Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - HỒNG KÔNG - CHÍNH TRỊ

Hồng Kông : Phe thân Bắc Kinh cảnh báo về tương lai tân lãnh đạo

Một nhân vật lãnh đạo trong phe thân Bắc Kinh tại Hồng Kông vừa lên tiếng cảnh báo : Các lãnh đạo sắp tới đây tại đặc khu hành chánh thuộc Trung Quốc này sẽ phải đối mặt với một tương lai u ám, trừ phi giới lập pháp Hồng Kông và chính quyền Bắc Kinh phá vỡ được bế tắc hiện nay trong vấn đề cải cách chính trị.

Ông Tăng Ngọc Thành (Jasper Tsang), Chủ tịch Hội đồng Lập pháp của đặc khu hành chánh Hồng Kông.
Ông Tăng Ngọc Thành (Jasper Tsang), Chủ tịch Hội đồng Lập pháp của đặc khu hành chánh Hồng Kông. DR 中文网络照片
Quảng cáo

Trong bài phỏng vấn được hãng tin Anh Reuters công bố hôm nay, 11/10/2015, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp của đặc khu hành chánh Hồng Kông, kiêm sáng lập viên của đảng thân Bắc Kinh lớn nhất tại Hồng Kông, ông Tăng Ngọc Thành (Jasper Tsang) đã cho rằng : « Nếu không thay đổi hệ thống hiện thời, thì trong những năm tới, lãnh đạo Hồng Kông vẫn chỉ là những người như hiện nay, và họ sẽ phải đối mặt với những vấn đề tương tự như hiện nay ».

Theo ông Tăng Ngọc Thành, thì lãnh đạo Hồng Kông được bầu lên vào năm 2017 sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa trong việc tìm được một "tính chính đáng tối thiểu", và tương lai của nhân vật này sẽ "ảm đạm" và "nghiệt ngã".

Tại Hồng Kông, hiện đang nổi cộm hai vấn đề : Trước hết là việc Nghị viện Hồng Kông gần đây đã phủ quyết một đề nghị tổ chức bầu nhân vật lãnh đạo Hồng Kông theo hình thức phổ thông đầu phiếu, sau khi Trung Quốc nhấn mạnh rằng chỉ có ứng cử viên thân Bắc Kinh mới được ra tranh cử.

Việc bác bỏ đề nghị của chính quyền Hồng Kông xẩy ra sau phong trào biểu tình kéo dài hàng tháng trời của phe ủng hộ dân chủ đã gây tắc nghẽn giao thông trên các trục lộ chính, và đặt ra một trong những thách thức lớn nhất đối quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.

Vấn đề thứ hai là mới đây, ngày 05/10, cựu lãnh đạo Hồng Kông Tăng Âm Quyền (Donald Tsang) bị truy tố về các hành vi sai trái.

Ông Tăng Âm Quyền là một trong ba người từng lãnh đạo Hồng Kông từ ngày vùng lãnh thổ này được Anh Quốc trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Cả ba đều thân Trung Quốc, và đều mất lòng dân, chứng tỏ rằng Bắc Kinh đang phải đau đầu trong việc tìm ra một lãnh đạo đáng tin cậy và được người dân Hồng Kông chấp nhận.

Đối với ông Tăng Ngọc Thành, đề nghị của Trung Quốc dần dần tiến tới dân chủ đầy đủ cho thấy rằng Bắc Kinh cũng rất nhạy cảm với thái độ bất bình trước cung cách điều hành Hồng Kông. Tuy nhiên, ông Tăng Ngọc Thành cho rằng điều quan trọng là phải tránh một "cuộc cách mạng" bằng cách nhảy từ hệ thống thuộc địa cũ qua một chế độ bầu cử tự do.

Tuy nhiên, theo Reuters, chính khách Hồng Kông này đã không cho biết cụ thể là giữa Bắc Kinh và phe dân chủ Hồng Kông cần có những thỏa hiệp nào.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.