Vào nội dung chính
THÁI LAN

Hội đồng Cải cách Thái Lan bác bỏ dự thảo Hiến pháp mới

Với 135 phiếu chống, chỉ có 105 phiếu thuận, vào hôm nay 06/09/2015, Hội đồng Cải cách Quốc gia, một cơ chế do chính Tập đoàn Quân sự tại Thái Lan bổ nhiệm, đã bác bỏ bản dự thảo Hiến pháp mới được chính giới tướng lãnh ủng hộ. Sự kiện có vẻ như là một vố đau cho tập đoàn quân sự đương quyền, trong thực tế lại cho phép Quân đội Thái tiếp tục cầm quyền thêm một thời gian nữa một cách danh chính ngôn thuận.

Dự thảo Hiến pháp mới của Thái Lan bị bác bỏ do không hội tụ được 124 phiếu thuận - REUTERS /Sukree Sukplang
Dự thảo Hiến pháp mới của Thái Lan bị bác bỏ do không hội tụ được 124 phiếu thuận - REUTERS /Sukree Sukplang
Quảng cáo

Trên nguyên tắc, để được thông qua, dự thảo Hiến Pháp mới phải được 124 phiếu thuận, rồi sau đó được đưa ra trưng cầu dân ý. Do việc bị bác bỏ vào hôm nay, quy trình lại phải làm lại từ đầu, với hệ quả là ngày bầu cử Quốc hội mới cho Thái Lan chỉ có thể diễn ra sớm nhất là vào tháng Tư năm 2017.

Trong thời gian đó, chính phủ gọi là chuyển tiếp ở Thái Lan – tức là Quân đội – vẫn tiếp tục cầm quyền. Từ Bangkok, Thông tín viên RFI Arnaud Dubus phân tích : 

« Dự thảo Hiến pháp được Tập đoàn Quân sự cầm quyền thúc đẩy đã bị một Hội đồng do họ thành lập bác bỏ. Đây là một cái tát đối với giới tướng lãnh đã lên nắm quyền vào năm ngoái, vì trong thời gian qua, để đảm bảo sao cho văn kiện được thông qua, họ đã sử dụng mọi phương tiện, kể cả việc kiểm soát nghiêm ngặt cuộc tranh luận công khai.

Tuy vậy, dự thảo Hiến pháp mới - mà mục tiêu là nhằm giảm quyền hạn của chính quyền dân cử - đã bị hầu như tất cả tầng lớp chính trị tại Thái Lan chỉ trích nặng nề, nhất là trên điều khoản cho thành lập một Hội đồng do quân đội chỉ định, có thể đứng ra cầm quyền « trong thời gian khủng hoảng ».

Thế nhưng, điều nghịch lý là thất bại trong việc cho thông qua bản dự thảo Hiến pháp lại phục vụ cho mong muốn không che giấu của tập đoàn quân sự Thái Lan là tiếp tục cầm quyền, ít ra là cho đến năm 2017.  

Thật vậy, tiến trình soạn thảo Hiến pháp sẽ phải bắt đầu lại từ số không, và như vậy, chế độ gọi là « chuyển tiếp chính trị » hiện thời sẽ kéo dài thêm ít nhất là tám tháng.

Câu hỏi được đặt ra là các tướng lãnh Thái Lan sẽ phản ứng như thế nào trước việc dự thảo Hiến pháp của họ bị bác bỏ. Họ sẽ lắng nghe những lời chỉ trích, và sẽ cởi mở hơn, hay là ngược lại, sẽ nổi giận và tìm cách thanh lọc mọi tiếng nói bất đồng trong phe của minh. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.