Vào nội dung chính
NHẬT BẢN

Dân Nhật biểu tình chống luật quốc phòng của Thủ tướng Abe

Vài trăm nghìn người dân Nhật Bản hôm nay, 30/08/2015, đã tụ tập trước Nghị viện tại Tokyo để phản đối những đạo luật mới nhằm mở rộng quyền lực của quân đội Nhật Bản. Riêng tại Tokyo, các nhà tổ chức đã huy động được khoảng 120.000 người xuống đường biểu tình.

Dân Nhật biểu tình vì từ nhiều thập kỷ qua, họ vẫn gắn bó với tinh thần chủ hòa, được quy định trong Hiến pháp Nhật Bản - Reuters
Dân Nhật biểu tình vì từ nhiều thập kỷ qua, họ vẫn gắn bó với tinh thần chủ hòa, được quy định trong Hiến pháp Nhật Bản - Reuters
Quảng cáo

Theo phóng viên của AFP có mặt tại chỗ, cuộc biểu tình lần này chứng tỏ khả năng huy động rộng rãi trên toàn đất nước. Ngoài Tokyo, người dân tại các địa phương khác trên toàn nước Nhật cũng xuống đường biểu tình như tại Nagoya (miền trung Nhật Bản), một nhóm các bà mẹ đã tập trung tại nhà ga và chăng biểu ngữ : « Hãy bảo vệ con cháu của chúng ta ! »

Bất chấp trời mưa, người biểu tình vẫn tập trung đông đảo, giương cao các biểu ngữ : « Ủng hộ hòa bình, phản đối chiến tranh ». Trong đám đông, một tấm băng rôn lớn, được trang trí bằng những quả bóng bay mầu trắng và đen, ghi rõ yêu cầu ông Shinzo Abe từ chức.

Bên cạnh các thành viên đối lập, trong đó có lãnh đạo Đảng Dân chủ Nhật Bản (PDJ), ông Katsuya Okada, còn có rất nhiều sinh viên, thậm chí nhiều người trong số họ đã bắt đầu tuyệt thực từ thứ Năm vừa qua. Ngoài ra, còn có những ông bố bà mẹ trẻ, người lớn tuổi và nhiều nghệ sĩ, như nhà soạn nhạc nổi tiếng Ryuichi Sakamoto.

Trong khi đó, Thủ tướng Abe và Đảng Tự do dân chủ (PLD) theo khuynh hướng bảo thủ, đang cố gắng để các đạo luật mới về quốc phòng được thông qua trong kỳ họp nghị viện sẽ kết thúc vào cuối tháng Chín tới. Hiện các đạo luật này đang được thảo luận tại Thượng viện sau khi đã được Hạ viện thông qua vào tháng Bẩy.

Cải cách quốc phòng của chính phủ Shinzo Abe nhằm mục đích cho phép quân đội Nhật Bản có thể hỗ trợ một đồng minh gặp khó khăn, đặc biệt là Hoa Kỳ, trong khuôn khổ chiến dịch có tên là « phòng thủ chung », ngay cả khi an ninh của Nhật Bản không trực tiếp bị đe dọa.

Đối với thủ tướng Shinzo Abe và những người ủng hộ cải cách, các đạo luật trên hoàn toàn cần thiết trước một nước Trung Quốc ngày càng hùng mạnh và một nước Bắc Triều Tiên khó lòng tiên liệu được hành động của Bình Nhưỡng. Còn Hoa Kỳ hoan nghênh chính sách cải cách quốc phòng của Tokyo.

Tuy nhiên, việc mở rộng quyền hạn cho Lực lượng phòng vệ của Nhật Bản khiến người dân lo sợ Tokyo sẽ mắc bẫy vào một cuộc chiến tranh phương xa. Vì từ nhiều thập kỷ nay, người dân đảo quốc đã gắn bó với tinh thần chủ hòa, được quy định trong điều 9 của Hiến pháp nước này.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.