là hợp đồng vũ khí lớn chưa từng có giữa hai quốc gia, và được coi là hợp đồng xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Trung Quốc từ trước đến nay.

Trong một phát biểu trên kênh truyền hình Phượng Hoàng (Hồng Kông), chuyên gia Trung Quốc Zhao Gencheng khẳng định : vụ mua bán tàu ngầm này sẽ khiến hải quân Ấn Độ rất lo ngại. Báo Nga Sputnik dẫn lại việc báo chí Ấn Độ hồi tháng 7/2015 rộ lên về vụ một tàu ngầm Trung Quốc lần đầu tiên ghé cảng Karachi, Pakistan, với nhận định : « nhiều chuyên gia quân sự cho rằng khả năng Trung Quốc tăng cường đáng kể kiểm soát Ấn Độ Dương khiến New Delhi lo lắng từ lâu ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.