Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - BẮC TRIỀU TIÊN

Thỏa thuận giảm căng thẳng : Hàn Quốc để ngỏ cơ hội cho Bắc Triều Tiên

Đầu tuần này, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc vừa đạt một thỏa thuận giảm căng thẳng, trong bối cảnh, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đặt quân đội trước tình thế « sẵn sàng chiến tranh ». Thỏa thuận bất ngờ và hiếm hoi này, với lời xin lỗi của Bình Nhưỡng và Seoul quyết định tắt loa tuyên truyền qua biên giới, khiến nhiều người quan sát ngạc nhiên, vì thiện chí của hai người anh em thù địch, vốn gần như bất đồng với nhau về mọi thứ.

Cố vấn An ninh Hàn Quốc Kim Kwan-jin (P) bắt tay  Hwang Pyong-so, trợ lý của lãnh đạo Bắc Triều Tiên  Kim Jong Un, nhân cuộc tiếp xúc cấp cao ỏ Bàn Môn Điếm
Cố vấn An ninh Hàn Quốc Kim Kwan-jin (P) bắt tay Hwang Pyong-so, trợ lý của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, nhân cuộc tiếp xúc cấp cao ỏ Bàn Môn Điếm Reuters
Quảng cáo

Theo AFP, một trong những điểm của thỏa thuận được giới quan sát hết sức chú ý, đó là từ « biến cố bất thường » được sử dụng đã để ngỏ cho Seoul cho mở lại các loa tuyên truyền tại khu vực giới tuyến. Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ được coi là « bất thường » ?

Giáo sư sử học John Delury, chuyên gia về Trung Quốc và Bắc Triều Tiên tại đại học Yonsei, Seoul, nhận xét với vẻ hài hước : « Trong bối cảnh hiện nay, không có gì thật sự bình thường. Cái sẽ được gọi là bất thường lại chính là điều bình thường ». Lời bình luận của chuyên gia về Bắc Triều Tiên nêu bật lên tính bất trắc cao độ trong quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-Goo, khi được một ủy ban Quốc hội chất vấn về vấn đề này, đã diễn giải : « Tốt nhất là hãy để việc xác định điều gì là bất thường đến khi nào có một tình huống cụ thể xảy ra, hơn là định nghĩa rõ ngay từ bây giờ ».

Cho dù không rõ nghĩa, điều khoản liên quan đến một biến cố bất thường vẫn có tác dụng. Theo Giáo sư sử học nói trên, việc hai bên đạt được một thỏa thuận như vậy có một ý nghĩa lịch sử, mặc dù thuật ngữ « bất thường » không được định nghĩa rõ. Seoul biết chắc là Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ đưa ra cam kết tránh những hoạt động khiêu khích cụ thể. Do vậy, khi đưa từ ngữ này vào thỏa thuận, Seoul đã dành cho mình quyền chủ động.

Giám đốc trung tâm nghiên cứu về Bắc Triều Tiên, Viện Sejong, Pail Hak-Soon, nhận định : đây là một công cụ rất hiệu quả. Thỏa thuận về việc này cho phép Seoul mở lại các loa phóng thanh bất cứ lúc nào, mà không cần phải nói rõ mình bị đe dọa như thế nào. Tuy nhiên, theo chuyên gia sử học John Delury, thì cho dù như vậy, cần phải sử dụng điều khoản này một cách chừng mực, nếu không bản thân nó sẽ mất đi giá trị răn đe.

Một số người cho rằng « biến cố bất thường », cho phép Seoul mở lại loa tuyên truyền ở biên giới sẽ chỉ nên được dùng để nói về một số trường hợp mà tính mạng con người bị đe dọa trực tiếp, ví dụ những sự cố tại biên giới, như vụ các quân nhân trúng mìn vừa qua, thay vì để chỉ các đe dọa được quảng bá rầm rộ của Bắc Triều Tiên, như bắn hỏa tiễn hay thử hạt nhân.

Chuyên gia Choi Kang, phó chủ tịch một văn phòng nghiên cứu tại Seoul, tóm lại, chính tính chất chủ quan của « biến cố bất thường » rút cục đã khiến cho cụm từ này có mặt trong văn bản thỏa thuận chung cuộc. Ông tin rằng, giữa hai bên đàm phán đã có một « đồng thuận ngầm » về cách hiểu biến cố thế nào thì được coi là « bất thường ».

Một số diễn biến hôm nay cho thấy, có vẻ như Bắc Triều Tiên thực sự coi thỏa thuận vừa đạt được mang lại cơ hội cho việc cải thiện quan hệ hai miền. Một số người cho rằng chính sự cô lập về kinh tế và chính trị rút cục buộc Bình Nhưỡng phải chọn một lối thoát.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.