Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CHÂU Á

Chứng khoán : Bắc Kinh chỉ định vật tế thần

Truyền hình Trung Quốc liên tục phát đi hình ảnh phóng viên điều tra Vương Tiểu Lỗ (Wang Xiaolu), của tờ Tài Kinh, thú nhận sai lầm khi « đăng bài viết gây tác hại nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán vào thời điểm nhạy cảm ». Như vậy là trong vụ « Chứng khoán : Bắc Kinh đã chỉ định được vật tế thần », theo như hàng tựa nhận định của báo Le Figaro số ra ngày 01/09/2015.

Một phòng môi giới chứng khoán tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 06/06/2015.
Một phòng môi giới chứng khoán tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 06/06/2015. REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Quảng cáo

Vương Tiểu Lỗ đã bị chế độ đem ra làm « bia đỡ đạn » nhằm làm hạ nhiệt cơn phẫn nộ của những người chơi chứng khoán, bị mất tiền do những biến động giao dịch gần đây trên các sàn chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến. Vậy tội của anh ta là gì ? Le Figaro đặt câu hỏi. Chẳng qua là vì người phóng viên này, nổi tiếng có nhiều bài viết điều tra chất lượng, đã dám viết rằng các nhà quản lý đang chuẩn bị một kế hoạch để thoát tình trạng giá chứng khoán liên tục sụt giảm hồi tháng 7/2015 vừa qua. Vào lúc đó, chính quyền Bắc Kinh đang khởi động một chiến dịch ồ ạt mua lại cổ phiếu.

Trong cuộc săn trừ « tà ma » này, ngoài Vương Tiểu Lỗ, giám đốc công ty môi giới Citic Securities và ba nhân viên bị bắt vì tội tiết lộ thông tin. Một đại diện của Ủy ban chứng khoán Trung Quốc cũng bị bắt với tội danh tham nhũng. Vị đại diện này bị cáo buộc nhận hối lộ, giả mạo chứng từ và lợi dụng thông tin mật để « trục lợi » bất chính. Song song đó, 197 người khác cũng đã « bị trừng phạt vì đã tung tin đồn nhảm trên mạng » liên quan đến vụ khủng hoảng tiền tệ cũng như vụ nổ kho hóa chất ở Thiên Tân. Những lời « thú nhận công khai » trên truyền hình là một kỹ thuật thường có tại « Trung Quốc đỏ », nhằm « bôi tro trác trấu » những ai dám phá vỡ « sự hài hòa xã hội ».

Nỗi lo âu của chính quyền

Le Figaro nhận định rằng việc dựa vào những kiểu phương pháp này cho thấy nỗi lo âu của chế độ trước sự bất ổn của thị trường chứng khoán. Chỉ trong vòng có hai tháng, giá cổ phiếu tại Trung Quốc bị mất đến 40% giá trị, gây bất an cho hàng triệu hộ gia đình. Đó cũng là những dấu hiệu cho thấy chính quyền đang cố tìm cách dập lửa, trong khi Bắc Kinh đang vật vã lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư và bình ổn giá cổ phiếu, đã bị mất thêm 8% trong tuần rồi.

Một cách để đánh lạc hướng các luồng chỉ trích đang nhắm vào chính phủ đã không khôn khéo trong việc xử lý khủng hoảng. Do bởi trong 6 tháng đầu năm, chính quyền đã khuyến khích người dân mua ồ ạt các cổ phiếu thông qua các cơ chế tín dụng ưu đãi và bằng những bài viết gây phấn khích trên truyền thông chính thống. Lượng các nhà đầu tư nhỏ đã tăng lên đến con số kỷ lục 90 triệu người. Bị cuốn hút theo trào lưu thịnh vượng đó, Ủy ban chứng khoán Trung Quốc đã không đưa ra các dự báo sụt giá, sau khi cổ phiếu đã tăng lên đến đỉnh điểm 150% cho giai đoạn 1 năm.

Vào tháng 06/2015, đối mặt với hiện tượng giá cổ phiếu tụt mạnh, phản ứng của chính quyền trung ương chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề. Các chính sách can thiệp ồ ạt của Bắc Kinh đã biến các sàn chứng khoán thành một thế giới « ảo ». Các nhà đầu tư luôn trông ngóng vào sự hỗ trợ của chính phủ và luôn tỏ ra hốt hoảng mỗi khi chỉ số mất một điểm. « Những người chơi chứng khoán Trung Quốc rất vô kỷ luật và chỉ bám vào sự can thiệp của Nhà nước. Ngay khi có dấu hiệu sụt điểm là họ bán ngay lập tức », ông Xiao Lei, một chuyên gia tại China Securities Journal nhận xét.

Cuối cùng Le Figaro nhận thấy rằng cách chơi chứng khoán của người Trung Quốc rất chi là nghiệp dư. Thay vì phải tìm hiểu các thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, những người này chỉ dựa vào những luồng thông tin thân cận. Tờ báo kết luận, một sòng bạc khổng lồ mà ở đó giờ không có gì hoạt động tốt cả.

Vụ nổ Thiên Tân : Chính quyền cũng phải lùi bước

Cũng tại Trung Quốc, nhưng liên quan đến vụ nổ kho hóa chất tại Thiên Tân, báo La Croix cho biết sau nhiều tuần đấu tranh kiên định, và nhờ giới truyền thông vào cuộc « Chính quyền Thiên Tân buộc phải nhượng bộ trước các hộ gia đình bị ảnh hưởng từ vụ nổ ».

Nhà cửa của những khu dân cư nằm gần kho hóa chất bị nổ đã bị phá tan hoang. Thêm vào đó là nỗi lo mất hết nguồn tài sản tiết kiệm, vì e rằng giá bất động sản có nguy cơ sẽ tụt giảm mạnh sau vụ nổ kinh hoàng trên. Các chủ sở hữu tại các khu dân cư đã quyết định yêu cầu chính quyền thành phố Thiên Tân mua lại bất động sản của họ. Đối phó với thái độ cứng rắn của chính quyền, người dân quyết định mỗi ngày tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ quy tụ chừng vài chục người, giăng biểu ngữ và hình ảnh các căn hộ bị hư hại. Giới truyền thông cũng đã bắt đầu quan tâm đến câu chuyện của họ.

La Croix cho biết cuối cùng trước sự quyết liệt của người dân, được truyền thông ủng hộ, chính quyền Thiên Tân đã nhanh chóng thay đổi suy nghĩ. Các nhà chức trách chấp nhận mua lại các căn hộ theo giá thị trường trước khi xảy ra vụ nổ cũng như sửa chữa miễn phí cho nhiều căn hộ khác.Theo phân tích của Scott Wilson, giáo sư đại học Sewanee tại Hoa Kỳ, chuyên gia về các cuộc biểu tình môi trường tại Trung Quốc, sở dĩ chính quyền Thiên Tân có thái độ như thế là do họ bị « bối rối, bị đe dọa mất việc làm và Thiên Tân đã trở thành chủ đề chính trên nhiều trang báo trong nước lẫn quốc tế. Các nhà chức trách địa phương không nằm trong thế thượng phong trên bàn đàm phán, do đó họ phải xoa dịu những người biểu tình ».

Aung San Suu Kyi : tính già hóa non

Đề tài Châu Á cũng được Le Monde khai thác nhưng trên khía cạnh chính trị - quân sự. Ngày 08/11/2015 tới đây, Miến Điện sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do đầu tiên kể từ 25 năm nay. Nhưng càng đến gần ngày bầu cử, nỗi lo cuộc bầu cử bị thao túng theo hướng có lợi cho giới quân sự cầm quyền ngày càng nhiều. Bà Aung San Suu Kyi e rằng bầu cử lập pháp sẽ bị vấy bẩn bởi nạn gian lận.

Le Monde trong bài phân tích đề tựa “Miến Điện: Aung San Suu Kyi trong cái bẫy chính trị - quân sự” nhận định rằng việc ông Thura Shwe bất ngờ bị cách chức Chủ tịch Hạ viện là một tin xấu đối với bà Aung San Suu Kyi. Vì như vậy, bà đã mất đi một đồng minh quý giá trong cuộc đua quyền lực.

Bởi lẽ, sau tổng tuyển cử, Tổng thống nước Cộng hòa Miến Điện sẽ do các nghị viên thuộc hai viện bầu lên. Người ta có thể hình dung ra là nếu như được sự ủng hộ của đảng đối lập NLD của bà Aung San Suu Kyi, được cho là có khả năng thắng cử, thì ông Thura Shwe có thể trở thành Tổng thống, và ông sẽ đề cử bà vào vị trí Phó Tổng thống. Đương nhiên với điều kiện hiệu chỉnh tu ngăn cấm những người kết hôn với nước ngoài phải được dỡ bỏ.

Dù sao bà vẫn còn nhiều cơ hội để trở thành Chủ tịch Hạ viện, trong trường hợp đảng chính trị của bà thắng cử. Lãnh đạo quân đội, tướng Min Aung Hlaing cũng đã trấn an rằng sẽ không gây cản trở nếu như đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi thắng cử “với điều kiện là cuộc tổng tuyển cử tới đây diễn ra tự do và công bằng”. Nhưng Le Monde cho rằng vị tướng này phải lập luận ngược lại mới đúng. Chính quân đội phải đảm bảo một tiến trình “tự do và công bằng”, bằng cách ngăn chận các dân quân tự vệ tấn công các ứng viên, như đã xảy ra cách đây vài tuần.

Kế đến khó khăn ngay trong chính nội bộ đảng NLD. Cách bà Aung San Suu Kyu lãnh đạo đảng có thể mang đến cho bà nhiều rủi ro. Từ việc bổ nhiệm tùy tiện các thành viên trong ban điều hành, cho đến chính sách người kế thừa trong tương lai để thay thế những vị lãnh đạo cao tuổi. Đó là chưa tính đến việc bà từ chối nhiều ứng viên cho kỳ tổng tuyển cử, những người từng là cựu tù nhân chính trị nổi tiếng của “thế hệ 88”. Đây là lớp thế hệ đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 1988, bị quân đội trấn áp dã man.

Nói tóm lại, mọi thứ đang diễn ra cứ như là những bài học dân chủ mà Aung San suu Kyi đưa ra chỉ để áp dụng cho tất cả mọi người, ngoài trừ bà mà thôi, Le Monde kết luận.

Các nước mới trỗi dậy: Nợ khối tư nhân kìm hãm tăng trưởng kinh tế

Trở lại với lãnh vực kinh tế, Les Echos có bài viết đề tựa “Báo động về nợ tại các nước mới trỗi dậy”. Đồng tiền quốc nội hạ giá và giá nguyên nhiên liệu thế giới sụt giảm đang đè nặng lên nguồn thu của các quốc gia mới trỗi dậy. Tình hình còn trở nên đáng quan ngại hơn khi nợ, nhất là nợ trong khối tư nhân, đã tăng mạnh trong những năm gần đây.

Tờ báo ghi nhận, chỉ số thị trường công trái phiếu các nước mới trỗi dậy tại JP Morgan đã bị mất gần 5% giá trị. Nguyên nhân đầu tiên của sự căng thẳng là do mối e sợ các nước mới trỗi dậy bị nặng nợ. Theo báo cáo của JP Morgan, phần nợ của các quốc gia này so với tổng thu nhập quốc dân đã tăng lên 33% trong giai đoạn 2007-2014.

Điều thế giới lo sợ là các khoản nợ trong khối tư nhân. “Đa phần các khoản nợ của nhiều doanh nghiệp tại các quốc gia mới trỗi dậy là nợ ngắn hạn. Nhất là tại những quốc gia có mức lạm phát cao như Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn. Những doanh nghiệp này sẽ dễ bị phá sản nếu như thị trường tín dụng khắt khe hơn”, theo như nhận định của ông Ronan Blanc thuộc Quilvest Gestion. Và việc này có thể gây nguy hại đến nguồn thu của quốc gia và tạo một áp lực quan trọng lên nợ công quốc gia.

Theo nhận định của Les Echos, thì hiện nay nguồn dự trữ ngoại tệ của các quốc gia này đang chịu áp lực của ba yếu tố. Thứ nhất là đồng yuan đột ngột mất giá kéo theo đồng nội tệ của những quốc gia này cũng bị sụt giá theo, trong khi đó đồng đô la lên giá. Điều đó đã làm tăng thêm mức nợ nước ngoài của các quốc gia này do đa phần đều bị niêm yết bằng đô la.

Yếu tố thứ hai là giá nguyên nhiên liệu thế giới sụt giảm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cán cân thương mại và làm suy giảm nguồn thu ngoại tệ của những quốc gia này, vốn dĩ là những nước xuất khẩu. Cuối cùng, lãi suất chỉ đạo tại Hoa Kỳ tăng có nguy cơ gây ra thất thoát dòng vốn tại các quốc gia mới trỗi dậy và gây nhiều khó khăn cho họ trong những kỳ đáo nợ sắp tới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.