Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - QUÂN SỰ

Trung Quốc giảm quân để gia tăng sức mạnh quân sự

Ngày 03/09/2015 vừa qua, thế giới chứng kiến cuộc diễu binh rầm rộ của quân đội Trung Quốc tại Bắc Kinh, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày đế quốc Nhật đầu hàng, kết thúc Thế chiến Hai tại Châu Á. Đúng vào thời điểm này, trước 30 lãnh đạo các quốc gia, Chủ tịch Trung Quốc long trọng tuyên bố : « vì hòa bình », Bắc Kinh có kế hoạch cắt giảm hàng trăm nghìn quân nhân. Trung Quốc thực sự giảm quân « vì hòa bình » ?

Diễn binh trên quảng trường Thiên An Môn ngày 03/09/2015.
Diễn binh trên quảng trường Thiên An Môn ngày 03/09/2015. REUTERS/Xinhua/Yao Dawei
Quảng cáo

Để kỷ niệm 70 năm chiến thắng, Bắc Kinh đã huy động 12.000 binh sĩ cho cuộc diễn binh hùng hậu, cùng xe tăng, phi cơ đại pháo trên đại lộ Tràng An, đại lộ của hòa bình. Một cảnh tượng như để chứng tỏ với toàn thế giới : Bắc Kinh sẵn sàng dùng sức mạnh. Rất nhiều người ngạc nhiên khi chứng kiến việc lãnh đạo Trung Quốc chọn thời điểm này để thông báo quyết định giảm quân. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố : « Quân đội giải phóng Nhân dân Trung Quốc là quân đội của toàn dân. Tất cả các quân nhân cần phải ghi nhớ mục tiêu hết lòng phục vụ nhân dân. Trung thành với nhân dân, quân đội phải thực thi sứ mạng thiêng liêng bảo vệ quốc gia và hạnh phúc của nhân dân. Với mục tiêu bảo vệ hòa bình trên thế giới, tôi tuyên bố cắt giảm 300.000 quân nhân ».  

Điều gì ẩn đằng sau thông báo này ? Trước hết phải khẳng định rằng Trung Quốc giảm quân, nhưng lại tăng chi phí quân sự. Từ nhiều năm nay, ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh tăng đều đặn 10%/năm, khiến Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tư cho quân sự đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ. Để so sánh, có thể thấy Trung Quốc chi cho quốc phòng gấp ba lần Ấn Độ, quốc gia láng giềng có dân số tương đương, và chi phí này của Trung Quốc còn nhiều hơn bốn nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam cộng lại. 

Như vậy, không có vấn đề giảm chi phí quốc phòng, cho dù tỉ lệ tăng ngân sách năm nay có ít hơn năm trước một chút. Để trở nên hiệu quả, quân đội Trung Quốc không cần nhiều binh sĩ, mà cần được cải cách và trang bị nhiều vũ khí tối tân. Theo người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, quân số bị cắt giảm là của các đơn vị trang bị vũ khí lạc hậu, nhân viên văn phòng, nhân sự của các bộ phận phi tác chiến (Bài "Lý do Trung Quốc cắt giảm 300.000 quân", The Diplomat, ngày 08/09/2015). Vẫn theo đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc, chính nhờ việc cắt giảm quân số mà quân đội sẽ có phương tiện để hiện đại hóa. 

« Cải cách quân đội » là mục tiêu chính  

Ông Rory Medvalf, chuyên gia về an ninh quốc phòng Đại học quốc gia Úc, giải thích : chi phí cho nhân sự chiếm một phần lớn ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, và lương bổng của quân nhân tăng mạnh trong những năm gần đây. Bản tin Tân Hoa Xã bằng Anh ngữ (bài « Quân đội cam kết cải cách » ngày 06/09/2015) dẫn lại nhật báo của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, theo đó, chính quyền Tập Cận Bình đang tìm cách cải cách quân đội và nỗ lực này có thể đụng đến « các nhóm lợi ích »

Cắt giảm quân số cũng là một cách để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định quyền kiểm soát đối với quân đội. « Cải cách quân đội » cũng là ý nghĩa chính của việc cắt giảm quân số, chứ không phải mục tiêu « bảo vệ hòa bình thế giới ». Một trọng tâm của cuộc cải cách này là thay đổi quan niệm truyền thống của quân đội Trung Quốc : « coi trọng đất hơn biển », cũng có nghĩa là gia tăng tỉ trọng hải quân và không quân trong quân đội, nhằm đưa khả năng can thiệp quân sự của Trung Quốc vượt ra khỏi biên giới, như Sách trắng quốc phòng của nước này công bố hồi tháng 5 cho thấy. 

Về số lượng 300.000 quân sẽ được cắt giảm theo tuyên bố của ông Tập Cận Bình, con số tương đương với hai lần quân đội Anh Quốc này thực ra không phải là nhiều so với tổng số 2,3 triệu binh sĩ hiện nay. Cho dù với 2 triệu binh sĩ, Trung Quốc vẫn là nước có quân đội đông nhất thế giới. Trên thực tế, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã nhiều lần cắt giảm quân số quy mô lớn. Kể từ những năm 1980, để hiện đại hóa, Bắc Kinh đã quyết định giảm 1 triệu quân năm 1985, 500.000 năm 1997, 200.000 năm 2003 (đây là lần cắt giảm quân đội thứ 11 của Trung Quốc kể từ năm 1949, vào thời điểm đó Trung Quốc có 6,27 triệu binh sĩ). 

« Người Trung Quốc chúng tôi yêu hòa bình. Trung Quốc không bao giờ tìm cách bá quyền hay bành trướng », quốc gia đông dân nhất thế giới cương quyết theo đuổi quan hệ hữu nghị với tất cả các nước khác : đó những thông điệp mà lãnh đạo Trung Quốc muốn chuyển đến thế giới. Tuy nhiên, nhiều quốc gia láng giềng của Trung Quốc như Việt Nam, Philippines, Nhật Bản không có được ấn tượng như vậy, trước những hành động đơn phương khẳng định chủ quyền trên một loạt các vùng lãnh thổ tranh chấp, đòi hỏi chủ quyền trên phần lớn Biển Đông, áp đặt vùng nhận dạng phòng không tại Hoa Đông. Đặc biệt là những động thái liên tục mở rộng bồi đắp đảo với quy mô lớn để xây dựng các căn cứ quân sự tại quần đảo Trường Sa, bất chấp nhiều phản đối và can ngăn của quốc tế. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.