Vào nội dung chính
XÃ HỘI

Bỏ chính sách một con không giúp Trung Quốc chặn đà lão hóa dân số

Có thể xem đây là một cuộc cách mạng nhỏ ở Trung Quốc, một quyết định mang tính lịch sử : Sau ba thập niên được áp dụng, chính sách mỗi gia đình chỉ có một con đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức bãi bỏ ngày 29/10/2015 tại quốc gia đông dân nhất. Kể từ nay, mỗi cặp vợ chồng được quyền có hai con.

Ảnh minh họa chính sách một con của Trung Quốc.
Ảnh minh họa chính sách một con của Trung Quốc. Reuters
Quảng cáo

Về mặt chính thức, nhờ chính sách mỗi gia đình chỉ có một con mà Trung Quốc đã bớt đi được 400 triệu trẻ em và kiểm soát được dân số vốn đã tăng gấp đôi kể từ khi Mao Trạch Đông lên nắm quyền năm 1949 cho đến khi ông qua đời năm 1976. Vào năm đó, dân số Trung Quốc là 950 triệu, so với 1,37 tỷ hiện nay. 

Nhưng việc thực hiện chính sách kiểm soát sinh đẻ gắt gao trong nhiều năm qua đã dẫn đến nhiều vụ lạm quyền và bạo hành đối với phụ nữ ở Trung Quốc, đặc biệt với các vụ cưỡng bức phá thai và triệt sản. 

Các nhà dân số học và nhà kinh tế tại Trung Quốc từ nhiều năm qua đã đề nghị bãi bỏ chính sách mỗi gia đình chỉ có một con, một phần là để điều chỉnh lại sự mất cân đối đáng lo ngại giữa nam và nữ, cũng như nhằm chặn đứng đà lão hóa của dân số Trung Quốc. 

Thế nhưng, chưa chắc là chính quyền Bắc Kinh sẽ đạt được mục tiêu thứ hai. Mặt khác, không phải ai ở Trung Quốc cũng đã thở phào nhẹ nhõm khi nghe thông báo bỏ chính sách một con, như tường trình của thông tín viên RFI Delphine Sureau từ Bắc Kinh : 

« Sau nhiều năm nghe tuyên truyền, dân Trung Quốc đã quen với việc họ là đứa con duy nhất trong gia đình. Bằng chứng là theo kết quả một thăm dò qua mạng WeChat của Trung Quốc (tương đương với WhatsApp), có đến 63% số người được thăm dò trả lời « không » với câu hỏi : « Nếu trong độ tuổi có thể có con, bạn muốn có hai đứa không ? ». Phần lớn những người trả lời « không » là vì những lý do kinh tế. 

Nuôi dạy một đứa con ở Trung Quốc ngày nay rất là tốn kém. Phải làm sao cho chúng được học hành tới nơi tới chốn, phải mướn thầy dạy kèm hoặc gởi con ra nước ngoài. Bây giờ mà phải tăng gấp đôi những chi phí đó, rất nhiều gia đình không kham nổi. Hơn nữa, hiện nay ở Trung Quốc chưa có chế độ trợ cấp gia đình. Ấy là chưa kể tiền thuê nhà hoặc tiền mua nhà trả góp hiện nay ở Trung Quốc cũng là một gánh nặng tài chính rất lớn, có thêm con thì càng tốn kém.  

Trên mạng Weibo, mạng Twitter Trung Quốc, rất nhiều người phản ứng. Một cư dân mạng, dường như là đứa con thứ hai của một gia đình, đặt câu hỏi như sau : « Khi sinh tôi, gia đình đã vét hết tiền tiết kiệm để nộp phạt. Vậy thì Nhà nước có hoàn trả số tiền phạt đó hay không ? ». Một người khác thì cười nhạo : « Vậy bây giờ họ có bắt nộp phạt nếu mình không chịu có thêm đứa thứ hai ? ». Những câu hỏi như vậy phản ánh điều mà nhiều cư dân mạng trách cứ chính quyền, đó là thái độ thiếu thông cảm, cũng như thiếu dự báo của họ. Thật ra, cư dân mạng ở Trung Quốc cũng chẳng bàn tán nhiều về quyết định hôm qua, vì hôm nay chủ đề sinh sản chỉ chiếm hạng thứ tám trong số những đề tài được bình luận nhiều nhất trên mạng Sina Weibo.  

Các nhà kinh tế cho rằng chính sách cho phép gia đình có hai đứa con được đưa ra quá trễ để có thể làm chậm lại đà lão hóa của dân số cũng như tránh các vấn đề kinh tế. »

Hơn nữa, cùng với đà đô thị hóa và cùng với việc nâng cao mức sống, các cặp vợ chồng ở Trung Quốc nay ngày càng có xu hướng tạm hoãn việc sinh đứa con đầu tiên, để tập trung vào công danh sự nghiệp trước đã. Mà thật ra thì ở các thành phố, chi phí cho nhà ở cũng là một gánh nặng tài chính rất lớn, càng có nhiều con thì càng phải tìm nhà lớn hơn, tốn kém hơn. 

Vào năm 2013, chính quyền Bắc Kinh đã từng giảm nhẹ chính sách một con, tức là cho phép gia đình nào mà bố hoặc mẹ là con một được có thêm đứa thứ hai. Nhìn vào tác động của biện pháp này chúng ta có thể rút ra được nhiều điều. 

Vào lúc đó, có 11 triệu cặp vợ chồng được hưởng chính sách nói trên. Nhưng chuyện gì đã xảy ra ? Chỉ có một triệu rưỡi cặp trong số đó là sinh thêm đứa thứ hai. Lần này, theo khẳng định của tờ China Daily, sẽ có đến 100 triệu cặp vợ chồng nằm trong khuôn khổ chính sách mới cho phép có thêm đứa thứ hai. Nhưng ít có khả năng là việc thay đổi chính sách này sẽ làm tăng vọt số trẻ sơ sinh. Các nhà kinh tế cho rằng việc bãi bỏ chính sách một con đến quá trễ để có thể giúp Trung Quốc tránh những xáo trộn kinh tế. 

Cho tới nay, thường chỉ có những cặp vợ chồng nào có đủ khả năng tài chính để nộp phạt mới có thêm đứa thứ hai hoặc hơn nữa, như trường hợp của đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu. Ông đã chấp nhận nộp phạt đến 1 triệu euro vì có 3 đến đứa con « ngoài tiêu chuẩn ». 

Đối với ông Jean-Philippe Béja, giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS) và của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (CERI Sciences Po), việc bãi bỏ chính sách mỗi gia đình chỉ có một con sẽ không dẫn đến những thay đổi lớn lao ở Trung Quốc : 

« Tại các thành phố cũng như tại nhiều nước đang phát triển, các gia đình không muốn có nhiều con. Từ hai năm nay, chính sách một con đã được nới lỏng ở các thành phố ở Trung Quốc, nhưng người ta nhận thấy có rất ít trẻ sinh ra thêm. Ai mà muốn có thêm đứa thứ hai thì phải làm đơn xin. Mặt khác, việc kiểm soát sinh đẻ vẫn còn rất chặt chẽ. 

Chẳng hạn như năm nay ở Bắc Kinh chỉ có 56.000 trẻ sơ sinh là đứa con thứ hai trong gia đình. Con số này rất là thấp, ngay cả chỉ tính trên dân số của riêng thủ đô Trung Quốc. Dân thành thị cho rằng chi phí để nuôi một đứa trẻ cho đến khi vào đại học là quá tốn kém và họ không hề có ý định sinh thêm đứa thứ hai. Mà đa số đó là các cặp vợ chồng trước đây là con một, tức là họ không còn quen với những gia đình đông con.  

Còn tại các vùng nông thôn, đã từ lâu các gia đình có hai đứa con rồi. Ở một số nơi thậm chí có nhiều con hơn. Như vậy là ngay cả ở nông thôn cũng sẽ không có thay đổi gì lớn. Mặt khác, ở nông thôn, chính quyền sẽ tiếp tục ngăn cấm các gia đình có thêm đứa thứ ba hoặc thứ tư, trong khi chính ở đây mà vấn đề sinh sản được đặt ra cấp thiết nhất. »

Triển vọng tươi sáng cho Disneyland Thượng Hải 

Trong khi dân chúng Trung Quốc đón nhận không mấy hào hứng việc bãi bỏ chính sách một con, thì lãnh đạo tập đoàn công viên giải trí Disney hôm nay đã nhiệt liệt hoan nghênh, cho rằng quyết định ra rất đúng lúc, bởi vì được đưa ra ngay trước khi mở cửa một công viên Disneyland ở Thượng Hải. 

Công viên này đã được xây từ năm 2011, theo lẽ đã bắt đầu đón công chúng ngay từ năm nay, nhưng tập đoàn Disney đã quyết định dời ngày mở cửa sang năm sau. Với chi phí lên tới 5,5 tỷ đôla, đây sẽ là công viên giải trí lớn nhất ở Hoa lục và tập đoàn Disney hy vọng sẽ thu hút tầng lớp trung lưu đang gia tăng rất mạnh ở quốc gia đông dân nhất thế giới này. 

Trong khi đó, cổ phiếu của các công ty sản xuất các sản phẩm và thức ăn cho trẻ sơ sinh thì tăng vọt trên các thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến, do các nhà đầu tư đổ xô mua các cổ phiếu này. Nhưng các nhà phân tích cũng cho rằng « phong trào » đó sẽ nhanh chóng lắng dịu. Nói chung, hiện còn rất khó xác định được tác động kinh tế của việc bãi bỏ chính sách một con. Nhưng việc thay đổi chính sách đã đến quá trễ để có thể đảo ngược xu hướng lão hóa của dân số Trung Quốc. Viễn cảnh một « babyboom » theo kiểu Trung Quốc còn rất xa vời. 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.