Vào nội dung chính
ẤN ĐỘ - BẠO LỰC - PHÂN CẤP

Ấn Độ : Xã hội phân hoá, bạo lực gia tăng

Sau khi giành được độc lập vào năm 1947 và từ khi bản Hiến pháp ra đời, Ấn Độ bãi bỏ và nghiêm cấm phân biệt đối xử giữa các giai tầng xã hội. Nhưng trên thực tế, thay vì mất dần theo thời gian, tình trạng bạo lực vẫn tồn tại và thậm chí còn tăng lên trong những năm gần đây, đặc biệt là nhằm vào tầng lớp "tiện dân", khi tầng lớp này cố thoát khỏi "số phận đã an bài" cho họ.

Thi thể của hai người con của một gia đình "tiện dân" bị chết trong vụ cháy tại làng Sunpedh, Ballabhgarh, bang Haryana, Ấn Độ, ngày 21/10/2015.
Thi thể của hai người con của một gia đình "tiện dân" bị chết trong vụ cháy tại làng Sunpedh, Ballabhgarh, bang Haryana, Ấn Độ, ngày 21/10/2015. REUTERS/Adnan Abidi
Quảng cáo

Trước đây, xã hội truyền thống Ấn Độ bị phân hóa thành bốn tầng lớp (varna) theo hệ thống Bà-la-môn giáo (brāhmana) gồm : nhà sư (Brahmane), chiến binh (Kshatriya), thương gia (Vaishya) và người làm việc tay chân hay gia nhân (Shudra). Ngoài ra, còn phải kể tới lớp người "tiện dân" (Dalit), chiếm 16% dân số, không được xếp vào hệ thống này và bị coi là giai cấp cặn đáy của xã hội, là những người ô uế. Họ không có quyền sống, ăn uống hay cầu nguyện với những người khác.

Các vụ "phạm tội để bảo vệ danh dự" tăng thêm 45% trong vòng hai năm

Thông tín viên RFI Sébastien Farcis từ New Delhi cho biết rất nhiều vụ giết người đã gây chấn động dư luận trong vài tuần gần đây. Điển hình là một vụ tấn kinh hoàng xảy ra vào ngày 21/10/2015 tại một ngôi làng thuộc bang Haryana, nằm ở miền bắc Ấn Độ, chỉ cách New Delhi khoảng vài chục cây số. Ngôi nhà của một gia đình “tiện dân” đã bị thiêu trụi vào buổi đêm, khiến hai trẻ em, 9 tháng và 3 tuổi, thiệt mạng. Có rất nhiều tình tiết nghi vấn tội phạm trong vụ cháy vì gia đình này nằm dưới sự bảo vệ của cảnh sát từ 10 năm nay, do họ bị một nhóm người ở tầng lớp trên đe doạ.

Dân làng Ballabhgarh, bang Haryana, Ấn Độ, 21/10/2015.
Dân làng Ballabhgarh, bang Haryana, Ấn Độ, 21/10/2015. REUTERS/Adnan Abidi

Sau vụ hỏa hoạn, cộng đồng “Dalit” sống tại ngôi làng tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối và cáo buộc cảnh sát đã lơ là công việc để các nghi phạm có cơ hội ra tay hành động. Lực lượng an ninh trong vùng buộc phải bắt giữ nhiều người và đình chỉ công tác một số sĩ quan trước khi chuyển toàn bộ hồ sơ lên cảnh sát liên bang.

Phóng viên Sébastien Farcis cho biết đây không phải là một trường hợp cá biệt. Trong vài tháng gần đây, một người thuộc tầng lớp “tiện dân” đã bị chặt một bàn tay vì anh ta đeo đồng hồ, còn một người khác bị giết chết vì chuông điện thoại di động của người này đổ chuông bài hát ca ngợi sự giải phóng cho người “Dalit”. Trong vòng một năm, các vụ tấn công nhằm vào “tiện dân” đã tăng thêm 20% và tăng thêm 45% từ hai năm nay.

Nhà báo của RFI còn lật lại một số vụ án thương tâm khác xảy ra cách đây vài năm vẫn tại một số ngôi làng thuộc bang Haryana, ở miền bắc Ấn Độ, nơi tình trạng phân biệt miệt thị vẫn rất nặng nề và bạo lực. Vào khoảng giữa năm 2013, một người đàn ông thuộc tầng lớp chiến binh (Kshatriya) đã chặt bàn tay một người đàn ông “Dalit” vì dám uống nước trong giếng nhà ông ta. Một tuần sau, cũng tại bang này, một cặp thanh niên yêu nhau tới gần 20 năm đã bị người nhà của cô gái giết chết vì họ dám bỏ trốn cùng nhau. Cô gái bị thiêu còn chàng thanh niên bị giết chết ngay giữa phố.

Hàng năm, hơn 1.000 “tội ác bảo vệ danh dự” (cách gọi tại Ấn Độ) diễn ra tại các bang ở phía bắc đất nước. Điều đáng buồn là hành động phản đối chính sách thay đổi lại luôn kéo theo nhiều nạn nhân.

“Tiện dân” Ấn Độ vẫn gặp khó khăn để hoà nhập xã hội

Thực trạng đáng thương của những “tiện dân” Ấn Độ không hề thay đổi và Tổ chức Giám sát Nhân quyền Quốc tế (Human Right Watch) đã chất vấn chính phủ Ấn Độ về vấn đề này. Ngày 25/08/2014, tổ chức nhân quyền đã công bố một bản báo cáo về tình trạng phân biệt đối xử vô cùng khắc nghiệt và điều kiện sống không thể chấp nhận được của lớp người bị coi là “cặn bã” của xã hội.

Cho tới nay, những phụ nữ “tiện dân” vẫn chỉ được thuê để dọn phân tại các nhà vệ sinh (lạc hậu, không có nước) để kiếm sống, bất chấp các đạo luật đã được ban hành nhằm chấm dứt cách đối xử miệt thị này. Theo lời kể của bà Meenakshi Ganguly, Giám đốc Human Right Watch khu vực Đông Nam Á, « Buổi sáng, họ mang thúng rổ tớ, bắt đầu dọn dẹp nhà vệ sinh và hót phân. Họ cho những thứ này vào trong rổ, sau đó mang ra phía ngoài làng để vất. Tiếp theo, họ quay về và người làng đưa cho họ thức ăn thừa. Đó là phần lương chính, thỉnh thoảng người ta cho quần áo cũ hoặc một ít tiền không đáng bao nhiêu ».

Một người thuộc tầng lớp "Dalit" tại Jaipur, Ấn Độ.
Một người thuộc tầng lớp "Dalit" tại Jaipur, Ấn Độ. CC - Thomas Schoch

Human Right Watch đã phỏng vấn khoảng một trăm người từng là nạn nhân của nạn hân biệt chỉ vì họ thuộc vào tầng lớp tận cùng của xã hội. Vẫn theo bà Giám đốc Human Right Watch khu vực Đông Nam Á, « Vấn đề nghiêm trọng nhất chính là tình trạng phân biệt miệt thị. Trẻ em “tiện dân” được đi học. Nhưng kể cả ở trường, chúng cũng bị phân biệt. Ngay cả khi các em tiếp tục và kết thúc chương trình học tập, người ta cũng không tạo cơ hội làm việc cho các em. Còn đối với những người cùng làng, thì “tiện dân” chỉ được dọn rác ».

Theo ghi nhận của phóng viên Stéphane Farcis, thành phố Bombay là một trường hợp ngoại lệ. Người “Dalit” có cơ hội hòa nhập tại thủ phủ của bang Maharashtra, nơi mọi rào cản giữa các giai tầng đã bị xoá bỏ để phục vụ mục đích phát triển mọi tham vọng cá nhân và “tinh thần” kinh doanh của thành phố này.

60 năm đi tìm đường "giải phóng"…

Từ 60 năm nay, trên lý thuyết, tầng lớp “tiện dân” được hưởng lợi từ các chính sách “phân biệt tích cực”. Thế nhưng, nhiều người ở tầng lớp thấp chỉ đứng trên tầng lớp “tiện dân”, như người làm việc tay chân, gia nhân (Shudra), cảm thấy sự giải phóng này là một mối đe doạ đối với họ.

Hiện nay, người “Dalit” được hưởng lượng quota khá lớn trong các trường đại học, hay trong cơ quan hành chính nhà nước. Một số người còn trở thành chủ doanh nghiệp và thậm chí là người đứng đầu bang đông dân nhất Ấn Độ. Chính sự “thăng hoa” này đã làm xáo trộn vai trò trong làng : những người thuộc tầng lớp “Dalit” không còn bị phụ thuộc vào tầng lớp trên để sống và thậm chí họ còn cạnh tranh với những người này, đây là điều mà người ở tầng lớp trên không bao giờ chấp nhận.

Tuy nhiên, theo quan sát của thông tín viên Sébastien Farcis, tình hình hiện nay đang có chiều hướng thay đổi. Số liệu thống kê của chính phủ vào năm 2013 cũng khẳng định nhận xét này : số lượng đám cưới giữa những người “Dalit” và với tầng lớp khác đã tăng thêm 25% trong vòng một năm. Còn tại thành phố Bombay, con số này đã tăng tới gấp 4 lần trong vòng từ năm 2011 đến năm 2012.

Hai bang khác, cũng được đánh giá là tự do nhất trong lĩnh vực này, là bang Andhra Pradesh, nằm ở miền trung đất nước, và bang Kerala, với số lượng đám cưới hỗn hợp tăng gấp 2,5 lần trong vòng một năm. Ngược lại, các bang ở miền bắc Ấn Độ được liệt vào danh sách “học sinh cá biệt”, ví dụ như hai bang Rajasthan và Pendjab chỉ tổ chức 200 lễ thành hôn hỗn hợp vào năm 2013, thấp hơn 10 lần so với Bombay tính theo tỉ lệ dân số.

Tuy nhiên, cần phải thận trọng trước con số khả quan trên vì trong năm 2013 có rất nhiều chiến dịch để thúc đẩy các cặp vợ chồng Ấn Độ đi đăng kí kết hôn, trong khi việc này không bị bắt buộc. Ngoài ra, theo các hiệp hội hoạt động địa phương, có nhiều lý do giải thích sự thay đổi phong tục này. Trước hết, Nhà nước cấp một khoản tiền tương đương với 800 euro cho mỗi “tiện dân” kết hôn với một người ở tầng lớp khác. Tiếp theo, phải tính đến tính linh hoạt, nền giáo dục tốt hơn và hội nhập nghề nghiệp của người phụ nữ cũng là những yếu tố quan trọng. Sự giải phóng này giúp họ có cơ hội tự chọn một vị hôn phu như ý, điều này trái ngược hoàn toàn với phong tục trước đây khi họ thường bị gia đình cưỡng hôn.

Chính phủ phải hành động mạnh hơn nữa

Tại Ấn Độ, rất nhiều đạo luật đã tồn tại, như đạo luật được thông qua vào năm 1990 quy định một đặc tội để trừng trị những hành động dã man nhằm vào “tiện dân” và dân tộc thiểu số. Tiếp theo, năm 2013, một đạo luật sửa đổi đã được thông qua để chấm dứt mọi hình thức phân biệt bằng cách đưa thêm vào danh sách những hành vi phân biệt mới, như xúc phạm miệt thị hay bắt người “Dalit” thu dọn phân, một công việc giành cho “tiện dân” trước đây.

Thế nhưng, tình hình thực tế lại cho những kết quả ngược lại và vẫn không chấm dứt được nạn phân biệt miệt thị này. Chính quyền Ấn Độ vẫn phải đối mặt với thách thức làm thế nào để áp dụng được các đạo luật liên quan và làm thế nào để thay đổi quan niệm của cảnh sát, những người vẫn có « thói quen » bảo vệ tầng lớp trên.

Về phần mình, tổ chức Quan sát Nhân quyền Quốc tế yêu cầu chính phủ Ấn Độ làm việc với các cộng đồng địa phương để tiến hành những chương trình hỗ trợ, đặc biệt là trợ giúp về tài chính và chỗ ở cho các gia đình “tiện dân”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.