Vào nội dung chính
ĐÀI LOAN - TRUNG QUỐC

Đài Loan dự đoán Bắc Kinh sắp lập vùng phòng không trên Biển Đông

Bộ Quốc phòng Đài Loan vừa đánh giá rằng các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc rầm rộ bồi đắp và xây dựng ở vùng Biển Đông đã làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc chiến lược trong khu vực. Theo hãng tin Đài Loan CNA vào hôm qua, 31/08/2015, Bộ Quốc phòng Đài Loan còn dự đoán là tới đây, Trung Quốc sẽ tăng tốc độ quân sự hóa khu vực các đảo và tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.

Đá Vành Khắn mà Trung Quốc đang bồi đắp. Ảnh chụp từ một phi cơ quân sự của Philippines ngày 11/05/2015.
Đá Vành Khắn mà Trung Quốc đang bồi đắp. Ảnh chụp từ một phi cơ quân sự của Philippines ngày 11/05/2015. Reuters
Quảng cáo

Trong một bản phúc trình gởi lên Quốc hội về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Đài Loan nhắc lại rằng ngay từ tháng 9 năm 2013, Trung Quốc đã thực hiện công trình bồi đắp đá Gạc Ma (Johnson South Reef), một trong số hơn 50 rạn san hô tại Biển Đông. Sau đó, Bắc Kinh đã tiếp tục các công việc bồi đắp bãi ngầm khác và đang tiến hành xây dựng cảng biển, phi đạo và nhiều cơ sở hạ tầng trên các thực thể đã được bồi đắp.

Bản báo cáo nhận định rằng Bắc Kinh sẽ tăng tốc độ quân sự hóa các hòn đảo, biến những nơi này thành các tiền đồn của Trung Quốc. Ngoài việc xác lập chủ quyền của Trung Quốc và khai thác tài nguyên thiên nhiên, Trung Quốc sẽ tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.

Theo các chuyên gia nghiên cứu thuộc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS tại Washington, bẩy hòn đảo mà Bắc Kinh đã bồi đắp xong tại vùng Trường Sa bao gồm Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Ga Ven (Gaven Reef), Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Đá Xu Bi (Subi Reef).

Trên các đảo này, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng nhiều cơ sở mà mục tiêu quân sự không hề bị che giấu : hai phi đạo trên Đá Chữ Thập và Đá Xu Bi, bãi đáp trực thăng trên Đá Châu Viên, bệ súng phòng không trên Đá Ga Ven…

Nhìn chung, nhận định của Bộ Quốc phòng Đài Loan trùng hợp với nhiều đánh giá đã từng được đưa ra, chẳng hạn như Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, đã cho rằng việc xây đảo nhân tạo chỉ là phần đầu của một tiến trình mà bước kế tiếp là bố trí vũ khí trên những hòn đảo nhân tạo, rồi thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.

Trong phát biểu hôm 21/07 vừa qua tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược CSIS ở Washington, chuyên gia Úc Peter Jennings dự đoán rằng Trung Quốc sẽ tuyên bố vùng phòng không trên Biển Đông ngay sau chuyến công du Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tháng Chín này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.