Vào nội dung chính
NHÂT BẢN - LỊCH SỬ

Thế chiến II : Shinzo Abe "vô cùng đau xót", nhưng không xin lỗi

Hôm nay 14/08/2015, nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc Đệ nhị Thế chiến, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có một bài diễn văn rất được chú ý. Người đứng đầu chính phủ Nhật khẳng định ông « vô cùng đau xót » trước những đau khổ do đế quốc Nhật gây ra. Tuy nhiên, ông Shinzo Abe cũng kêu gọi không nên buộc các thế hệ ra đời sau chiến tranh phải xin lỗi cho những hành động không phải của mình.

Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc họp báo ngày 14/08/2015.
Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc họp báo ngày 14/08/2015. Reuters
Quảng cáo

Về những tội ác của đế quốc Nhật, nhân dịp 70 năm nước Nhật phát xít đầu hàng, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định : « Nhật đã nhiều lần bày tỏ lòng hối hận sâu sắc và những lời xin lỗi chân thành về các hành động của mình trong chiến tranh » và lập trường của các lãnh đạo tiền nhiệm với tội ác của nước Nhật đế quốc trong chiến tranh sẽ là « bất di bất dịch » trong tương lai.

Thủ tướng Nhật bày tỏ : « Đất nước chúng ta đã buộc nhiều dân tộc vô tội phải chịu những tổn thất và đau khổ không kể xiết » và « khi tôi nhìn lại sự thật hiển nhiên này, tôi không nói được lên lời, trái tim tôi vô cùng đau xót ».

Thủ tướng Nhật nói : ông hy vọng chính quyền Trung Quốc thừa nhận « những tình cảm chân thành » của Nhật Bản, và cho biết thêm ông hy vọng gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khi cơ hội cho phép.

Theo Thủ tướng Abe, nước Nhật kể từ khi chiến tranh kết thúc « đã liên tục đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng trong khu vực », và mặt khác, hơn 80% dân cư Nhật Bản hiện nay sinh ra sau chiến tranh, không thể để cho các thế hệ tương lai « không liên quan gì đến chiến tranh » buộc phải « xin lỗi như một điều tiền định ».

Theo các nhà quan sát, nội dung phát biểu của Thủ tướng Nhật chắc chắn sẽ được xem xét kỹ lưỡng bởi các nước láng giềng như Hàn Quốc, Trung Quốc. Các quốc gia đã từng chịu đứng rất nhiều đau khổ trong thời gian bị Nhật Bản đô hộ hay gây chiến, trong và trước Thế chiến Hai. Giai đoạn bành trướng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, kể từ 1910 cho đến Thế chiến Hai, không ngừng gây căng thẳng cho quan hệ giữa Tokyo với các láng giềng Đông Bắc Á, đặc biệt liên quan đến ngôi đền Yasukuni có thờ linh vị các tội phạm chiến tranh, hay vấn đề « phụ nữ giải sầu », một uyển ngữ để chỉ hàng trăm ngàn phụ nữ bị buộc phải làm việc trong nhà thổ của quân đội Nhật.

Bắc Kinh và Seoul muốn Thủ tướng Nhật xin lỗi như các tiền nhiệm. Hàn Quốc cho rằng Nhật Bản chưa hành động đủ để làm nguôi đi nỗi đau của các nạn nhân, cho dù đã có những lời xin lỗi. Trong khi đó, cánh bảo thủ trong đảng cầm quyền Nhật Bản kêu gọi Thủ tướng Nhật khép lại với điều mà họ gọi là một giai đoạn sám hối ô nhục.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.