Vào nội dung chính
CHÂU Á-MIẾN ĐIỆN

Khai thác lậu ngọc bích chiếm tới một nửa GDP Miến Điện

Năm 2014, Miến Điện bán ra thị trường thế giới gần 27,5 tỉ euro ngọc bích (cẩm thạch). Con số này cao gấp 10 lần so với số liệu thống kê chính thức của một bản báo cáo được công bố ngày 23/10/2015. Trong khi đó, người dân Miến Điện bất lực chứng kiến hoạt động đào xới đánh cắp nguồn tài nguyên nước mình.

Khai thác ngọc tại mỏ Hpakant-bang Kachin-Miến Điện.Ảnh 2013.
Khai thác ngọc tại mỏ Hpakant-bang Kachin-Miến Điện.Ảnh 2013. Reuters
Quảng cáo

Theo số liệu của tổ chức phi chính phủ Global Witness, thị trường ngọc bích chiếm tương đương với một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Miến Điện và có tới 80% loại đá quý này được xuất khẩu bất hợp pháp. Còn theo Bắc Kinh, chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã nhập hơn 12 tỉ đô la (10,6 tỉ euro) ngọc bích từ nước láng giềng Đông Nam Á. Trong khi đó, Miến Điện vẫn nằm trong “top” những nước nghèo nhất khu vực Đông Nam Á, dù có nhiều dấu hiệu tăng trưởng từ năm 2011 khi đất nước mở cửa.

Daw Kareen, một người dân sống tại vùng mỏ Hpakant (thuộc bang Kachin, miền bắc Miến Điện) phẫn nộ thốt lên : « Đây là nhà của chúng tôi ! ». Bà chỉ xuống phía dưới, nơi tập trung các khu lán trại dọc theo sườn núi, gần ngôi làng của bà. Người phụ nữ 44 tuổi nói với phóng viên của AFP rằng người dân địa phương đã cố ngăn cản việc khai thác vì các trận lở đất đã vùi lấp rất nhiều ngôi nhà tại đây. Thế nhưng, nỗ lực của họ đều không thành vì « Cảnh sát và quân đội sống dưới sự kiểm soát của các tập đoàn khai thác mỏ ».

“Địa ngục trần gian”

Đường dẫn đến khu mỏ Hpakant rất hiểm trở. Từ một vùng rừng núi bạt ngàn, giờ Hpakant chỉ còn trơ trọi những ngọn đồi trọc. Cái nôi của ngọc bích hiện đang bị khai thác bừa bãi, mà theo đánh giá của tổ chức Global Witness, là « sự cướp phá nguồn tài nguyên có thể được coi là lớn nhất trong “Lịch sử hiện đại”».

Còn người dân thì hàng ngày phải chứng kiến quy mô khai thác ngày càng mở rộng của các công ty. Họ huy động tới cả máy xúc để đào sâu bên trong vách núi mà ngay phía trên là các ngôi làng nơi họ sinh sống.

Theo một số tổ chức phi chính phủ, hàng chục người dân đi mót cẩm thạch đã phải bỏ mạng vì lở đất chỉ trong vài tháng gần đây. Nhiều thảm kịch vì nghèo khổ đôi khi được báo chí địa phương đăng tin, song không giúp thay đổi được cuộc sống của những người mót cẩm thạch, cố tìm vận may khi màn đêm buông xuống.

Một nhân viên xã hội ẩn danh buồn rầu nói : « Đúng là địa ngục trần gian ! ». Thế nhưng, tại vùng Hpakant này, những người thợ mỏ bất hợp pháp bất chấp sinh mạng của mình để hàng ngày vẫn đi tìm giấc mộng giầu sang. Như trường hợp của chàng thanh niên Thei Zaw Win 20 tuổi đến từ miền trung Miến Điện. Anh nói : « Nếu ngày nào tôi cũng đào những cái lỗ này, đó là vì tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ trở nên giầu có ».

« Bùa hộ mệnh » của người Châu Á

Đã có rất nhiều cuộc điều tra về thị trường ngọc bích, song bí ẩn vẫn chưa được khám phá. Nhưng một điều chắc chắn là tại các cửa hàng đồ trang sức ở Bắc Kinh hay Hồng Kông, ngọc bích được ca ngợi là “loại đá của thiên đường”, là biểu tượng của đức hạnh và được bán với giá rất đắt.

Khát vọng của người Trung Quốc với loại đá quý được điểm xuyết mầu xanh bóng đang đẩy mạnh quá trình tàn phá rừng tại vùng núi ở phía bắc bang Kachin, nằm ngay cạnh biên giới với Trung Quốc. Một người bán cẩm thạch trong vùng than thở : « Trong vòng 50 năm nữa, chắc chúng tôi phải đi xem ngọc bích của nước mình được trưng bày tại Trung Quốc ».

Trong chuyến vận động tranh cử tại vùng này, ứng viên đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), bà Aung San Suu Kyi, đã không tới tận vùng Hpakant. Bà Daw Kareen lấy làm tiếc vì « thật sự muốn có một chính phủ lo lắng cho người dân ở đây ».

Thị trường ngọc bích là nguồn cung cấp kinh phí cho các cuộc xung đột vẫn đang diễn ra tại bang Kachin, trong đó có lực lượng « Quân đội vì nền độc lập Kachin » (Kachin Independence Army, KIA), một trong những nhóm dân tộc thiểu số có vũ trang hoạt động chống chính phủ tích cực nhất. 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.