Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Tập Cận Bình phô trương sức mạnh để trấn áp trong ngoài

Đăng ngày:

Trừ Tổng thống Vladimir Putin và Park Geun Hye, không một nhà lãnh đạo tầm cỡ nào đến Bắc Kinh dự lễ diễn binh kỷ niệm 70 năm « kháng chiến chống phát-xít Nhật ». Chủ tịch Trung Quốc đành phải tiếp đón « những lãnh đạo thế giới » tương đối kém quan trọng, trong đó có những người nổi danh độc tài và bị cộng đồng quốc tế truy nã như Tổng thống Soudan, Omar Al Bachir.

Diễn binh trước Thiên An Môn, 03/09/2015.
Diễn binh trước Thiên An Môn, 03/09/2015. REUTERS/Damir Sagolj
Quảng cáo

Bắc Kinh phô trương lực lượng trong thời bình để làm gì ? Vì sao các cường quốc Đồng minh chống trục Đức-Ý-Nhật tẩy chay lễ « chiến thắng » do Trung Quốc của ông Tập Cận Bình tổ chức ?

RFI đặt câu hỏi với nhà phân tích Lưu Tường Quang từ Sydney.

Theo AFP, để kỷ niệm 70 năm ngày nước Nhật bại trận năm 1945, Trung Quốc tổ chức ngày 03/09 một cuộc diễn binh đại quy mô, lần thứ nhất kể từ năm 2009, với màu sắc chính trị. Sáu năm sau ngày đánh dấu 60 năm chế độ Cộng sản, Bắc Kinh không những canh tân quân đội mà còn tiến sâu vào Biển Đông Nam Á, xây dựng tiền đồn trong lãnh hải của các nước láng giềng và thay đổi luật chơi trong vùng.

Ngày hôm nay, chính quyền Trung Quốc đóng cửa phi trường quốc tế, huy động 850.000 dân để canh phòng, phong tỏa mọi ngã đường dẫn đến nơi diễn binh là Thiên An Môn, cũng là nơi mà vào tháng 6 năm 1989, hàng ngàn sinh viên và công nhân đã chết dưới mũi súng và xe tăng của « quân đội giải phóng nhân dân » Trung Quốc.

Ngày hôm nay, cũng tại Thiên An Môn nhưng với những dàn đại pháo, tên lửa, chiến xa và trên bầu trời tương đối quang đãng vì các nhà máy gây ô nhiễm trong vùng phải tạm ngưng hoạt động từ nhiều tuần nay, hàng trăm máy bay tối tân hơn biểu dương sức mạnh. Theo nhận định của báo chí quốc tế, Trung Quốc đã dẹp qua một bên thái độ cẩn trọng để thay vào đó là hành động biểu dương cơ bắp và móng vuốt.

Theo John Delury chuyên gia về Trung Quốc, đại học Yonsei, ở Seoul, thái độ « diệu võ dương oai » của Tập Cận Bình là điều dễ hiểu : khoe Trung Quốc giàu và mạnh.

Còn đối với nhà phân tích Tôn Vân của Trung tâm nghiên cứu Stimson ở Washington, Bắc Kinh đã phạm sai lầm khi phô trương thanh thế không đúng lúc. Biểu dương sức mạnh quân sự đi đôi với nỗ lực bành trướng ảnh hưởng trong khu vực đã đụng chạm đến quyền lợi sinh tử của các quốc gia trong vùng từ Nhật Bản cho đến Úc, từ Đông Nam Á đến Ấn Độ và đằng sau đó là siêu cường Hoa Kỳ.

Nhân dân Nhật báo, báo đảng của Trung Quốc, cũng thuê nhiều trang báo ở nước ngoài để vinh danh sự hy sinh của kháng chiến quân và nhân dân Trung Hoa, về chiến công của đảng Cộng sản, nhưng hoàn toàn im lặng về vai trò « đứng mũi chịu sào » của quân đội Trung Hoa Dân Quốc do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo.

Để tìm hiểu thêm Bắc Kinh phô trương lực lượng trong thời bình để làm gì ? Vì sao các cường quốc Đồng minh chống trục Đức-Ý-Nhật tẩy chay lễ « chiến thắng » do Trung Quốc của ông Tập Cận Bình tổ chức ?

RFI đặt câu hỏi với nhà phân tích Lưu Tường Quang từ Sydney.

« Nếu chúng ta nhìn vào cuộc chiến từ 1938 đến 1945 thì tại Trung Quốc có hai thành phần chống Nhật : một là chính phủ Trung Hoa Dân Quốc do Thống chế Tưởng Giới Thạch lãnh đạo và thành phần khác là lực lượng du kích do Mao Trạch Đông lãnh đạo. Các trận đánh lớn là do quân đội Trung Hoa Dân tham dự còn quân của Mao chỉ giữ vai trò thứ yếu.

Nhưng trong buổi lễ 03/09, Trung Quốc chỉ nói đến phong trào giải phóng, phong trào nhân dân do đảng Cộng sản lãnh đạo chứ không nhắc đến Trung Hoa Dân Quốc…với mục đích là bóp méo lịch sử để củng cố cái quyền hay là cái sức mạnh của đảng Cộng sản Trung Quốc đối với những người không có phương tiện tiếp cận với thông tin bên ngoài….

Tinh thần chiến đấu dũng cảm của nhân dân Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của Thống chế Tưởng Giới Thạch đã được các cường quốc ngưỡng mộ. Điển hình là tại hội nghị Cairo để phân chia thế giới sau chiến tranh, thì Thống chế Tưởng Giới Thạch đại diện cho Trung Quốc và được đón tiếp trọng thể, ngồi cạnh Tổng thống Hoa Kỳ Theodor Roosevelt và Thủ tướng Anh Wilston Churchill. Sự kiện lịch sử đó không thể thay đổi được, cho nên những cách bóp méo lịch sử, tạo ra huyền thoại Mao Trạch Đông chỉ là trò hề.

Nhân dân Trung Hoa hy sinh đến 14 triệu người trong cuộc chiến và khoảng 80 triệu người di tản. Nhưng trong thời bình, Mao cầm quyền từ 1949 đến 1975, đã giết chết ít nhất 40 triệu dân thì rõ ràng Mao là tay sát nhân chứ không phải là anh hùng….

« Các nước châu Âu hay Bắc Mỹ khi họ kỷ niệm thì không phải là dịp để phô trương lực lượng quân sự mà là để kỷ niệm những người đã hy sinh cho tự do của thế giới.

Đằng này, dù là kỷ niệm tại Matxcơva hồi tháng 5 cũng như kỷ niệm 70 năm (ngày Nhật đầu hàng) tại Bắc Kinh đều là cơ hội để phô trương sức mạnh quân sự. Trường hợp Trung Quốc còn đặc biệt hơn, vì buổi lễ quan trọng này được tổ chức ngay tại quảng trường Thiên An Môn. Mà đối với thế giới phương Tây và những người tranh đấu cho tự do dân chủ tại Trung Quốc thì nói đến quảng trường Thiên An Môn là nhớ đến biến cố đầu tháng 6 năm 1989. Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đặng Tiểu Bình ra lệnh cho xe tăng thiết giáp của quân đội « nhân dân » đàn áp giết chết hàng ngàn sinh viên tranh đấu cho tự do dân chủ cho nên các lãnh đạo các nước dân chủ rất e ngại …

Đó là chưa kể mục đích của ông Tập Cận Bình là phô trương lực lượng quân sự để củng cố quyền lực bên trong và gửi thông điệp cho thế giới bên ngoài nhìn thấy sự tiến bộ hết sức vượt bực của quân đội Trung Quốc, có thể chiến thắng các cuộc chiến cục bộ như tại Biển Đông…mà theo nguồn tin báo chí Úc , Trung Quốc sẽ hoàn toàn làm chủ Biển Đông vào năm 2017…. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.