Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CHÂU ÂU - HẠT NHÂN

Trung Quốc chen chân vào thị trường điện hạt nhân Châu Âu

Chuyến công du Anh Quốc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dĩ nhiên đã được báo chí Pháp ngày 21/10/2015 tiếp tục quan tâm, nhưng sự kiện nổi bật được hầu hết các báo chú ý, như tờ Les Echos nêu bật, là ngày thứ Tư hôm nay là ngày dành cho các hợp đồng và thỏa thuận đối tác với các tập đoàn xí nghiệp Trung Quốc, quan trọng nhất là về lãnh vực điện hạt nhân.

Khu mặt bằng dành cho công trình xây dựng trung tâm hạt nhân Hinkley Point C.
Khu mặt bằng dành cho công trình xây dựng trung tâm hạt nhân Hinkley Point C. REUTERS/Suzanne Plunkett
Quảng cáo

Nhận định chung về chuyến thăm, Les Echos ghi nhận trong một hàng tựa trang nhất : « Tập Cận Bình ở Luân Đôn : Thảm đỏ và tranh cãi ». Tờ báo tả cảnh đón tiếp huy hoàng vào hôm qua : lãnh đạo Trung Quốc và phu nhân ở Hoàng cung, đi xe kiệu của Nữ hoàng v.v...

Có điều Les Echos cũng ghi nhận là ông Tập Cận Bình đã không tránh được biểu tình phản đối, trong đó có người của tổ chức Ân Xá Quốc tế và Tây Tạng Tự do (Free Tibet). Phủ Thủ tướng Anh đã khẳng định rằng Thủ tướng Cameron sẽ nêu vấn đề nhân quyền với ông Tập Cận Bình cũng như vấn đề thép mà Trung Quốc bị tố cáo phá giá.

Tập đoàn Pháp EDF giúp hạt nhân Trung Quốc tiến vào Tây Âu

Nhưng sự kiện nổi bật trong chuyến thăm Anh của lãnh đạo Trung Quốc mà các báo hôm nay đều chú ý là, như tờ Les Echos nêu lên, là ngày thứ Tư hôm nay là ngày dành cho các hợp đồng và thỏa thuận đối tác với các tập đoàn xí nghiệp Trung Quốc, quan trọng nhất là về lãnh vực điện hạt nhân. Tập đoàn điện lực Pháp EDF sẽ thông báo việc liên minh với tập đoàn Trung Quốc CGN, xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân EPR ở Hinkley Point, bờ phía Tây của Anh.

Báo Le Monde, ngoài việc chú ý đến cuộc đón tiếp long trọng, cũng dành hàng tựa lớn trang đầu cho sự hợp tác về hạt nhân, và nhìn thấy : « Trung Quốc mở cho mình cánh cửa hạt nhân Châu Âu ». Tờ báo giải thích là hai tập đoàn Trung Quốc sẽ cùng với EDF, đầu tư vào 2 lò phản ứng hạt nhân ở Hinkley Point, tổng trị giá 33 tỷ euro. Thỏa thuận đối tác sẽ được ký vào hôm nay. Le Monde còn cho biết hai tập đoàn Trung Quốc đầu tư 33,5%. Đề án ở Hinkley Point, theo tờ báo, chỉ là viên gạch đầu tiên của công cuộc đối tác Pháp -Trung toàn diện hơn ở Anh Quốc.

Còn Le Figaro, ở trang đầu tiên phần phụ trang kinh tế, đã chạy hàng tít đậm : Hạt nhân Trung Quốc liên kết với EDF để bước vào Châu Âu và nói thêm chi tiết là hai tập đoàn điện lực Trung Quốc- CGN và CNNC- sẽ tham gia vào việc xây dựng hai lò phản ứng EPR và chuẩn bị đặt lò phản ứng của mình tại Anh Quốc- lò phản ứng với công nghệ của Trung Quốc.

Le Figaro phân tích mục tiêu của Trung Quốc là nhằm thu thập công nghệ học và tìm đối tác có tiếng trong lãnh vực này, để rồi bước vào thị trường Châu Âu. Theo Le Figaro Trung Quốc đã trở nên một đối tác khó thể bỏ qua do triển vọng về thị trường của họ và cũng do vốn liếng họ có thể mang lại. Hai tập đoàn Trung Quốc đã được xem như những đối tác duy nhất khả dĩ tài trợ được cho các lò EPR ở Hinkley Point.

Riêng báo La Croix thì cho biết thêm nhiều chi tiết về Thỏa thuận đối tác Pháp-Trung trong lãnh vực điện hạt nhân tại Anh Quốc, một thỏa thuận đạt được sau nhiều năm đàm phán. Đối với La Croix, đây là một thỏa thuận rất có lợi cho Trung Quốc, trước hết là vì các tập đoàn hạt nhân Trung Quốc có điều kiện phát triển mạnh. Một chuyên gia kinh tế Pháp nhận định : « Dù năng lượng hạt nhân chỉ chiếm 1% lượng tiêu thụ tại Trung Quốc, nhưng ngành công nghiệp này đang trong chiều hướng nở rộ với 52 lò phản ứng được dự trù bên cạnh 21 lò đang tồn tại ».

Quan trọng hơn cả, theo La Croix, là đề án Hinkley Point, được cho là công trình lớn nhất Châu Âu từ trước đến nay. Đây là cánh cửa giúp Trung Quốc thâm nhập vào thị trường quốc tế vì lẽ Bắc Kinh có dịp xuất khẩu lò phản ứng riêng của mình mang tên Hoa Long (Hualong) sẽ lắp đặt tại thị trấn Bradwell, phía đông bắc Luân Đôn.

Còn đối với tập đoàn Pháp EDF, liên minh với Trung Quốc mang lại cho họ chỗ dựa vững chắc về tài chính. Yếu tố này rất quan trọng vào lúc tập đoàn Pháp vừa phải gánh vác 50% đề án Hinkley Point, vừa phải tìm vốn để tài trợ cho việc tiếp quản các lò phản ứng và dịch vụ của tập đoàn nguyên tử Pháp Areva, hiện đại hóa các trung tâm điện hạt nhân tại Pháp, và nhân đôi quy mô ngành năng lượng tái tạo của mình từ nay đến năm 2030.

Gia đình ly tán Nam-Bắc Triều Tiên hội ngộ, Bình Nhưỡng thu lợi

Về thời sự Châu Á, Les Echos cũng như Le Figaro nhìn sang bán đảo Triều Tiên, với cuộc họp mặt gia đình ly tán. « Triều Tiên đoàn tụ thoáng qua ở vĩ tuyến 38 », tựa của Le Figaro ở trang quốc tế. Tờ báo nhắc lại đây là cuộc họp mặt đầu tiên từ tháng 02/2014, với 389 người Hàn Quốc được chọn để gặp người thân bên kia vĩ tuyến.

Tác giả mở đầu bài viết với nhận định đượm phần chua xót : lịch sử chia cắt của bán đảo Triều Tiên đã dẫn dến những phép màu trong chốc lát, ngắn ngủi. Khi đã sống gần hết cuộc đời, Lee Joo – Kuk tuần này sẽ được cầm tay người anh cả của mình, 60 năm sau khi bị thất lạc trong cảnh hỗn loạn của chiến tranh.Tờ báo trích lời đầy xúc động của cụ Joo-Kuk nay 82 tuổi : « Chúng tôi cứ nghĩ là anh ấy đã chết, giờ đây thì quả là anh đã hồi sinh ».

Bài báo mô tả cảnh ông Joo-Kuk, cũng như những người khác, tay đầy quà cho thân nhân bên kia ‘bức màn sắt’. Họ có 3 ngày để nối lại khoảng đời bị đứt đoạn, để rồi sau đó mất đi mọi dấu tích không biết đến bao giờ, có thể là vĩnh viễn.

Les Echos đưa tin một cách gay gắt hơn : « Ở biên giới hai nước Triều Tiên, các gia đình ly tán gặp lại nhau với đô la và thuốc men ». Tò báo nói chi tiết 389 người Hàn quốc được chọn qua rút thăm và 141 người Bắc Triều Tiên mà chính quyền chọn lọc theo mức trung thành với chế độ, sẽ có thể tâm sự với nhau một cách tự do trong 3 ngày ở khách sạn du lịch trên núi Kim Cương.

Les Echos trở lại lúc ban đầu khi hội Hồng Thập Tự tổ chức những cuộc họp mặt này, những năm 2000, thì đã có 130.410 người Hàn Quốc ghi danh với hy vọng tìm lại một người con, người anh, người em… bị kẹt lại ở phía Bắc sau khi chiến tranh kết thúc. Gần một nửa những người ghi danh giờ đã chết, người còn lại đều hơn 60, trong khi những cuộc gặp mặt tổ chức bị đứt đoạn. Đây là cuộc đoàn tụ đầu tiên từ 20 tháng qua.

Tờ báo cũng bất bình đánh giá là dù làm khó dễ, vì sợ rằng các cuộc họp mặt này cho thấy mức sống chênh lệch giữa hai miền, nhưng Bình Nhưỡng cũng đã lợi dụng để tuyên truyền, để người phía Bắc giải thích với người phía Nam là chế độ đã mang lại hạnh phúc cho họ như thế nào, và đồng thời đưa ra yêu sách với Seoul. Les Echos cho là tập đoàn Huyndai đã tài trợ việc tu sửa khách sạn ở núi Kim Cương cho cuộc họp mặt lần này trong khi Seoul luôn khẳng định không bù đắp cho Bình Nhưỡng chi tiêu tổ chức sự kiện.

Theo Les Echos, Bình Nhưỡng còn được lợi nữa là sẽ « thu phần đóng góp » trên quà mà người Hàn Quốc mang đến cho thân nhân : Nếu sách và hàng điện tử bị cấm, người Hàn Quốc vẫn có thể mang đến những gói quần áo mùa đông, thức ăn như mì gói, thuốc men và nhất là những phong bì đô la, có thể lên đến 1.500 đô la, thường bằng bạc nhỏ. Những đô la này thì được trao trước cho các viên chức Bắc Triều Tiên và một phần sẽ được trao lại cho thân nhân được chọn tham dự cuộc họp mặt.

Với hy vọng tổ chức những cuộc hội ngộ đều đặn hơn, Seoul thông báo là 250 người Hàn Quốc có thể băng qua biên giới thứ 7 này để cũng trong 3 ngày gặp lại người thân trong đợt thứ nhì.

Nga Mỹ đánh nhau qua các trung gian ở Syria

Như nói trên Le Figaro rất chú ý đến chuyển biến tình hình Syria mà sự tranh đua Nga - Mỹ ngày leo thang. Tờ báo điểm lại là từ khi Nga can thiệp vào cuộc chiến Syria bên cạnh Damas thì Mỹ tăng tốc độ giao vũ khí nặng cho phe nổi dậy chống chính quyền Syria. Trong bài xã luận tựa đề : Chiến tranh qua trung gian, Le Figaro lo ngại cho an ninh quốc tế.

Mở đầu bài nhận định tờ báo nêu câu hỏi : Tại sao mà thất bại của một chiến lược lại thường dẫn đến những quyết định tồi tệ hơn nữa ? Người ta có thể nêu câu hỏi này trước diễn tiến tình hình Syria và thái độ của liên minh Ả Rập – Phương Tây từ khi Nga can thiệp quân sự.

Tờ báo nhìn thấy nhiều nguy cơ : Tuy Washignton và Matxcơva có bước đầu trao đổi nhưng các chiến dịch oanh kích rất dễ gây đụng độ trên không. Thứ hai là Hoa Kỳ và các đồng minh Ả Rập vùng Vịnh quyết định cung cấp vũ khí nặng cho phe nổi dậy Syria trong lúc mà 500 triệu đô la đã được đổ ra để huấn luyện trang bị cho lực lượng này đã thất bại thảm thương, chiến sĩ và thiết bị đã biến mất vào mạng lưới thánh chiến.

Bây giờ thì người ta thấy hỏa tiễn chống tăng TOW đã được sử dụng để phá chiến xa Nga của quân đội Syria hơn là nhắm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Những gì đang diễn ra, theo Le Figaro là một cuộc đọ sức Mỹ Nga qua trung gian ở Syria.

Tờ báo tự hỏi khi nào sẽ đụng độ trực tiếp đây, khi mà hỏa tiễn phòng không đe dọa không quân của liên minh đối phương ? Le Figaro nhắc những bài học ở Afghanistan, rồi Lybia và thấy không ai rút ra kinh nghiệm gì cả. Và kịch bản xấu nhất cho an ninh quốc tế đang diễn ra ở Syria.

Tờ báo cho là Pháp, Châu Âu tham dự chiến dịch ở Syria phải thúc giục Washington và Matxcơva thảo luận nghiêm chỉnh với nhau, tìm một giải pháp chính trị trước khi cuộc chiến bị quốc tế hóa, mà không ai còn có thể kiểm soát.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.