Vào nội dung chính
HOA KỲ - SUDAN

Tổng thống Sudan công du Trung Quốc, Washington «quan ngại»

Hôm qua 31/08/2015, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gửi thông điệp bày tỏ « quan ngại » đến chính quyền Trung Quốc về chuyến công du của Tổng thống Sudan, người bị Tòa Hình sự Quốc tế truy nã vì « tội ác chiến tranh » « tội diệt chủng ». Tổng thống Sudan nhận lời mời của Bắc Kinh tham dự lễ duyệt binh mừng 70 năm kết thúc Thế chiến Hai.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Sudan Omar al-Bashir trong buổi lễ ký tưởng niệm tại  Đại Lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, ngày 01/09/2015.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Sudan Omar al-Bashir trong buổi lễ ký tưởng niệm tại Đại Lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, ngày 01/09/2015. REUTERS/Parker Song/Pool
Quảng cáo

Trước báo giới, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại việc nguyên thủ Sudan Omar al-Bechir « bị Tòa Hình sự Quốc tế truy tố vì tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại và diệt chủng, và các lệnh truy nã nhắm vào đương sự hiện vẫn có hiệu lực ». Phó phát ngôn viên Mark Toner nhấn mạnh : « Chúng tôi cho rằng ông ta phải trả lời về các hành động của mình », tuy nhiên đại diện Ngoại giao Mỹ không yêu cầu trực tiếp chính quyền Trung Quốc câu lưu Tổng thống Sudan.

Mặc dù Hoa Kỳ không phải là quốc gia ký kết Hiệp định thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế, Washington « ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của Tòa án », như phát biểu của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Theo chính quyền Sudan, Tổng thống Omar al-Bechir có chuyến công du Trung Quốc bốn ngày, với trọng tâm là tham dự lễ duyệt binh ngày 03/09 mừng chiến thắng phát xít Nhật. Tổng thống Sudan cũng có kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tòa án Hình sự Quốc tế đã hai lần cáo buộc Tổng thống Sudan về các tội ác liên quan đến xung đột Darfour (miền tây Sudan), bùng nổ năm 2003 : Tội ác chiến tranh và chống nhân loại (năm 2009), và tội diệt chủng (năm 2010). Theo Liên Hiệp Quốc, cuộc xung đột tàn khốc này đã khiến hơn 300.000 người chết và khoảng 2,5 triệu người phải ly hương.

Dù bị truy tố, nhưng Tổng thống Sudan vẫn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của một số quốc gia láng giềng Châu Phi. Tuy nhiên, kể từ đó, hiếm khi ông Omar al-Bechir có chuyến đi xa như tới Trung Quốc lần này. Trung Quốc không phải là quốc gia ký Hiệp định thành lập Tòa Hình sự Quốc tế, nhưng lại là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, chính là định chế từng đưa vụ Darfour ra Tòa Hình sự Quốc tế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.