Vào nội dung chính
ĐIỈ TRUNG QUỐCPHÁP

Bắc Kinh bịt miệng những luật sư « chuyên gây rối »

Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, có khoảng 220 nhà bảo vệ và đấu tranh vì nhân quyền bị triệu tập hay bị bắt giam tại Trung Quốc. Tờ Le Monde, dưới tựa đề « Bắc Kinh bịt miệng những luật sư " gây rối " » đăng trong số ra hôm nay, trích dẫn nhận định của một luật sư Trung Quốc, cho biết : « Đây là làn sóng trấn áp tồi tệ nhất đối với giới luật sư từ những năm 1980 ».

Amnesty International biểu tình trước Sứ quán Trung Quốc  tại Bangkok ngày 06/08/2015, đòi Bắc Kinh trả tự do cho  hàng trăm luật sư bảo vệ nhân quyền bị bắt giữ.
Amnesty International biểu tình trước Sứ quán Trung Quốc tại Bangkok ngày 06/08/2015, đòi Bắc Kinh trả tự do cho hàng trăm luật sư bảo vệ nhân quyền bị bắt giữ. AFP/ Nicolas ASFOURI
Quảng cáo

Le Monde bắt đầu bằng trường hợp của Cai Ying, một người quen bị các nhân viên An ninh Nhà nước triệu tập, vì vị luật sư này thường xuyên xử lý những hồ sơ nhạy cảm. Ông đã từng đề cập tới trường hợp cán bộ của tỉnh Hồ Nam nơi ông sinh sống bị tra tấn để thú nhận hành vi tham nhũng. Cai Ying cũng vậy, ông thường xuyên bị tra tấn.

Năm 2012, vì công kích cách xét xử của các quan tòa địa phương, ông đã bị biệt giam gần ba tháng, bị trói trên « ghế hổ » treo lơ lửng trên trần nhà trong vòng nhiều giờ, hai bàn tay bị trói trên một tấm ván cho tới khi không chịu được nữa. Sợ hãi trở thành thói quen đối với luật sư Cai Ying. Ông quen với những lời hăm dọa, thường xuyên tự hỏi có bị theo dõi khi buổi tối từ văn phòng về nhà hay điện thoại và các phương tiện làm việc khác có bị nghe lén hay không.

Thế nhưng, « buổi làm việc » ngày 14/07 vừa qua không giống như những lần trước. Hai nhân viên ép ông về đồn, nhưng luật sư từ chối. Vì thế, họ làm việc ngay tại văn phòng của ông. Họ tỏ ra lịch sự với hàng nghìn câu hỏi, cứ như họ chưa biết gì về đời tư của ông.

Cuối cùng, họ chỉ « yêu cầu » ông hai việc : Thứ nhất, không được đăng tin gì trên các mạng xã hội về hai luật sư Vương Vũ (Wang Yu) và Chu Thế Phong (Zhou Shi-feng) thuộc văn phòng luật Phong Thụy (Fengrui) ở bắc Kinh. Cả hai bị cảnh sát bắt ngày 10/07, vì bào chữa cho một trợ lý người Trung Quốc, Trương Mạc (Zhang Miao), của tờ tạp chí Đức Die Zeit, vì cô đã đưa tin về phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông.

Thứ hai, ông không được tiếp tục theo dõi trường hợp của một người bạn luật sư khác, Li Heping, người đã bảo vệ các thành viên của Giáo hội « thầm lặng » hay công dân bị chiếm đất đai. Nhà bảo vệ nhân quyền này cũng bặt vô âm tín từ khi bị bắt ngày 10/07 vừa qua. Anh trai của Li Heping, là một luật sư dân sự không dính líu tới các vụ việc nhạy cảm trên, cũng bốc nhiên bị bắt ngày 01/08.

Từ đầu tháng Bẩy, tổ chức Ân xá Quốc tế đã thống kê được 220 luật sư và các nhà đấu tranh đã bị triệu tập hay bị bắt giữ, một số người hiện nay vẫn chưa được thả. Đây là chiến dịch quy mô nhất chống các « luật sư chân đất » (Weiquan) và các quyền cơ bản từ những năm 1980.

Luật sư Teng Biao, hiện đang sống tại Massachusetts, nhận xét chiến dịch trên nằm trong khuôn khổ trấn áp tất cả những gì liên quan tới xã hội dân sự từ khi ông Tập Cận Bình giữ chức Chủ tịch nước vào mùa thu năm 2012. Ông nói : « Sau các tổ chức phi chính phủ, các giảng viên đại học, Internet, các nhà trí thức và nhà đấu tranh hay Giáo hội, không có gì ngạc nhiên là các luật sư bị bủa lưới vì họ nằm trong số những thành phần hoạt động tích cực nhất ».

Trong khi đó, trên các phương tiện truyền thông nhà nước, chiến dịch bôi xấu hình ảnh những luật gia trên đang đi đúng hướng. Ngày 19/07, một chương trình phóng sự chiếu trên đài CCTV giới thiệu văn phòng Phong Thụy (Fengrui) là những kẻ gây rối có khả năng « biến những vụ việc bình thường thành những vụ nhạy cảm và những vụ nhạy cảm thành những vấn đề chính trị ». Còn tờ Tân Hoa xã cáo buộc những luật sư trên là những người đam mê đi tìm « danh vọng và vinh quang ».

Theo luật sư Cai Ying, chiến dịch đàn áp này gây ra hai hậu quả nghiêm trọng. Một mặt, hình ảnh của những luật sư đấu tranh vì nhân quyền có nguy cơ bị bôi nhọ trong mắt những công dân bình thường. Mặt khác, sự tự do hành động của họ bị hạn chế, vì co cụm lại theo yêu cầu của chính quyền đồng nghĩa với việc chẳng bảo vệ được vấn đề gì nữa, ngoài ra, xác suất bị bắt giữ sẽ còn gia tăng.

Sau Fukushima, miền duyên hải đông bắc Nhật Bản vẫn hoang tàn

Bốn năm sau trận động đất gây nên trận sóng thần và phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima, « quá trình tái xây dựng vùng đông bắc Nhật Bản diễn ra một cách chậm chạp ». Theo tờ Le Monde, khoảng 400 km đường biển bị phá hủy vẫn không có nhà ở hay các khu thương mại, do thiếu nhân lực và ngân sách.

Đặc phái viên của Le Monde miêu tả, nhiều tòa nhà tại thành phố Ishinomaki, thuộc tỉnh Miyagi (đông bắc Nhật Bản), vẫn đứng đó bên cạnh những tòa nhà ma bị sóng cuốn đi hồi tháng 03/2011. Trận động đất và sóng thần đã khiến 4.600 người chết và mất tích, 46% thành phố bị phá hủy.

Bốn năm sau, công việc dọn dẹp đã hoàn tất nhưng quá trình tái cấu trúc vẫn giậm chân tại chỗ. Sau thảm họa, một số ngôi nhà xây sẵn (kasetsu jutaku) được đưa tới gần khu vực bị nạn để những người mất nhà hay mất cửa hàng cư ngụ. Thế nhưng, bốn năm ở tạm đối với người dân là quá đủ, họ muốn trở về nơi ở cũ của mình. Hơn 10.000 người trên tổng số 160.000 dân đã từ bỏ quê hương và chỉ có 58% doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Cả người dân và cả chính quyền thành phố đều nhận thấy quá trình tái xây dựng diễn ra quá chậm chạp và không biết sẽ đi về đâu. Kế hoạch tái cấu trúc được thông qua với sự đồng ý của người dân vào tháng 11/2012. Bản kế hoạch dự tính cung cấp chỗ ở mới cho 3.524 gia đình, xây dựng một hệ thống đê điều mới với một công viên chạy dọc bờ biển thay khu vực dân cư trước đây. Công việc xây dựng lẽ ra sẽ được hoàn tất vào năm 2020 với kinh phí 1.300 tỉ yen (khoảng 9,5 tỉ euro).

Tiến độ chậm trễ trên phản ánh đúng những khó khăn hiện nay của Nhật Bản. Nhân lực, dụng cụ và nguyên vật liệu, tất cả đều thiếu. Một người dân chỉ trích rằng Tokyo tuyên bố nghĩ tới họ, trong khi đó lại tập trung mọi phương tiện để chuẩn bị cho Thế Vận Hội năm 2020.

Dọc vùng duyên hải cần tái xây dựng dài 400 km, gồm ba tỉnh Fukushima, Miyagi, Iwate, đều gặp những khó khăn trên. Chính quyền địa phương cố gắng tuân theo lịch trình dự kiến với mục đích : « tái xây dựng tốt hơn ». Giai đoạn đầu tiên là xây dựng nhà ở, sau đó là thúc đẩy nền kinh tế và nối lại quan hệ cộng đồng. Mỗi thành phố đều có kế hoạch hành động nhưng liên tiếp bị chậm trễ. Hơn 90% cơ sở hạ tầng đã được hoàn thiện, trong khi đó chỉ có 16% nhà ở được xây xong vào cuối năm 2014.

« Putin còn vươn xa chừng nào người ta còn cho phép »

« Ông Putin còn vươn xa chừng nào người ta còn cho phép » là lời cảnh báo của tổng thống Ukraina trong cuộc phỏng vấn được đăng trên trang 2 và 3 của nhật báo Libération trong số ra ngày hôm nay.

Trả lời phỏng vấn ba nhật báo, Libération của Pháp, Kurier của Áo và Helsingin Sanomat của Phần Lan, ông Petro Porochenko cảnh báo toàn Châu Âu phải đề phòng trước « tính háu ăn » bất ổn của Matxcơva và cho rằng lục địa già này đang bị những tham vọng của Kremlin đe dọa. Tổng thống Porochenko đánh giá người đồng nhiệm Nga đã phá vỡ hệ thống an ninh quốc tế. Bắt đầu bằng việc thôn tính bán đảo Crimée, sau đó là miền đông Ukraina, liệu Tổng thống Nga đang tính toán tấn công Phần Lan, tiếp theo là các quốc gia vùng biển Baltic hay khu vực biển Đen ? Tổng thống Porochenko cho rằng hoàn toàn có thể. Ông nhấn mạnh khi người Ukraina chiến đấu tại miền đông nước này, không phải chỉ nhằm bảo vệ nền độc lập hay toàn vẹn lãnh thổ, mà họ đang chiến đấu cho nền dân chủ, tự do và an ninh của toàn Châu Âu. Vì vậy, ông yêu cầu thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình để áp dụng thỏa thuận đình chiến tại Ukraina.

Thế nhưng, tại nước láng giềng, phần lớn người dân Nga lại quả quyết rằng các nước phương Tây đang quyết hạ gục Nga và ủng hộ chính sách đối ngoại phản công của Tổng thống Putin. Vẫn theo Libération, trong bài : « Thơm mùi chiến tranh lạnh tại Nga », sáu trên mười người Nga không chịu đựng được Liên Hiệp Châu Âu và một nửa dân số cho rằng NATO là mối đe dọa chính đè nặng lên đất nước họ. Những nhận định trên chứng tỏ ảnh hưởng mạnh mẽ của chiến dịch truyền bá đối với người dân Nga ; họ sẵn sàng từ bỏ nhiều quyền dân chủ vì an ninh quốc gia.

Các phương tiện truyền thông đưa tin rằng Nga không hề bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt kinh tế, mà chính Châu Âu bị khuất phục trước các yêu sách của Hoa Kỳ. Bài báo kết luận, người Nga chỉ tiếp nhận được khối lượng thông tin bị Matxcơva bóp méo và những nguồn tin này không muốn nhìn thấy Ukraina tự quyết định số phận của nước này.

Pháp mở cửa du lịch y tế

Chính phủ Pháp muốn khuyến khích đón tiếp những bệnh nhân ngoại quốc giầu có tại các bệnh viện nước này. Tuy nhiên, tờ La Croix lo ngại, nếu phát triển ngành du lịch y tế, liệu còn đảm bảo được chất lượng hay không.

Theo La Croix, ngành y của Pháp thu hút và cũng gây bất ngờ cho những bệnh nhân nước ngoài giầu có với giá thăm khám. Nếu như ở Mỹ, có thể phải trả tới 1.000 đô la (900 euro) một lần khám bác sĩ chuyên khoa, thì ở Pháp, chỉ dao động từ 50-150 euro.

Chính nhờ những quy định về giá, mà Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao muốn thu hút thêm một lượng lớn khách du lịch điều trị bệnh. Trong một bản thông cáo chung, cả hai bộ khẳng định « Phát triển sức hút y tế của các bệnh viện Pháp là một điều cần thiết », vì « Thị trường dịch vụ chăm sóc sức khỏe quốc tế có nhiều tiềm năng phát triển mạnh, có thể sẽ có những ảnh hưởng tích cực tới hoạt động kinh tế, tạo việc làm và phát triển nghiên cứu tại Pháp ».

Thị trường « du lịch y tế » được thẩm định lên tới 60 tỉ euro. Trên quy mô quốc tế, số lượng bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm trở lại đây, từ 7,5 triệu người vào năm 2007 lên 16 triệu vào năm 2012. Dù các bệnh viện tại Pháp vẫn có truyền thống tiếp đón người bệnh nước ngoài, cũng như những người gặp bệnh hiểm nghèo mà không có khả năng chi trả viện phí, song con số này chỉ chiếm 0,5% tổng số người bệnh được điều trị. Nổi tiếng về ngành y tế, Pháp đang muốn đuổi kịp các nước Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ, Thái Lan hay Thổ Nhĩ Kỳ về phương diện « du lịch y tế ».

« Google » hóa thành « Alphabet »

Như vậy, G-Google chỉ là một chữ cái trong bảng chữ cái « Alphabet ». Thông tin trên được đồng loạt đưa tin trên các nhật báo của Pháp. Hai nhà sáng lập Google, Larry Page và Sergey Brin, giữ lần lượt chức CEO và chủ tịch công ty mẹ.

Ngoài công ty Google dưới sự điều hành của PDG mới người Ấn Độ Sundar Pichai, Alphabet có thêm 6 mảng mới : X Labs chuyên về những dự án tương lai, như Google Car, Calico phụ trách lĩnh vực y tế, Sidewalk Labs về các dự án thành phố thông minh, Nest phát minh các đồ vật kết nối trong gia đình, Fiber là nhà cung cấp dịch vụ internet, Google Ventures và Google Capital.

Thị trường chứng khoán Wall Street đã chào mừng thông tin trên ngay khi được công bố và giá cổ phiếu của Google đã tăng thêm 5%.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.