Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - BẦU CỬ

Miến Điện : Chiến dịch vận động tranh cử bắt đầu

Từ ngày 08/09/2015 tại Miến Điện, đường phố tràn ngập hình ảnh chim công chiến đấu, nón tre, chúa sơn lâm gầm thét…. Đây là những hình ảnh biểu tượng được các đảng chính trị Miến Điện sử dụng để vận động 30 triệu cử tri tham gia tổng tuyển cử 08/11/2015. Chiến dịch tranh cử khai màn.

Một phụ nữ dân tộc Pa'o, ủng hộ đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ.
Một phụ nữ dân tộc Pa'o, ủng hộ đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ. REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Bầu cử quốc hội ngày 08/11/2015 tại Miến Điện được xem là cuộc trắc nghiệm thực sự của tiến trình dân chủ tại quốc gia Đông Nam Á nghèo khó này. Theo AFP, chiến dịch vận động cử tri chính thức bắt đầu vào ngày hôm nay 08/09 với khoảng 90 đảng tham gia. Liên đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ, tổ chức đối lập do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, đề cử 1000 ứng cử viên, nhiều hơn đảng đối thủ Đoàn Kết và Phát Triển Miến Điện do phe « quân đội » thành lập và hiện đang nắm quyền. Trong lần bầu cử này, phe chính quyền cũng « mượn » biểu tượng chim công của đối lập làm biểu tượng.

Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ tập trung vào hình ảnh biểu tượng của dân tộc Miến Điện là chim công và khẩu hiệu đập vào mắt hơn là những bài diễn văn dong dài. Trong thông điệp vận động tranh cử qua đĩa DVD, bà Aung San Suu Kyi kêu gọi cử tri đi bầu thật đông, vì đây là cơ hội để « nhân dân Miến Điện mang lại thay đổi thật sự cho đất nước ». Theo AFP, chiến dịch tranh cử của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ rất hùng hậu, rút kinh nghiệm của 25 năm tranh đấu : hình ảnh của khôi nguyên Nobel Hòa bình 1991 tràn ngập trên các loại kỷ vật, từ huy hiệu, áo thun, quạt lụa, nhẫn ….Ngược lại, nhiều tổ chức không tìm ra một biểu tượng nào có ý nghĩa để cho cử tri phân biệt.

Còn đảng đối lập của người Shan, một trong những nạn nhân của chế độ quân phiệt, họ chọn hình con sư tử gầm thét, biểu tượng bảo vệ sắc tộc Shan. Theo nhà phân tích chính trị Jorge Valladares, thuộc Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế và Hỗ trợ Bầu cử, đặt tại Rangun, cuộc bầu cử năm nay là bầu cử chuyển tiếp cho nên không có những tranh luận về các vấn đề chính trị sâu xa. Câu hỏi lớn và đơn giản mà người dân đặt ra là liệu có cải cách, có dân chủ thật sự hay không.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.