Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Afghanistan : Chính quyền tham nhũng, Taliban bành trướng

Đăng ngày:

Sau thắng lợi quân sự ngắn ngủi của Taliban tại một thành phố lớn miền bắc Afghanistan cuối tháng 9/2015, Hoa Kỳ buộc phải tuyên bố thay đổi kế hoạch rút hết các đơn vị quân đội vào năm 2016, để tránh cho chính quyền Afghanistan một thảm họa như năm 1989. Theo nhiều nhà quan sát, Afghanistan sau 14 năm can thiệp quân sự của Phương Tây dường như đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, nếu không muốn nói là « bế tắc ». Công luận quốc tế lo ngại một kịch bản Irak với Afghanistan.

Hơn ngàn phụ nữ biểu tình tại Kabul, ngày 23/03/2015, lên án vụ hành hình, thiêu sống chị Farkhunda,  27 tuổi, chỉ vì bị nghi đốt một cuốn kinh Coran.
Hơn ngàn phụ nữ biểu tình tại Kabul, ngày 23/03/2015, lên án vụ hành hình, thiêu sống chị Farkhunda, 27 tuổi, chỉ vì bị nghi đốt một cuốn kinh Coran. REUTERS/Omar Sobhani
Quảng cáo

Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, chỉ trong bảy tháng đầu năm nay, khoảng 4.700 binh sĩ và cảnh sát Afghanistan đã thiệt mạng trong chiến đấu, 7.800 người khác bị thương. Chiến lược an ninh của Tổng thống Ashraf Ghani, lên nắm quyền từ một năm nay, nhìn chung có thể coi như bước đầu thất bại, cho dù quân đội và cảnh sát Afghanistan đông đến 350.000 người. Trên thực tế, khả năng phải cầu viện lâu dài đến quân đội Mỹ là điều liên tục được chính quyền Kabul và giới chuyên gia nhắc đến, không phải đợi đến biến cố Kunduz. Trong khi đó, với Hoa Kỳ, Afghanistan là cuộc can thiệp quân sự tại nước ngoài kéo dài nhất trong lịch sử.

Riêng về vụ thành phố Kunduz bị Taliban xâm chiếm chớp nhoáng, có thể thấy chủ trương sử dụng lực lượng dân quân địa phương đã không cho phép bảo vệ được thành phố này.

Thực lực của Taliban ra sao so với chính quyền Afghanistan, và đâu là các cội rễ của tình trạng khủng hoảng nói trên ? Về chủ đề này, tạp chí Địa chính trị của RFI có cuộc tọa đàm với nhà chính trị học Mariam Abou Zahab, Viện chính trị Paris và ông Gérard Chaliand, chuyên gia về chiến tranh nổi dậy và chủ nghĩa khủng bố, tác giả cuốn « Lịch sử chủ nghĩa khủng bố từ thời Cổ đại đến Daech », nxb Fayard.

Kunduz : Nơi cư dân bị chính quyền bỏ rơi

Trước hết, nhà chính trị học Mariam Abou Zahab nhận định về ý nghĩa của việc Kunduz bị Taliban xâm chiếm :

« Đối với Taliban, biến cố này mang tính biểu tượng. Đây chính là thành phố cuối cùng mà lực lượng này bám trụ lại trước khi bị quét sạch vào năm 2001. Điều này rất có ý nghĩa với họ. Kunduz là một thành phố, nơi có khá đông cư dân người Pashtun trước năm 2001. Bởi vì sau thời điểm này, có một áp lực rất mạnh đối với người Pashtun ở miền bắc. Tất cả cư dân người Pashtun đều bị cáo buộc là ủng hộ Taliban, trong khi thực tế không phải như vậy. Do đó đã có những đợt di cư rất lớn.

Tại Kunduz hiện nay, có đủ các sắc tộc Afghanistan : người Uzbek, người nói tiếng Ba Tư, người Tadjik…, một thành phố mà sự pha trộn sắc tộc rất mạnh, sự tương phản cũng rất mạnh, như khắp nơi tại miền bắc. Và đây cũng là nơi mà cư dân cảm thấy hoàn toàn bị chính quyền trung ương Kabul bỏ rơi. Họ bị bỏ mặc cho sự hoành hành của các lực lượng dân quân. Các nhóm dân quân thuần túy sắc tộc, lợi dụng tình hình này, để gieo rắc tai họa đối với những cư dân thuộc các sắc tộc khác.

Các cư dân tại Kunduz bị kẹt trong điều kiện như vậy. Sở dĩ họ không kháng cự lại Taliban mạnh hơn, không hẳn đã bởi vì họ thân Taliban, mà chính là vì họ đã không còn chịu nổi chính quyền cũng như lực lượng dân quân. Họ muốn tình hình phải thay đổi ».

Theo một nhà hoạt động hiệp hội người Afghanistan có mặt tại chỗ, quân Taliban đã lợi dụng được xung đột giữa tỉnh trưởng người Pashtun, do Tổng thống bổ nhiệm và lãnh đạo cảnh sát, thuộc sắc tộc Tadjik, do Thủ tướng bổ nhiệm, nắm quyền quản lý các đơn vị tự vệ địa phương, trong bối cảnh gần 70% tỉnh này nằm trong vùng ảnh hưởng của phe Hồi giáo Taliban.

Taliban : Một nhà nước song song

Chuyên gia về chiến tranh nổi dậy Gérard Chaliand đưa ra một nhận định chung về sức mạnh của Taliban :

« Nếu chúng ta so sánh theo dòng thời gian, đã có lúc lực lượng Taliban chỉ rất nhỏ bé, hoạt động trong cộng đồng sắc tộc Pashtun, ở miền nam. Còn ở miền bắc, tình hình là tương đối yên ắng. 2011 là năm xảy ra những biến chuyển mạnh mẽ. Và kể từ đó, xu thế này ngày càng mạnh : có nghĩa là lực lượng Taliban có mặt ở khắp mọi nơi. Các vùng nông thôn nằm dưới quyền kiểm soát của Taliban.

Tại các làng mạc, chính lực lượng này nắm quyền phân xử về luật pháp. Về mặt quản lý hành chính, lực lượng Taliban đã tự khẳng định như một Nhà nước. Hai ông Ghani và Karzai chỉ kiểm soát các thành phố. Thậm chí một số đô thị tỉnh lẻ cũng còn không nằm trong quyền kiểm soát của họ nữa.

Cần phải tính đến sức mạnh của Taliban, bởi cho dù đàm phán thế nào, tình hình tại Afghanistan là nằm trong tay Taliban. Cái mà ta có thể làm được là bảo vệ các thành phố ».

Nhà chính trị học Mariam Abou Zahab giới thiệu một phân tích khác về tính chất quốc gia của phong trào Taliban và uy tín của Taliban so với chính quyền :

« Không, điều này không gây ngạc nhiên, nếu chúng ta hiểu một chút về lịch sử của Afghanistan trong khoảng thời gian bốn thập niên trở lại đây. Lực lượng Taliban từ lâu đã vượt khỏi khu vực ảnh hưởng truyền thống, vùng nông thôn phía nam, với đa số cư dân thuộc sắc tộc Pashtun. Hiện giờ, có cả người Uzebek, người Tadjik, người Hazara tham gia. Taliban đã trở thành một phong trào quốc gia. Phong trào này trở nên quốc gia chủ nghĩa hơn bao giờ hết.

Phong trào này có được sự thống nhất là dựa trên nhu cầu về an ninh đang ngày càng lớn. Bởi vì, chính lực lượng này đã mang lại cho các vùng nông thôn một bảo đảm tối thiểu của một Nhà nước. Ví dụ như họ đứng ra xét xử.

Điều này rất quan trọng đối với người Afghanistan, vì chính quyền Kaboul tỏ ra hoàn toàn bất lực, tham nhũng, với một tầng lớp ưu tú chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân mình, đến túi tiền của mình. Giới trẻ ở các đô thị thấy rõ điều này, chính vì vậy họ rời bỏ đất nước, bởi họ không nhìn thấy tương lai ở đâu cả.

Một điều nghịch lý xảy ra là, sau 15 năm đất nước nằm dưới quyền kiểm soát của các lực lượng quân đội nước ngoài, với bao nhiêu thiệt hại về nhân mạng, bao nhiêu đầu tư, giờ đây Taliban lại tỏ ra là bức tường thành duy nhất có thể ngăn được sự xâm nhập của các lực lượng khác, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo ».

Can thiệp quân sự bất chấp thực tế

Đối với nhà nghiên cứu Gérard Chaliand, để tình trạng bế tắc như hiện nay, chính quyền của Tổng thống Obama ở trong tình thế phải nỗ lực để thoát ra khỏi các sai lầm của người tiền nhiệm :

« Tổng thống Obama lên nắm quyền với di sản của George Bush, người đã chủ động tiến hành một cuộc chiến tranh năm 2003 tại Irak. Đây là một cuộc chiến tồi tệ. Obama tìm cách thoát khỏi di sản này. Kết quả chúng ta đã biết. Hoa Kỳ thoát khỏi cuộc chiến, nhưng vấn đề hoàn toàn không được giải quyết. Tình hình thậm chí còn ngược lại.

Với thời gian, chúng ta nhìn trở lại cuộc viễn chinh tại Afghanistan, được coi là một cuộc chiến đúng đắn. Bắt đầu từ năm 2002, Washington cho rằng tình hình tại đây đã ổn định, chỉ cần duy trì 10.000 binh sĩ, để chuẩn bị về tâm lý và chính trị, cho cuộc chiến tại Irak sắp tới, nhằm mang lại một thay đổi lớn tại Trung Đông.

Thảm bại bắt đầu từ đây. Bắt đầu từ năm 2004, Taliban bắt đầu trỗi dậy trở lại tại Afghanistan. Thoạt tiên lực lượng này được Pakistan huấn luyện, trong khi Hoa Kỳ bỏ tiền cho quân đội và chính phủ Pakistan. Washington đã tham gia vào cuộc chơi đánh lừa lẫn nhau này cho đến khi tiêu diệt được Ben Laden tại Pakistan vào năm 2011.

Ông Obama đã muốn giải quyết vấn đề Afghanistan, giống như Guantanamo. Trên thực tế, ông đã không giải quyết được Guantanamo, cũng không giải quyết được Irak, và Afghanistan. Ông đã buộc phải theo lời khuyên của các cố vấn quân sự, nếu không muốn phải gánh chịu thêm các thất bại khác.

Tôi muốn bổ sung thêm là, chúng ta phải gánh thêm một thất bại khác tại Libya. Nếu nói đến chính sách toàn cầu, của Hoa Kỳ. Tại Libya, theo sáng kiến của Tổng thống Pháp Sarkozy, và Thủ tướng Anh Cameron, ta đã nhận được một sứ mạng của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để bảo vệ thường dân, nhưng ta đã sử dụng sứ mạng này để đi quá xa. Ta đã lật đổ một kẻ độc tài, và cho rằng đây là điều cần làm. Nếu hành động này là do Nga hay Trung Quốc làm, thì chắc chắn ta sẽ cho rằng không thể chấp nhận được, vì làm như vậy là xâm phạm quyền hạn của Hội đồng Bảo an.

Nhìn trên tổng thể, kết quả hành động của chúng ta, với tư cách là lực lượng đồng minh, là rất kém cỏi. Có thể nói, ông Obama bị cầm tù trong tình trạng này, và chính quyền Mỹ đã không thành công với bất cứ trường hợp nào, để cho thấy là vấn đề đã được giải quyết ».

Về vấn đề này nhà chính trị học Mariam Abou Zahab nhận xét thêm :

« Tôi hoàn toàn đồng ý về điểm này. Hoa Kỳ, cũng như Liên Xô trước đây, đã can thiệp vào một cuộc nội chiến mà họ hoàn toàn không thực sự hiểu những điều cơ bản. Họ không quan tâm đến lịch sử của vấn đề. Đối với người Mỹ, năm 2001 là năm số 0.

Cần phải thấy rằng trước cuộc cách mạng 1978 tại Afghanistan, đã là nội chiến trong suốt những năm 1970 giữa các nhóm xã hội. Từ năm 1972, có hiện tượng sắc tộc hóa cuộc nội chiến này. Đây là giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử Afghanistan, từ 1972 đến 1976, chứ không phải thời Taliban sau này. Kabul từng bị phá hủy hoàn toàn. Sau đó, là các xung đột giữa những nhóm theo chủ trương hiện đại với truyền thống, giữa những người theo các hình thức tôn giáo mới với hình thức cũ. Những điều này các lực lượng can thiệp đã hoàn toàn không hiểu. Kết quả hiện tại là ngõ cụt ».

Hồi giáo và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc

Sự trỗi dậy của phong trào Taliban theo Hồi giáo nằm trong một xu thế chung trong xã hội Afghanistan như nhận xét của chuyên gia Gérard Chaliand :

« Có thể tóm lại là, trong vòng 30 năm qua, có thể thấy hệ thống bộ tộc gần như hoàn toàn biến mất, các thủ lĩnh truyền thống bị loại ra bên lề. Và rõ ràng là có sự trỗi dậy không thể bác bỏ của một chủ nghĩa Hồi giáo, mà tôi gọi là ‘‘mang tính chiến đấu triệt để’’. Có thể nói, đây là một lối thoát cho nỗi bất hạnh của dân chúng ».

Taliban không phải là toàn bộ thế giới Hồi giáo tại Afghanistan. Để có một cái nhìn toàn diện hơn về phong trào Taliban, nhà chính trị Mariam Abou Zahab nêu ra một số đặc điểm mới và riêng của sự biến đổi của đạo Hồi ở quốc gia này, mà sự trỗi dậy của nó gắn liền với một tinh thần dân tộc mới.

« Về quan hệ với hai hệ phái Sunni và Shia, lực lượng Taliban chưa bao giờ thảm sát người Shia vì lý do thuần túy tôn giáo. Nếu có các xung đột, giết chóc, như giữa Taliban với người Hazara và ngược lại, thì là do chiến tranh, trong một bối cảnh khác, hiện tượng này mang tính sắc tộc, chứ không mang tính tôn giáo.

Về những gì liên quan đến đạo Hồi nói chung, tại Afghanistan đã có một sự thay đổi sâu sắc. Chúng ta đã dựng lên tại châu Âu hình ảnh về một Afghanistan thời kỳ trước xâm lược của Liên Xô, với một đạo Hồi rất mềm mại. Điều này có thể phù hợp với một bộ phận dân cư đô thị, nhưng không đúng với thực tế mọi nơi, ngay vào thời gian này. Ví dụ như có sự khác biệt rất lớn giữa đạo Hồi của giới thượng lưu, và của bình dân. Nhưng thực tế này vào thời điểm đó đã không gây ra vấn đề gì.

Tuy nhiên, sau phong trào thánh chiến chống chế độ cộng sản Xô viết trong những năm 1980, lúc đó có một hành động kháng chiến nhân danh Hồi giáo, thống nhất được nhiều người. Và sau đó, rất nhiều người muốn khẳng định di sản Hồi giáo thời thánh chiến. Có một sự cạnh tranh rất lớn trong chuyện này.

Chúng ta thấy lớp trẻ hiện nay không có hy vọng gì vào tương lai, trong lúc đó, họ lại tiếp xúc với đủ thứ thông tin qua mạng internet. Họ cũng tiếp xúc với cái mà nhiều người gọi là ‘‘làn sóng văn hóa từ Ấn Độ’’. Hồi giáo trong bối cảnh đó đã xuất hiện như một sức mạnh giải thoát. Có một quá trình salafi hóa đạo Hồi, một đạo Hồi muốn trở nên ‘‘duy lý’’, muốn trở về với một truyền thống được coi là hoàn toàn thuần khiết. Ví dụ như việc phá bỏ một số nơi thờ cúng, không theo một số thực hành tôn giáo vốn phổ biến tại khu vực. Tấn công vào thói quen này quả là rất khó, bởi ở các vùng nông thôn, người ta có xu hướng theo nhiều thực hành tôn giáo, mà không đặt thành vấn đề. Chúng ta thấy phụ nữ Afghanistan theo hệ phái Sunni hiện nay đến thánh đường nhiều hơn, khi mà trước đó họ chỉ cầu nguyện tại nhà. Đây là một hiện tượng ngày càng phổ biến tại đô thị, rất đáng quan tâm. (…)

Bên cạnh đó, tại nhiều thị trấn nhỏ, có xu hướng diễn ra những cuộc biểu tình với yêu sách, thẻ căn cước cá nhân phải ghi nhận trở lại việc chủ nhân là tín đồ Hồi giáo, và thành phần sắc tộc của mình. Những người biểu tình khẳng định họ là người Hồi giáo tốt hơn cả những người Hồi giáo láng giềng, nhất là tốt hơn rất nhiều với người Hồi giáo Ả Rập. Chắc chắn không phải là người Ả Rập hay Uzebek sẽ đến dạy họ về đạo Hồi ».

Ý thức quốc gia dân tộc : Muôn vàn khó khăn

Về tính chất dân tộc chủ nghĩa của Taliban, bà Mariam Abou Zahab cho biết : «Taliban chưa bao giờ mang bom tấn công các xã hội phương Tây. Mục tiêu của Taliban chỉ là kiểm soát chính quyền tại Afghanistan, xây dựng lại Nhà nước Afghanistan. Ngay từ đầu, Taliban đã là một lực lượng dân tộc chủ nghĩa theo chủ thuyết Hồi giáo. Và điều này không thay đổi cho đến nay. Pakistan lo ngại Taliban sẽ dấy lên một chủ nghĩa dân tộc Pashtun. Vì vậy mà Islamabad đã cố gắng đặt các điều kiện. Họ lo sợ ảnh hưởng của Ấn Độ ».

Sự phát triển của một phong trào Hồi giáo triệt để của sắc tộc Pashtun liên hệ mật thiết với vận mệnh của quốc gia láng giềng Pakistan. Người Pashtun, với khoảng 30 triệu cư dân, chiếm 25% dân số của cường quốc hạt nhân Nam Á. Cộng đồng Pashtun đông hàng thứ hai sau sắc tộc đa số Punjabi.

Riêng tại Afghanistan, sắc tộc Pashtun chiếm khoảng 40% dân số, người Tadjik khoảng 27%, hai sắc tộc lớn khác là Uzbek 9%, Hazara 9 % (Haraza là các cư dân nói một phương ngữ Ba Tư – giống với tiếng Iran – và đa số theo hệ phái Hồi giáo Shia). Nỗ lực áp đặt quyền thống trị của người Pashtun lên toàn đất nước của nhiều chính quyền Afghanistan trong một thời gian dài nhìn chung không thành công [Hai ngôn ngữ chính thức hiện tại được sử dụng song hành là tiếng của người Pashtun và tiếng Dari (hay Farsi), một phương ngữ Ba Tư được người Hazara, Uzbek, Tadjik, Turkmen… sử dụng. Theo một số người am hiểu, mâu thuẫn sắc tộc sâu xa giữa người Pashtun với người nói tiếng Ba Tư hiện nay có nguồn gốc từ giữa thế kỷ XVII, khi đế quốc Ba Tư rộng lớn thời đó tan rã phải nhượng lại nhiều vùng đất cho sắc tộc Pashtun hùng mạnh]. Theo nhiều nhà quan sát, bên cạnh những biến động chính trị - quân sự ghê gớm trong nửa thế kỷ qua -, chính sự thiếu vắng một ý thức quốc gia dân tộc đủ mạnh là một lý do cơ bản khiến cho việc xây dựng một Nhà nước dân tộc hiện đại tại Afghanistan gặp muôn vàn khó khăn.

Lực lượng Taliban gặt hái được nhiều ảnh hưởng chính trên một cái nền xã hội phân tán như vậy, trong lúc chính quyền Kabul thân phương Tây bị đông đảo công chúng đánh giá là tha hóa và bất lực. Như nhà chính trị học Mariam Abou Zahab đã lưu ý : Taliban được nhiều người nhìn nhận như là một bức « trường thành » duy nhất có thể ngăn chặn được tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech (mức độ ảnh hưởng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Afghanistan hiện tại có nhiều cách đáng giá khác nhau).

Về sức hấp dẫn của Taliban, với tư cách là một Nhà nước song song, một lực lượng chính trị có khả năng thay thế, nhà báo Aziz Fard đài RFI cảnh giác :

« Nói chung, mọi người ý thức được là lực lượng Taliban, trên bình diện chính trị, ứng xử, là những kẻ tàn bạo, nhưng họ lại là những người ‘‘chân thực và chính trực’’, đến mức mà họ khiến người khác cũng trở nên ‘‘chân thực và chính trực’’. Một ví dụ người ta thường dẫn ra là, khi Taliban nắm quyền, bạn có thể để cửa hàng mở toang, rồi đi cầu nguyện, khi trở về, chắc chắn không có ai động đến tiền bạc của bạn. Trong khi, hiện nay, chúng ta phải đối diện với đủ loại trộm cắp. Điều này, theo nhiều nhân chứng mà tôi biết, là có thực. Vấn đề là chúng ta có được một sự an toàn như vậy, nhưng phải trả giá nào ?

Cái giá mà mọi người phải trả cho sự an toàn như vậy vào thời kỳ đó chính là toàn bộ sự tự do của họ. Họ đã phải trả cho Taliban toàn bộ tự do của mình để có được sự an toàn như vậy ».

Chia sẻ quyền lực và chống chiến tranh ủy nhiệm

Đối với nhiều chuyên gia, khủng hoảng Afghanistan vô cùng nan giải. Chính quyền Kabul không có con đường nào khác là phải đàm phán với phe Taliban để tìm kiếm một giải pháp chính trị. Tuy nhiên, đàm phán là chuyện cũng không hề dễ bởi nhiều lý do : nội bộ Taliban không dễ tìm được tiếng nói thống nhất, sự mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Kabul cũng không kém, các nhóm cực đoan trong Taliban thường xuyên viện đến bạo lực mà họ coi là để trả đũa, ảnh hưởng hết sức khó lường từ phía lực lượng Taliban Pakistan bên kia biên giới… Trong thời gian qua, chính trường Afghanistan đã có một số diễn biến tích cực, như cuộc chuyển giao quyền lực thành công vô cùng hiếm hoi trong lịch sử quốc gia Trung Á này, với cuộc bầu cử Tổng thống dân chủ năm 2014 – nhờ môi giới của Hoa Kỳ -, sự xích lại gần nhau giữa Kabul và Islamabad. Tuy nhiên, các tác động tích cực đã không kéo dài.

Liệu hòa bình có sớm trở lại với đất nước đau thương nằm ở vị trí trung tâm chiến lược của lục địa Châu Á ? Liệu các bên xung đột trong và ngoài nước có đi đến được một nhận thức chung về quyền lợi cần thỏa hiệp để chấm dứt tình trạng đối kháng triền miên ? Liệu Afghanistan và các quốc gia láng giềng có tìm được cách để xây dựng được một quan hệ cộng đồng và láng giềng ổn định, bền vững theo mô hình Liên Hiệp Châu Âu (như ý tưởng của nhà báo Aziz Fard) ?

Xin khép lại tạp chí tuần này về chủ đề « chính quyền tham nhũng, Taliban bành trướng », lối thoát nào cho Afghanistan, với nhận định của nhà chính trị học Mariam Abou Zahab :

« Làm thế nào để thoát ra khỏi tình trạng này ? Giải pháp phải là sự chia sẻ quyền lực. Tất cả mọi bên đều có lợi ích chung trong việc này. Việc chia sẻ quyền lực phải bắt đầu với việc triệt thoái các lực lượng nước ngoài, với các nhịp độ cụ thể tùy theo. Bởi phía Taliban không chấp nhận sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Afghanistan. Giải pháp này cũng đòi hỏi các nước láng giềng chấp nhận các quy tắc về mức độ ảnh hưởng mà họ muốn có tại Afghanistan. Cần phải tránh các cuộc chiến ủy nhiệm, sử dụng Afghanistan để giải quyết các việc có lợi cho mình, ví dụ như giữa Ấn Độ và Pakistan.

Chúng ta biết, hiện tại đã có cạnh tranh giữa người Trung Quốc và người Ấn Độ để kiểm soát các nguồn tài nguyên, khoáng sản tiềm tàng tại Afghanistan. Chúng ta biết là Afghanistan hiện nay, cũng như vào thế kỷ XIX là một đất nước không đủ khả năng tự túc, nếu Hoa Kỳ rút đi, và không rót tiền nữa, toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ ».

RFI Việt ngữ xin cảm ơn nhà báo Aziz Fard.

Tin bài liên quan

Afghanistan :Taliban tấn công trụ sở Quốc hội tại Kabul

Tổng thống Afghanistan cáo buộc Pakistan dung dưỡng khủng bố

Afghanistan và Taliban đàm phán hòa bình tại Pakistan

Afghanistan : Căn cứ địa của đế chế ma túy thế giới

Nhiệm vụ chiến đấu của Mỹ tại Afghanistan kéo dài thêm một năm

NATO không bỏ rơi Afghanistan

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.