Vào nội dung chính
THÁI LAN

Thái Lan bất ổn vì quân đội cầm quyền

Kinh tế Mỹ phất phới, dầu hỏa xuống giá 25% bơm dưỡng khí cho công nghiệp. Tại Á Châu, dân Thiên Tân bị vỡ mộng, tướng lãnh Thái Lan tuyên bố vung vít làm trò cười cho công luận. Tại Châu Âu, sau những chiếc thuyền vượt biển đầy xác người chết ngạt, đến lượt xe vận tải « tử thần » gây kinh hoàng và nhục nhã.Đấy là những đề tài chính trên báo chí Pháp ngày 28/08/2015.

Tuản tra trên đường phố  Bangkok. Ảnh ngày  18/08/2015.
Tuản tra trên đường phố Bangkok. Ảnh ngày 18/08/2015. REUTERS/Chaiwat Subprasom
Quảng cáo

Thây người trên đường tỵ nạn

Chiếc xe vận tải tử thần tại Áo tựa của Le Figaro . Chiếc xe vận tải nhục nhã, Cái chết giữa lòng Châu Âu, 20 tử thi di dân rửa nát trong một chiến xe chở thịt gà bỏ rơi trên một con đường gần biên giới Áo-Hung, hai tựa lớn của Liberation ở trang bìa và trang hai để nói lên một thực tế thảm thương của di dân Trung Đông, Châu Phi trên đường tỵ nạn.

51 tử thi trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em chết ngạt trên biển Địa Trung hải , hàng chục tử thi khác được phát hiện cùng ngày ( hôm nay đã lên 70) trên bộ là một « thực tế » theo Libération. Trong bài xã luận cùng tựa, nhật báo cánh tả khai phóng đặt câu hỏi : phải cần bao nhiêu xác người nữa để các nhà lãnh đạo Châu Âu phải lấy những quyết định « tương xứng với trách nhiệm lịch sử ». Cho cho đến bây giờ, trước làn sóng xin tỵ nạn, thái độ lãnh đạm của giới chính trị trong Liên Hiệp Châu Âu đã lên đến giới hạn không thể chấp nhận được. May mắn thay, Thủ tướng Đức Angela Merkel là người duy nhất đã cứu được danh dự cho Châu Âu dứt khoát lên án xu hướng và hành động bài ngoại, vô cảm trước thảm nạn đang xẩy ra hàng ngày sát biên giới của Liên Hiệp. Nhật báo cánh tả kết luận : giữa lý tưởng mở rộng cánh cửa đón nhận hết và đóng cửa đuổi hết, vẫn có một con đường trung dung phù hợp với thực tế và tinh thần nhân bản của Liên Hiệp Châu Âu, đối xử tử tế với nạn nhân trong một kế hoạch chung, một chính sách di dân hợp pháp.

Một điểm son khác của Đức là từ chính phủ đến đa số dân chúng đều một lòng một dạ. Berlin cho biết đủ khả năng tiếp đốn trong năm nay 800.000 di dân. Thăm dò ý kiến cũng cho thấy 60% người dân đồng ý ủng hộ bà Angela Merkel.

Nhận định của Libération không khác lời báo động của Giám đốc cơ quan Châu Âu giám sát biên giới Frontex. Trên Le Figaro, Fabrice Leggeri cho biết là từ thế chiến thứ hai đến nay, chưa bao giờ Liên Hiệp Châu Âu đối phó với một cuộc di cư khủng khiếp như hiện nay. Cần phải khẩn cấp tăng cường hợp tác để trợ giúp những thành viên gặp khó khăn nhiều nhất.

Thái Lan bất trắc

Thái Lan, ngôi nhà vô trật tự. Thiên Tân, giấc mơ Trung Quốc tan vỡ là hai tựa lớn của Le Monde. Từ hai vụ nổ, khủng bố tại Bangkok, tai nạn kho chứa hóa chất ở cảng Thiên Tân đã đưa đến những hệ quả tất yếu. Quân đội Thái Lan, tiếm quyền qua đảo chính, để lộ sự thiếu bản lãnh điều hành đất nước, còn tại Trung Quốc người dân công khai tuyên bố bất tín nhiệm chính quyền.

Trong bài Ngôi nhà vô trật tự đầy bất trắc, nhà báo Bruno Philip từ Bangkok nhận định : trong bối cảnh đất nước phân chia giữa những người « Áo Đỏ » với phe bảo hoàng, giữa những nhà dân chủ với quân đội thì vụ đặt bom ngày 17/08 rơi đúng lúc xấu nhất. Cung cách xử lý vụ khủng bố kinh hoàng nhất tại Thái Lan cho thấy phe quân nhân cầm quyền không phải là yếu tố bảo đảm ổn định. Nhà báo Pháp đương cử một loạt tuyên bố không chính xác và phản ứng mâu thuẫn của giới lãnh đạo. Thủ tướng Chan-O-Cha, lãnh tụ tập đoàn quân sự lúc đầu gián tiếp vu tội cho phe Áo Đỏ thân cựu Thủ tướng Thaksin và cô em gái Yingluck. Nhưng phát ngôn viên cảnh sát sau đó lại nói « nghi can là người ngoại quốc, có thể là « người Âu » hay người « Ả Rập ». Sau đó, cũng chính phát ngôn viên này tuyên bố thủ phạm vụ khủng bố « không liên quan » gì với khủng bố quốc tế. Cuối cùng cảnh sát lại nói : nghi can là người Thái hóa trang. Thủ tướng Thái cũng tiền hậu bất nhất. Ông phủ nhận khả năng người Duy Ngô Nhĩ trả thù sau vụ Thái Lan trục xuất về Trung Quốc một loạt người Hồi giáo Tân Cương xin tỵ nạn. Trong số các nạn nhân tử vong trong vụ khủng bố có 4 du khách Trung Quốc, 4 người Malaysia gốc Hoa và hai du khách Hồng Kông. Thế là truyền thông nêu giả thuyết Duy Ngô Nhĩ trả thù. Được cảnh sát Anh Quốc đề nghị trợ lực điều tra, Thủ tướng Thái liền từ chối. Nhưng khi cảnh sát Thái thừa nhận họ không đủ phương tiện khoa học để tiến hành điều tra thủ phạm thì tướng Chan-O-Cha chỉ đạo : xem loạt phim trinh thám « Blue Bloods » của Mỹ để « tìm ý ». Cư dân mạng tại Thái lan không bỏ lở cơ hội bình luận chế diễu trên internet.

Theo Le Monde, nếu vụ khủng bố xảy ra một ngày trước đó, khi chính quyền Thái Lan tổ chức một cuộc đua xe đạp khổng lồ do thái tử nối ngôi dẫn đầu và hầu hết lãnh đạo cao cấp đều có mặt thì hậu quả sẽ ra sao ?

Bằng mọi cách, quân đội Thái lan không để cho phe Thaksin trở lại chính quyền dù mỗi lần bầu cử thì phe này luôn chiếm đa số. Dự thảo Hiến pháp đi theo chiều hướng nầy, cho phép quân đội can thiệp để « duy trì ổn định » khi tình thế đòi hỏi. Tuy nhiên, với cách xử lý lụp chụp vụ khủng bố 17/08, sự thiếu khả năng của tập đoàn quân sự lộ ra dưới ánh sáng.

Dân Thiên Tân vỡ mộng

Ngày 12/08, vụ nổ khu công nghiệp Thiên Tân không những tàn phá cửa nhà, giết chết hằng trăm người mà còn làm tan vỡ mơ ước của hàng ngàn người.

Trong bài « giấc mơ tan vỡ của dân Tân Hải, một quận mới của Thiên Tân», Le Monde tường thuật rộng rãi sự kiện , các phản ứng phẫn nộ của cư dân có nhà cửa thiệt hại trước thái độ của cán bộ chính quyền, vô, cảm, chối bỏ trách nhiệm và chờ cơ hội hù dọa từng cá nhân như thường xuyên xảy ra tại Trung Quốc. Theo đặc phái viên Brice Pedroletti, vụ nổ Thiên Tân không những làm lung lay cuộc sống của thành phần trung lưu ở quận mới Tân Hải mà còn đụng vào sợi thần kinh nhạy cảm : không gì làm cho ngườ dân Trung Quốc lo sợ bằng những con « quái vật công nghiệp » những xí nghiệp gây ô nhiễm, đầu độc môi trường tràn ngập Hoa Lục ,hậu quả của chính sách chạy đua theo chỉ số tăng trưởng và quản lý tồi tệ. Vụ Thiên Tân đã làm người dân tiêu tan mọi ảo vọng : ngày tận thế xảy ra ngay trên quê hương của họ.

Vào lúc Trung Quốc chao đảo vì một loạt sự kiện xấu từ ngành công nghiệp cho đến kinh tế thì Les Echos đưa hai thông tin phấn khởi : tin vui bất ngờ từ nước Mỹ, mọi sinh hoạt sản xuất đều lên, tăng trưởng kinh tế trong quý hai lên 3,7%. Tin thứ hai là giá dầu trên thế giới tiếp tục giảm tạo thêm sinh khí cho công nghiệp. Giá nhiên liệu xuống thấp còn giúp cho mãi lực của người dân gia tăng. Hệ quả của sức bật Hoa Kỳ được Les Echos chú ý là Mỹ đã thay thế nước Pháp chiếm vị trí đối tác số một của Đức. Hàng xuất khẩu của Đức sang Mỹ đã tăng đến 24% trong sáu tháng đầu năm nay. Đó cũng là lý do tại sao giới doanh nghiệp Đức rất nóng lòng muốn Châu Âu và Hoa Kỳ ký kết hiệp định trao đổi thương mại Xuyên Đại Tây Dương.

« Đối thoại với kẻ chống quan điểm vị tha »

Kết thúc điểm báo hôm nay, xin đặt quý thính giả một câu hỏi : Có nên đối thoại với một đảng chống lại mọi ý kiến khác biệt hay không ?

Đó là câu hỏi mà nhật báo Công giáo La Croix đặt ra cho tín đồ Công giáo trong bài xã luận « Một tín điều không thế thương lượng » trước sự kiện Tòa Giám Mục ở Fréjus- Toulon, miền Nam Pháp mời một đảng viên của Mặt Trận Quốc Gia, một tổ chức cực hữu bài ngoại và bài Do Thái tham dự một cuộc thảo luận do Tòa Giám Mục tổ chức.

Theo quan điểm của Giáo Hội, không thể đối thoại với những người có chủ trương đi ngược lại giáo lý bao dung của Thiên Chúa giáo.

Vấn đề là trong quá trình hoạt động, ông Jean Marie Le Pen Chủ tịch danh dự của tổ chức này, vừa bị người con gái đương kim Chủ tịch đảng khai trừ , luôn khẳng định cương lĩnh chính trị và xã hội của đảng « gần với chương trình xã hội của Giáo Hội ». Cũng vì vậy mà cháu ngoại của ông Le Pen, dân biểu Marion Maréchal Le Pen cũng nằm trong xu hướng này.

Theo quan điểm của ban tổ chức, tức Tòa Giám Mục địa phận Fréjus- Toulon thì cần phải đối thoại với những người có ý kiến khác biệt để giúp họ thay đổi.

Nếu cho rằng vì chủ trương chính trị xã hội của tổ chức cực hữu trái ngược với Giáo Hội do vậy không nên đối thoại thì thì cuối cùng Giáo Hội không tiếp xúc với ai cả vì các đảng khác tại Pháp cũng có nhiều chủ trương đi ngược với Giáo Hội.

Lập luận này khá vững chắc cho nên La Croix không phản bác nhưng đặt điều kiện : để Tòa Giám Mục địa phận Fréjus- Toulon không mang tiếng ủng hộ đảng bài ngoại thì phải xác định ngay các tín điều không thể khoan nhượng. Đó là phải nói thẳng với dân biểu Marion Maréchal Le Pen chủ trương của người Thiên Chúa Giáo là mở cửa đón tiếp di dân đang gõ cửa Liên Hiệp Châu Âu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.