Vào nội dung chính
NHẬT BẢN

Thủ tướng Nhật Bản tiếp tục mất tín nhiệm

Chỉ số tín nhiệm của Thủ tướng Shinzo Abe rơi xuống mức thấp nhất từ khi ông quay trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012. Ngoài ra, ông còn phải đối mặt với sự phản đối của đa số người dân Nhật Bản về việc khởi động lại một nhà máy điện hạt nhân bị ngừng hoạt động sau thảm họa Fukushima. Kết quả trên được công bố trong một bản thăm dò dư luận của tờ Mainichi trong số ra hôm nay, 10/08/2015.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe dự lễ kỷ niệm 70 năm quả bom nguyên tử rơi xuống Nagasaki, 09/08/2015.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe dự lễ kỷ niệm 70 năm quả bom nguyên tử rơi xuống Nagasaki, 09/08/2015. REUTERS/Toru Hanai
Quảng cáo

Chỉ số tín nhiệm của người đứng đầu chính phủ Nhật đã mất thêm ba điểm và chỉ còn ở mức 32%. Một nguyên nhân khác dẫn tới kết quả xấu này là chủ trương của chính phủ cử các đội quân Nhật bảo vệ một quốc gia đồng minh ở nước ngoài. Quyết định trên đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của quần đảo được quy định trong bản Hiến pháp chủ hòa từ sau Thế Chiến thứ hai.

Cuối tuần qua, 57% người dân được phỏng vấn cũng phản đối việc tái khởi động lò phản ứng hạt nhân tại Sendai, ở phía tây bắc Nhật Bản, dự kiến được tiến hành vào thứ Ba, 11/08, chỉ hai ngày sau lễ kỷ niệm 70 năm quả bom nguyên tử thứ hai rơi xuống thành phố Nagasaki.

Số 35% còn lại đồng tình với quyết định của nhà sản xuất Kyushu Eletric Power. Chính phủ cũng ủng hộ công ty điện lực khởi động lại nhà máy sau hai năm đóng cửa. Phụ nữ là những người phản đối gay gắt nhất đối với ông Shinzo Abe. Chỉ có 26% phụ nữ ủng hộ chính phủ, trong khi đó tỉ lệ nam giới là 40%.

Tuy nhiên, sự sụt giảm uy tín của Thủ tướng cũng không có lợi cho phe đối lập, đang bị chia rẽ nội bộ. Đảng Dân chủ chỉ tập hợp được 9% ý kiến ủng hộ, trong khi đó Đảng Tự do Dân chủ đang cầm quyền nhận được 28%.

Tất cả các nhà máy nguyên tử trên lãnh thổ Nhật Bản đều ngừng hoạt động từ sau thảm họa Fukushima vào năm 2011. Đây là tai nạn nghiêm trọng nhất trong lịch sử lĩnh vực nguyên tử dân sự từ sau vụ nổ tại Tchernobyl.

Lò phản ứng Sendai, được đưa vào hoạt động từ tháng 07/1984, đã bị ngừng hoạt động ngày 10/05/2011 để bảo trì lần thứ 21, theo đúng quy trình thông thường : sau 12 đến 13 tháng hoạt động sẽ phải tạm ngừng 3 đến 4 tháng để bảo dưỡng. Tuy nhiên, nhà máy Sendai không được hoạt động trở lại vì chính quyền quyết định lập lại các tiêu chí an toàn nghiêm ngặt hơn sau thảm họa Fukushima.

Tại khu vực Sendai đã diễn ra các cuộc diễn tập trong vòng nhiều ngày dựa trên kịch bản tương tự với thảm họa Fukushima. 48 nhà máy hạt nhân lần lượt bị đóng cửa trên lãnh thổ Nhật Bản, chưa kể 6 lò phản ứng bị hư hỏng hoàn toàn tại trung tâm Fukushima Daiichi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.