Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Miến Điện hậu bầu cử : Quân đội, trở lực lớn của dân chủ hoá ?

Đăng ngày:

Thế giới vừa chứng kiến một biến cố ngoạn mục tại Miến Điện, với cuộc Tổng tuyển cử « tự do » đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ độc tài quân sự, khi đảng đối lập của giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi dành đa số tuyệt đối. Người từng bị quản thúc tại gia 15 năm, bị chính quyền quân sự liên tục tìm cách loại ra khỏi đời sống chính trị, nay trở lại chính trường trong tư thế chiến thắng. Tuy nhiên, không khí phấn chấn trước vinh quang lịch sử này không át đi được một viễn cảnh mà nhiều chuyên gia và nhà quan sát đặt câu hỏi : Liệu cuộc bầu cử ngày 08/11 vừa qua có thực sự mở ra một kỷ nguyên dân chủ cho Miến Điện ? Quân đội phải chăng vẫn tiếp tục là một trở lực chính của tiến trình dân chủ hóa, bất chấp những cải cách quan trọng đã diễn ra ?

Các nghị sĩ quân nhân bỏ phiếu tại Quốc hội, về một đề nghị sửa đổi Hiến pháp, giới hạn quyền lực của quân đội, 25/06/2015.
Các nghị sĩ quân nhân bỏ phiếu tại Quốc hội, về một đề nghị sửa đổi Hiến pháp, giới hạn quyền lực của quân đội, 25/06/2015. ©REUTERS/Hnin Yadana Zaw
Quảng cáo

Trước hết cần nhấn mạnh rằng, trong những ngày đầu tiên sau bầu cử, rất nhiều người lo ngại quân đội đột ngột thay đổi lập trường, tìm cách bác bỏ kết quả bầu cử. Mối nghi ngờ không phải là không có cơ sở, khi đã từng có một tiền lệ : kết quả bầu cử Quốc hội lập hiến năm 1990, với phần thắng thuộc về Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, đã bị tập đoàn quân sự phủ nhận. 

Nhưng ngờ vực lần lượt được giải tỏa. Quyền Chủ tịch đảng cầm quyền U Htay Oo là một trong những người đầu tiên thừa nhận chiến thắng của đảng đối lập, cùng với Chủ tịch Hạ viện Shew Mann. Sau ba ngày chờ đợi, đến tối hôm qua, 11/11, Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing ra thông cáo chúc mừng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ giành được đa số tuyệt đối, chính quyền Miến Điện cũng đồng thời lần đầu tiên tuyên bố sẽ « chuyển giao quyền lực một cách hòa bình », cho dù kết quả chính thức vẫn còn chưa được công bố.

Loạt câu hỏi thứ hai mà nhiều người đặt câu hỏi là : trong nhiệm kỳ mới, chính phủ của đa số do Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ kiểm soát có khả năng hành động ra sao, trong bối cảnh quân đội vẫn nắm trong tay không ít quyền lực ? Quân đội Miến Điện có thực sự chấp nhận để cho đối lập nắm quyền điều hành đất nước ? Và  rộng hơn, đâu là các thách thức khác đối với Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ ?

Bầu cử dưới sự kiểm soát của quân đội

Trước hết, mời quý vị nghe tiếng nói của bà Cécile Harl, điều phối viên của Hiệp hội Info-Birmanie, một người theo dõi sát tình hình Miến Điện từ nhiều năm nay, về không khí cuộc bầu cử vừa diễn ra :

« Thắng lợi áp đảo của đảng đối lập theo tôi xuất phát từ chỗ người dân đã quá chán ngán với nửa thế kỷ cầm quyền của tập đoàn quân sự. Họ quyết định chọn một sự thay đổi, mà từ nhiều năm nay họ trông đợi. Họ muốn thay đổi hoàn toàn. Và họ nhận thấy rằng : các cải cách do các cựu quân nhân thuộc đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển đã không hiệu quả. Nền dân chủ chỉ chuyển biến hết sức chậm rãi, trong khi thực tế đòi hỏi phải có một thay đổi lớn hơn rất nhiều.

Ngược lại, cuộc bầu cử đã diễn ra một cách hết sức êm ả. Các cửa hàng đều đóng cửa, xe cộ gần như không thấy trên đường. Rangoon hết sức yên tĩnh. Thực tế này mang lại một ấn tượng là người dân Miến Điện vô cùng lo sợ giới cầm quyền tước đi của họ cơ hội lịch sử này. Chính vì vậy mà họ không hề có một hành động bất thường nào để khiến cho cơ hội của mình bị tước đoạt, khiến cho giấc mơ mà họ chờ đợi từ 50 năm nay không đạt được kết quả mong muốn. Các cử tri Miến Điện cùng một lúc, vừa lạc quan, đồng thời cũng rất kiềm chế, kiên nhẫn.

Đảng đối lập kêu gọi cử tri bình tĩnh, chờ đợi kết quả cuối cùng, và đặc biệt là tôn trọng những người thua cuộc, để làm sao cho không có bất cứ một cuộc biểu tình nào biến thành xung đột bạo lực, để giới quân sự lấy cớ can thiệp ».

Tổng thống cũng bất lực trước các vi phạm nhân quyền ?

Theo bà Cécile Harl : « Chiến thắng của đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ là áp đảo, nhưng chúng ta cũng không thể vì thế mà bị lóa mắt mà không nhận ra thực tế của giai đoạn hậu bầu cử, về vị thế của giới quân sự, bất chấp sự thất bại nặng nề của đảng cầm quyền.

Giới quân sự hoàn toàn không từ bỏ quyền lực. Họ chỉ thực hành nó một cách khác đi mà thôi, đặc biệt là thông qua Hiến pháp (…). Tổng thống Miến Điện xét cho cùng không có được quyền lực như nhiều người vẫn nghĩ. Lãnh đạo quân đội vẫn có vai trò quan trọng nhất, bởi kiểm soát được Bộ Quốc phòng, Bộ Cảnh sát và Bộ Biên giới. Ba bộ này do lãnh đạo Quân đội nắm, chứ không phải do Tổng thống hay Quốc hội.

Điều này có nghĩa là các xung đột quân sự, các vi phạm nhân quyền nhắm vào các sắc tộc thiểu số vẫn sẽ tiếp tục, các nhà tranh đấu chính trị vẫn luôn có nguy cơ bị bắt bớ hay bỏ tù. Một loạt các vấn đề chính trị căn bản vẫn hoàn toàn không được giải quyết với cuộc bầu cử vừa qua, sau khi đảng đối lập lên nắm quyền.

Tổng thống Miến Điện cũng không kiểm soát được kinh tế, vì kinh tế nằm trong tay các crony, tức các tập đoàn kinh tế có quan hệ mật thiết với giới quân sự. Các tập đoàn thân hữu này kiểm soát các lĩnh vực quan trọng nhất, như tài nguyên, cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng… Các tập đoàn này có ảnh hưởng rất lớn trong hậu trường đối với chính quyền.

Tổng thống Miến Điện không có ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế này. Các lĩnh vực thuộc quyền của Tổng thống chỉ là : giáo dục, y tế… ».

Bầu cử để trấn an giới đầu tư

Điều phối viên của Hiệp hội Info-Birmanie lưu ý đến dụng ý của giới quân nhân, khi chấp nhận tổ chức một cuộc bầu cử « tự do » : « Miến Điện ra khỏi chế độ độc tài quân sự năm 2011. Cho đến 2013, chúng ta đã thấy có những tiến bộ đáng kể về dân chủ : các tù nhân chính trị được trả tự do, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do hiệp hội có tiến bộ. Nhưng đằng sau những tiến bộ cụ thể này là mục tiêu của giới quân sự : được quốc tế bỏ trừng phạt. Các trừng phạt được dỡ bỏ năm 2013. Giới quân sự cũng hy vọng nhờ vậy thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài.

Việc chính quyền tổ chức tổng tuyển cử cũng có cùng mục tiêu : đó là chứng minh với cộng đồng quốc tế là chính quyền Miến Điện nay đã trở thành dân sự, và có khả năng tổ chức một cuộc bầu cử được coi là ‘‘thành công và công bằng’’.

Mục tiêu cuối cùng của giới quân sự khi làm việc này là trấn an giới đầu tư nước ngoài, trấn an chính phủ các nước Phương Tây, kể cả Trung Quốc, để khuyến khích họ đầu tư rộng rãi, lâu dài ».

Thế lực bao trùm của giới doanh nhân thân quân đội

Bà Cécile Harl giải thích rõ hơn về thế lực của nền kinh tế thân quân đội :

« Tất cả các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Miến Điện phải liên kết với một doanh nghiệp trong nước, và điều này thường được ngầm hiểu là với một doanh nghiệp sân sau của các quân nhân. Chính vì quy định này nên giới quân sự kiểm soát nền kinh tế đến mức khó tin. Cũng vì vậy, mà phe quân sự nắm được chìa khóa của các lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông, gây áp lực buộc chính quyền ra các luật có lợi cho họ.

Các nhà tranh đấu bị bắt bớ thường là những người đụng chạm trực tiếp đến các lợi ích của các quân nhân, hoặc các tập đoàn thân hữu, ví dụ như việc trưng thu đất đai chẳng hạn, hoặc việc khai thác khoáng sản, tài nguyên. Những chủ đề này là những điều mà chính quyền vô cùng thận trọng và hoàn toàn không muốn được công luận đề cập đến, vì điều này liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ.

Về việc trưng dụng đất đai, theo Hiến pháp Miến Điện do giới quân sự thông qua, đất đai hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước. Nhà nước có toàn quyền trưng thu đất của nông dân, nếu điều này phục vụ cho lợi ích quốc gia. Điều này cho phép chính quyền lấy đất của dân để bán cho các doanh nghiệp nước ngoài, hoặc các tập đoàn thân hữu với giới quân nhân. Hàng triệu hecta đất đã bị trưng thu như vậy. Các cuộc biểu tình do nông dân hay các tổ chức bảo vệ nhân quyền tổ chức đều bị trấn áp. Hiện tại có rất nhiều người tranh đấu (mà chúng tôi coi họ là các tù chính trị) lên án việc trưng thu đất đai như vậy bị bỏ tù.

Một ví dụ tương tự là rất nhiều nhà cửa thuộc sở hữu nhà nước đã được ngầm bán cho các tập đoàn thân hữu. Nhiều khu phố đẹp tại Rangoon đã bị bán với giá rẻ mạt ».

Ông Sean Turnell, chuyên gia về kinh tế Miến Điện, làm việc tại đại học Macquarie (Úc), cố vấn cho đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, nhận xét : « Các công ty có quan hệ thân hữu với tập đoàn quân sự cũ là những thế lực được hưởng lợi chủ yếu của giai đoạn mở cửa (vừa qua) » (AFP, 02/11/2015). Theo chuyên gia về Miến Điện Htwe Htwe Thein (đại học Curtin, Úc), ảnh hưởng của tầng lớp doanh nhân thân cận với giới quân sự « sẽ được duy trì, bất kể đảng phái nào nắm quyền ».

Việc quân đội trưng thu đất đai để làm dự án xây đập thủy điện là một nguyên nhân chính dẫn đến các xung đột quân sự với các lực lượng vũ trang thiểu số (ví dụ chiến sự giữa lực lượng Kachin KIA với quân đội bùng nổ tháng 6/2011, sau 17 năm ngưng bắn, bài « Những lưỡng lự của giới lãnh đạo Miến Điện. Trục trặc chưa từng có giữa quân đội và chính quyền », Le Monde diplomatique, 11/2014).

Huyền thoại về vai trò tối thượng của quân đội

Bài « Miến Điện : tiến trình dân chủ hóa vẫn nằm dưới sự kiểm soát» của nhà chính trị học Renaud Egreteau, dành cho Le Monde, nhấn mạnh đến tính chất lưỡng hợp của chính quyền hậu độc tài quân sự, khi các cựu quân nhân khoác áo dân sự điều hành đất nước từ năm 2011. Theo ông, giới quân sự vẫn bảo lưu một cái nhìn « khinh miệt và ngờ vực » đối với hoạt động của giới dân biểu, nghị sĩ.

Để giúp độc giả hiểu thêm về quan điểm nói trên, Renaud Egreteau dẫn ra hai « huyền thoại sáng lập », ra đời trong những năm 50 của thế kỷ trước, khẳng định vai trò tối thượng của quân đội tại Miến Điện. Thứ nhất là thái độ căm ghét giới chính trị và giới hành chính, bị cho là có thiên hướng ích kỷ, chia rẽ, bè phái. Huyền thoại sáng lập thứ hai của quân đội là tự khẳng định mình như là giải pháp duy nhất cho tình trạng lãnh thổ bị chia cắt, do các đòi hỏi của các thế lực quân sự địa phương, sắc tộc thiểu số, hay nước ngoài. Việc quân đội tiếp tục tấn công nhiều nhóm sắc tộc thiểu số trong thời gian qua, bất chấp nỗ lực hòa đàm của chính quyền Tổng thống Thein Sein là một biểu hiện rõ ràng.

Theo nhà chính trị học Renaud Egreteau, truyền thống quân đội được chính trị hóa cao độ, tự cho mình có quyền kiểm soát xã hội, vẫn tiếp tục được duy trì tại Miến Điện ; hàng loạt quân nhân sau khi ra khỏi quân đội vẫn tiếp tục « trung thành » với quân đội, trên cương vị doanh nhân hay làm việc trong lĩnh vực hành chính nhà nước.

Giới doanh nhân muốn đổi diện mạo

Trong quan điểm của giới chuyên gia về Miến Điện, nổi lên hai viễn cảnh chính của tiến trình chuyển đổi dân chủ. Khả năng thứ nhất là quá độ dân chủ sắp tới, nếu muốn thực chất buộc phải nhắm thẳng vào sửa đổi Hiến pháp, với việc chấm dứt đặc quyền của quân đội, khả năng thứ hai là hợp tác với giới quân nhân để thúc đẩy các cải cách.

Một phóng sự của AFP thực hiện trước cuộc bầu cử 08/11 đưa ra nhận định : chính phủ của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, nếu giành chiến thắng, chắc chắn sẽ buộc phải làm việc với các tài phiệt thân quân đội, cho dù chủ trương của đảng đối lập là chống tham nhũng. Tuy nhiên, theo chuyên gia về Miến Điện Htwe Htwe Thein, được AFP trích dẫn, hiện nay thời thế đang thay đổi nhanh chóng, nhiều doanh nhân hàng đầu Miến Điện đang tìm cách thay đổi hình ảnh của mình trước công chúng, với việc đóng góp cho việc xây dựng « một Miến Điện mới, một đất nước dân chủ ». Hai tài phiệt Miến Điện nổi tiếng, ông Zaw Zaw và ông Tay Za, trong thời gian gần đây được truyền thông giới thiệu, như là các nhà tài trợ hào phóng đối với đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ.

Nhà tài phiệt Tay Za tại một trường học tại Myitkyina, do Quỹ Htoo của ông tài trợ.
Nhà tài phiệt Tay Za tại một trường học tại Myitkyina, do Quỹ Htoo của ông tài trợ. Reuters

 
Theo báo The Irrawaddy, do một số nhà ly khai Miến Điện lưu vong tại Thái Lan sáng lập, riêng một đợt quyên góp cho chương trình giáo dục của đảng đối lập hồi năm ngoái đã thu được hơn 500.000 đô la, trong đó một phần quan trọng là từ túi những người giàu nhất Miến Điện (bài "Các tập đoàn thân hữu chuộc lại phẩm giá"). Tác giả bài báo ghi nhận, chính nhà tài phiệt thân chính quyền Zaw Zaw đã từng nói với ông : « cần ủng hộ Aung San Suu Kyi ».

Thế dùng dằng của phe cải cách

Giới quân nhân muốn thay đổi bộ mặt độc tài để được cộng đồng quốc tế công nhận, để trách bị trừng phạt kinh tế, để có thêm nhiều đầu tư là một thực tế phổ biến được ghi nhận, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà cả trong chính trị. Chính quyền của Tổng thống Thein Sein, thường bị nghi ngờ là tập đoàn quân sự khoác áo dân sự, đã có nhiều cải cách dân chủ hóa được ghi nhận. Tuy nhiên, bộ phận được coi là cải cách trong chính quyền của các cựu quân nhân cũng liên tục chịu các áp lực từ thành phần cứng rắn trong quân đội.

Các nhà quan sát ghi nhận tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, trong quan hệ giữa phe cải cách trong chính quyền và quân đội vào thời điểm cuối năm ngoái 2014, khi chính phủ muốn hòa đàm với các lực lượng nổi dậy, trong khi quân đội vẫn tiếp tục chiến tranh ; hay việc nhiều phóng viên bị bắt giam, ngay sau khi chính phủ vừa trả tự do cho các tù chính trị.

Căng thẳng giữa phe cải cách và phe bảo thủ một lần nữa lại trỗi dậy hồi tháng 8/2015, khi Tổng thống dùng đến sự can thiệp của an ninh để phế truất Chủ tịch đảng cầm quyền Shew Mann, trong lúc người này dường như đang chuẩn bị một kế hoạch cải cách lớn, tách cảnh sát khỏi quân đội.

Mô hình liên bang, đa sắc tộc, đa tôn giáo nào cho Miến Điện ?

Tiến trình dân chủ hóa của Miến Điện trong giai đoạn hậu bầu cử sẽ phải đối mặt với các trở lực lớn nào ?

Bên cạnh vai trò lực cản của thế lực bảo thủ, độc đoán trong quân đội, được nhiều người ghi nhận, trong cuộc tọa đàm với đài France Inter, nhà chính trị học Sophie Boisseau du Rocher, chuyên gia về Miến Điện, lưu ý đến vấn đề tái hòa giải dân tộc cực kỳ hệ trọng. Khẳng định tính chất lịch sử của cuộc bầu cử cho phép khép lại 50 năm độc tài quân sự, bà Sophie Boisseau du Rocher nhấn mạnh « chừng nào chưa có hòa giải dân tộc, chừng ấy còn chưa có được sự phát triển bền vững, cũng như dân chủ ». Cho đến nay, thỏa thuận ngừng bắn theo với các lực lượng vũ trang thiểu số theo chủ trương của Tổng thống mãn nhiệm Thein Sein chỉ mới được 8 nhóm nổi dậy, trên tổng số 21 nhóm, hưởng ứng (sau hơn ba năm thương thuyết, hơn 300 lần hội nghị).

Nhà chính trị học nhắc lại Thỏa thuận Panglong 1947, công nhận nền tự trị của các sắc tộc thiểu số, do chủ trương của tướng Bogyoke Aung San (thân phụ của Aung San Suu Kyi), người sáng lập quân đội Miến Điện, nhà tranh đấu cho nền độc lập quốc gia. Đây là một dự án Liên bang mà chắc chắn đảng của Aung San Suu Kyi sẽ phải tiếp nối và phát triển. Và trong lộ trình này, cũng chắc chắn là lãnh tụ đối lập sẽ gặp phải nhiều kháng cự, đặc biệt là về phía các sư sãi dân tộc chủ nghĩa, với các phong trào bài Hồi giáo như Ma Ba Tha, 969  (của nhà sư Ashin Wirathu), đồng nhất Miến Điện với đạo Phật. Tìm được một mô hình mang tính liên bang cho một đất nước đa sắc tộc, đa tôn giáo như Miến Điện là một vấn đề mang tính quyết định, theo quan điểm của nhà nghiên cứu David Camroux, chuyên gia về các hệ thống chính trị Châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế CERI, Viện khoa học chính trị Sciences Po (Paris).

Ông David Camroux khuyến nghị trong giai đoạn hậu bầu cử, cần phải xây dựng được « một liên minh rộng rãi nhất có thể, đối xử tốt với bên thua trong cuộc bầu cử, để cùng nhau tái thiết đất nước ». Xây dựng một liên minh, kể cả với đảng cầm quyền vừa thất cử, là một thách thức không hề nhỏ, như nhận xét của Renaud Egreteau, trong một cuộc phỏng vấn dành cho RFI, hôm 06/11/2015 : « Các giai đoạn hậu bầu cử sẽ ít được (truyền thông) quan tâm hơn nhiều. Trong khi đó, chính các tiến trình thương thuyết, mặc cả về chính trị ấy sẽ lại diễn ra trong tình trạng mù mờ hơn nhiều, và rất có nguy cơ sẽ không được hòa bình và yên ổn như cho đến giờ ».

RFI Việt ngữ xin cảm ơn bà Cécile Harl, điều phối viên của Hiệp hội Info-Birmanie.

Tin bài liên quan

Miến Điện : Một cuộc bỏ phiếu đầy bất trắc

Chính quyền Miến Điện bước đầu công nhận thất bại bầu cử, Trung Quốc đe dọa

Aung San Suu Kyi muốn đối thoại với những người đang cầm quyền

Miến Điện : 80% cử tri tham gia cuộc Tổng tuyển cử lịch sử

Miến Điện : Bầu cử Quốc hội sẽ được tổ chức ngày 08/11

Miến Điện : Họp sáu bên thảo luận về cải cách và sửa đổi Hiến pháp

Miến Điện : Aung San Suu Kyi không thể làmTổng thống

Miến Điện bác dự luật giảm vai trò quân đội trong nghị viện

Miến Điện : Tổng thống kêu gọi đối thoại giữa quân đội và các đảng phái

Tổng thống Miến Điện hứa thả hết tù chính trị trong năm 2013

Miến Điện : Tự do báo chí với những bước đi ngoạn mục

Tổng thống Miến Điện đề cử một nghị sĩ đối lập vào nội các

Bà Aung San Suu Kyi kêu gọi Mỹ bãi bỏ hoàn toàn cấm vận Miến Điện

Báo chí Miến Điện ca ngợi bà Aung San Suu Kyi ngang tầm tổng thống

Ngân hàng Phát triển Á châu : Miến Điện là mỏ vàng tương lai

Miến Điện : Mối quan hệ nhập nhằng với Trung Quốc

Miến Điện : Thận trọng xen lẫn hy vọng về tiến trình cải cách dân chủ

Lãnh tụ đối lập Miến Điện dự lễ kỷ niệm cuộc nổi dậy năm 1988

Chính quyền Miến Điện kêu gọi dân chúng bảo vệ "chế độ dân chủ mới"  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.